Bao sái bàn thờ là gì?
Bao sái bàn thờ thực chất là việc lau dọn bàn thờ giúp không gian thờ cúng thêm gọn gàng, sạch sẽ. Việc lau dọn bàn thờ được thực hiện trong một khoảng thời gian nhất định giúp bàn thờ được sạch sẽ, ấm cúng nhưng việc bao sái này vào thời điểm cuối năm là quan trọng nhất.
Đây là việc quan trọng cần làm trước khi năm cũ khép lại, đón năm mới về. Thường sau nghi thức cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp, các gia đình sắp xếp thời gian thực hiện dọn dẹp bàn thờ, bao sái bát hương.
Mặc dù mùng 1 và ngày Rằm hàng tháng, thắp hương hoa quả khấn cầu tưởng nhớ gia tiên thì mọi người đều thực hiện việc dọn dẹp, lau chùi. Nhưng bao sái bàn thờ cuối năm mang ý nghĩa quan trọng hơn, rút tỉa chân hương cho án thờ khang trang, thoáng đãng. Đây cũng là một cách thể hiện lòng thành kính, biết ơn của con cháu.
Nên sử dụng nước gì để bao sái bàn thờ?
1. Nước ấm
Sử dụng nước ấm vào chậu sạch, giặt khăn vắt khô để lau bài vị, bát nhang và đồ thờ. Nếu có điều kiện, gia chủ có thể dùng khăn cho bài vị và bát nhang riêng, khăn cho đồ thờ cúng riêng. Chậu nhỏ dùng để chứa nước ấm, khăn dùng lau dọn bàn thờ nên được cất gọn riêng. Không dùng khăn rửa mặt, chậu tắm để dùng trong quá trình bao sái bàn thờ.
2. Nước ngũ vị hương tẩy uế
Nước ngũ vị hương dùng để tẩy uế, khử mùi khác với ngũ vị hương trong nấu ăn. Nước ngũ vị hương để tẩy uế gồm quế, hồi, đinh hương, gỗ vang, bạch đàn. Loại ngũ vị hương tẩy uế này còn được biết đến với tên gọi nước cầu an, nước phú quý.
Gia chủ có thể mua lọ nước ngũ vị hương đóng chai sẵn để sử dụng hoặc mua gói thảo dược ngũ vị về đun sôi lọc nước. Gói ngũ vị mua về đun cùng khoảng 1,5 lít nước, để ấm sau đó lọc lấy phần nước trong, dùng để lau rửa bát nhang và đồ thờ cúng.
3. Rượu gừng
Rượu gừng không chỉ có tác dụng trong sức khỏe mà còn được ứng dụng làm nước bao sái bàn thờ rất tốt. Rượu và gừng đều có tác dụng sát khuẩn, vừa làm sạch đồ thờ vừa mang lại mùi thơm dịu nhẹ, loại bỏ bụi bặm bám lâu ngày. Loại nước bao sái này cũng mang lại sinh khí mới cho không gian án thờ.
Hơn nữa, rượu gừng có thể làm một hũ to dùng cho cả năm. Bất cứ khi nào muốn dọn dẹp, lau chùi bàn thờ, gia chủ đều có thể dùng để bao sái.
Nếu như không có hũ rượu gừng ngâm từ trước, gia chủ có thể chọn vài củ gừng tươi, rửa sạch, giã nát ngâm với rượu trắng khoảng 1 tiếng, lọc lấy nước trong. Sau đó, pha cùng nước ấm loãng ra để dùng lau dọn án thờ.
Việc bao sái bàn thờ trong gia đình, ai cũng có thể thực hiện, miễn là người thành tâm, muốn săn sóc án thờ. Tuy nhiên, gia chủ hoặc những người đảm đương việc thờ cúng trong nhà sẽ chu đáo, tỉ mỉ thường xuyên thực hiện thì đỡ tránh được sơ suất, rơi vỡ.
Không nên dùng nước gì để bao sái bàn thờ?
Nước lã hoặc nước đục
Nhìn chung, khi bao sái bàn thờ, không nên dùng nước lã hoặc nước đục bẩn để lau dọn bàn thờ. Mặc dù, gia chủ có thể dùng nước ấm, nước đun sôi để nguội để lau dọn bàn thờ, vì điều này thể hiện lòng thành kính. Nhưng với nước lã hoặc nước đục không đủ thành tâm cũng như không đủ mạnh để thanh tẩy uế khí trên bàn thờ.
Đặc biệt, nước không sạch mang lau dọn bàn thờ không chỉ thể hiện sự bất kính mà còn ảnh hưởng đến sự thanh tịnh và tài lộc của bàn thờ.
Các dung dịch tẩy rửa
Nhiều người thắc mắc rằng các dung dịch tẩy rửa như xà phòng pha loãng, hay nước tẩy kính, tẩy bếp, nước lau nhà mang pha loãng ra lau bàn thờ có được không. Đây là sai lầm rất đáng tránh. Các dung dịch tẩy rửa này mặc dù có thể làm sạch hiệu quả nhưng không thể dùng để bao sái bàn thờ.
Thứ nhất, chúng chứa nhiều chất hóa học độc hại, tính tẩy mạnh nên không phù hợp lau bàn thờ, điều này sẽ khiến lớp phủ trên bàn thờ bị bong tróc. Đồng thời, những dung dịch này có mùi khó chịu, nồng hăng không thích hợp để sử dụng trên bàn thờ.
Tóm lại, những chất này không chỉ ảnh hưởng đến độ bền của vật phẩm trên bàn thờ mà còn ảnh hưởng đến độ thanh tịnh, nghiêm trang của bàn thờ, chưa kể còn gây hại cho sức khỏe các thành viên trong gia đình.
3 bước bao sái ban thờ
1. Dụng cụ dành riêng cho việc bao sái
- Gia chủ nên chuẩn bị một chiếc khăn mới tinh chỉ để bao sái ban thờ.
- Tiếp đó là chuẩn bị ngũ vị hương, gừng (hoặc tinh dầu thơm) để hòa cùng nước sạch dùng lau dọn, bao sái ban thờ.
- Chuẩn bị chổi, giấy lau, chậu nhỏ - tất cả cần phải sạch và mới để bao sái.
Để tiết kiệm thời gian, công sức chuẩn bị có thể mua bộ sản phẩm bao sái ban thờ (gồm 3 vật phẩm: nước thơm bao sái, khăn bao sái và bột tẩy uế).
Bột tẩy uể có thành phần chính làm từ 108 loại thảo liệu quý ở các vùng có linh khí hội tụ.
Nên mua bộ sản phẩm bao sái ban thờ ở những địa chỉ bán vật phỏng phong thủy, thờ cúng có uy tín để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
2. Làm lễ, thắp hương xin phép
Trước khi tiến hành bao sái và tỉa chân hương, gia chủ dâng mâm lễ nhỏ rồi thắp hương, đọc văn khấn xin phép bao sái ban thờ.
Lễ vật nhiều hay ít không quan trọng, mà phải thật thành tâm và thể hiện lòng biết ơn, chân thành.
3. Thực hiện lau dọn, bao sái
Bắt đầu bao sái ban thờ từ trên cao xuống thấp, lau dọn nhẹ nhàng để tránh làm xước, bay màu. Tránh xê dịch các bức tượng, bát hương.
Khi rút chân hương hãy rút ít một, cho tới khi số chân hương trong bát hương còn vài chân theo số lẻ (3-5-7-9 chân hương).
Bát hương có nhiều tro thì nên gạt bớt bằng thìa sạch, sau đó dùng khăn sạch, hoặc khăn ướt lau dọn ban thờ.
Sau khi lau dọn sạch không gian thờ cúng, bao sái xong thì gia chủ sắp xếp lại vật phẩm, đồ thờ cúng về vị trí ban đầu. Nếu có hũ gạo, muối... thì thay mới. Xong xuôi khấn xin thỉnh các vị thần linh, gia tiên trở về và báo cáo đã xong việc bao sái ban thờ.