Bệnh sốt xuất huyết mùa hè: biểu hiện và cách phòng tránh
Bệnh sốt xuất huyết là do virus dengue gây ra và lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh sang người lành qua vết đốt. Đây là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính và có nguy cơ phát tán thành dịch. Hai loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết là Aedes aegypti và Aedes albopictus.
Đặc điểm
Người mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ có triệu chứng là xuất hiện mẩn đỏ, phát ban. Ngoài ra là các biểu hiện như đau họng, đau đầu, sốt cao lên đến 39 – 40 độ C, cơ thể rơi vào trạng thái mệt mỏi. Tình trạng này có thể kéo dài trong 3 đến 7 ngày. Nếu nặng hơn, bệnh nhân có thể bị đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, thậm chí là tụt huyết áp, nôn ra máu và nguy cơ dẫn đến tử vong nếu không chữa kịp thời.
Từ ngày thứ hai đến ngày thứ năm của chu kì bệnh, hiện tượng xuất huyết bắt đầu xuất hiện. Khi tiêm chích, bệnh nhân sẽ xuất hiện các nốt bầm tím quanh vùng tiêm. Các nốt mần đỏ là biểu hiện của xuất huyết tự nhiên. Các chấm xuất huyết, bầm tím ở lòng bàn tay, lòng bàn chân là xuất huyết ngoài da. Đối với người bệnh bị chảy máu cam, chảy máu chân răng là biểu hiện của xuất huyết niêm mạc. Xuất huyết tiêu hóa đi kèm với các biểu hiện là nôn ra máu, đại tiện ra máu và đau mỏi khớp. Đặc biệt đối với trẻ em có thể sốt cao đột ngột kèm theo co giật. Ở một mức độ nguy hiểm hơn, người bệnh từ trạng thái đang sốt cao chuyển sang hết sốt, tay chân lạnh ngắt, cơ thể li bì mệt mỏi và nôn ra máu. Đây là dấu hiệu sốc và bệnh nhân cần được cấp cứu kịp thời, nhanh chóng.
Cách phòng ngừa
Bệnh sốt xuất huyết dễ bùng phát và lây nhiễm trong mùa hè. Song, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm nếu có cách để phòng tránh hiệu quả. Đầu tiên cần ngăn ngừa sự để trứng, sinh sản của muỗi bằng cách đậy kín tất cả các bể chứa nước, làm khô thoáng môi trường xung quanh, tránh để bị ẩm ướt.
Thứ hai, phải thường chuyên lau chùi, vệ sinh các dụng cụ chứa nước, sử dụng muối, hóa chất diệt bọ gậy tại các ổ nước đọng. Đối với bể chứa nước lớn, chúng ta có thể thả cá vào. Đây là một trong những phương pháp tránh sự sinh sôi của ruồi muỗi.
Thứ ba, vệ sinh sạch sẽ chỗ ở, dọn sạch những dụng cụ như chai lọ, túi bóng không cho muỗi đẻ trứng.
Thứ tư, khi ngủ cần mắc màn, mặc quần áo dài chống muỗi đốt. thứ năm, chúng ta cần liên hệ với các cơ sở ý tế để được phun hóa chất phòng chống dịch.
Cuối cùng, nếu bị sốt và xuất hiện các ban đỏ cần đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời, không tự điều trị ở nhà khiến bệnh dễ nguy hiểm và lây lan nhanh.
Cách điều trị
Bệnh sốt xuất huyết sẽ rất nguy hiểm nếu chúng ta không điều trị kịp thời và đúng cách. Ở giai đoạn ban đầu, bệnh nhân sẽ bị mất nước, vì vậy nhiệm vụ cần làm là phải bù nước đầy đủ cho bệnh nhân.
Khi bệnh nhân bắt đầu có hiện tượng xuất huyết, không thể điều trị bằng cách bù nước thông thường mà chúng ta phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Khi bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc với các biểu hiện chân tay lạnh, cơ thể mệt li bì, khó thở và nôn ra máu, chúng ta cần có sự can thiệp tốt nhất từ các bác sĩ, để bệnh nhân được theo dõi và điều trị tốt nhất.