Bí ẩn về chiếc chiêng đồng tự kêu ở Đền Mẫu

21:00, Thứ năm 17/04/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Chiếc chiêng đã khá nhiều lần bị mất trộm, nhưng đêm đến cứ kêu ầm ĩ trong nhà như có một người con gái đánh chiêng khiến nhiều người hoảng sợ và mang trả nó trở lại chỗ cũ.

Đền Mẫu, thôn Yên Nội, xã Tiên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam là nơi đang lưu giữ chiếc chiêng đồng. 

Theo lời kể của các cụ cao niên trong thôn, đền Mẫu được xây dựng từ rất lâu đời để thờ một người phụ nữ xinh đẹp nhất trong làng, sau được tiến cung và trở thành hoàng hậu.

Bí ẩn về chiếc chiêng đồng tự kêu ở Đền Mẫu

Chiếc chiêng đồng tại đền Mẫu, thôn Yên Nội, xã Tiên Ngoại, Duy Tiên, Hà Nam

Vào cung được 3 năm nhưng bà vẫn chưa có con, buồn rầu, bà đã xin nhà vua cho về quê nhà sinh sống.

Đồng ý trước nguyện vọng của bà, nhà vua đã giao cho bà một chùm chìa khóa (gồm 7 chìa) có thể mở được 7 kho báu và cho bà lấy tùy ý. Nhưng lạ lùng mở 6 kho toàn vàng bạc, châu báu bà không lấy. Mở đến kho thứ 7 toàn là chiêng đồng thì bà chọn một chiếc rồi mang theo về.

Trên đường về do trời nắng bà đã dùng chiếc chiêng đội lên đầu. Khi về đến gốc đa ở đầu làng, bà dừng chân nghỉ ngơi và đánh “3 hồi, 9 tiếng” chiêng như muốn báo hiệu cho nhà vua rằng bà đã về đến làng. Nghe tiếng chiêng lạ kêu rất vang, người dân trong thôn kéo ra xem thì phát hiện mối đã xông kín hết người bà, chỉ hở một bàn chân. Thấy chuyện kì lạ như vậy, sau khi bà qua đời, người dân lập đền thờ bà, hàng năm lấy ngày 10/12 âm lịch làm ngày giỗ.

Theo lời kể của nhiều người dân nơi đây, trước kia đền là nơi rất linh thiêng, bất kể ai đi qua kể cả quan lại trong triều đình cũng đều phải hạ mũ, nón, xuống kiệu, dắt ngựa đi qua, nếu làm trái về sẽ bị ốm đau hoặc phải mang lễ ra đền xin bà thì mới khỏi.(?!)

Nhưng đến năm 1962, khi chiến tranh với giặc Pháp xảy ra, ngôi đền bị phá bỏ. Năm 2012, ngôi đền được xây dựng lại và lấy tên là đền Mẫu.

Đền Mẫu nằm trên một gò đất cao, bên cạnh là một gốc đa cổ thụ hàng nghìn năm tuổi. Chiếc chiêng đồng nặng khoảng 10kg, đường kính khoảng 60 cm, không có hoa văn, họa tiết gì đặc biệt.

Bí ẩn chiếc chiêng tự đánh ở đền Mẫu

Đền Mẫu nằm trên một gò đất cao, bên cạnh là một gốc đa cổ thụ hàng nghìn năm tuổi. 

Các cụ cao niên trong thôn kể lại, trước kia đền Mẫu thiêng lắm nhưng kể từ sau khi chiến tranh với giặc Pháp xảy ra ngôi đền bị phá, rồi được xây dựng lại nhưng giờ không còn thiêng như trước nữa. Trước kia, chiếc chiêng đồng bị mất nhiều lần nhưng nhiều người bảo, những ai lấy trộm chiếc chiêng về để ở nhà đêm đến chiếc chiêng cứ kêu ầm ĩ rất ghê rợn. Sợ bị trừng phạt nên chắc họ đem trả lại.

Ông Lê Đình Học, Chủ tịch xã Tiên Ngoại, cho biết: "Đây chỉ là câu chuyện truyền tai nhau ở trong một thôn. Trên thực tế chúng tôi chưa nghe thấy những câu chuyện kỳ bí về chiếc chiêng. Đồng thời, cũng chưa thấy hiện tượng lợi dụng chiếc chiêng để trục lợi, gây mê tín. Nếu tình trạng này xảy ra chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý.

Cùng theo chân chúng tôi đến đền Mẫu, ông Nguyễn Mạnh Lự, cán bộ văn hóa xã Tiên Ngoại, ngỡ ngàng cho hay: “Tôi thường xuyên xuống thôn Yên Nội công tác nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe những câu chuyện như vậy về chiếc chiêng đồng và tận mắt nhìn thấy chiếc chiêng. Chúng tôi sẽ tuyên truyền, vận động để người dân không mê tín, tránh những việc không hay xảy ra. Chúng tôi sẽ tiến hành bảo tồn chiếc chiêng vì theo tôi chiếc chiêng có niên đại rất lâu đời. Rất mong những cơ quan chuyên môn về thẩm định để biết rõ niên đại, nguồn gốc của chiếc chiêng”.

Được biết, giờ đây chiếc chiềng đồng đang được lưu giữ ở đình Miễu để tránh tình trạng bị mất cắp.

Những báu vật mang ý nghĩa tâm linh được đồn thổi kì bí như chiếc chiêng ở Duy Tiên, Hà Nam không phải hiếm hoi. 

Cách đây không lâu, dư luận cũng xôn xao về một pho tượng cổ kỳ bí tại thôn Trà Liên, thuộc xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Pho tượng có niên đại gần 500 năm, làm bằng kim loại có màu cánh gián và được đồn đại là tượng đồng đen.

Những người dân trong làng cho biết, bức tượng tạc chân dung Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, tước Uy Quốc Công, là cậu ruột chúa Nguyễn Hoàng. Tên tuổi của ông gắn liền với sự kiện chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, bắt đầu hành trình mở mang bờ cõi Tổ quốc về phía Nam của các chúa Nguyễn và vương triều nhà Nguyễn sau này.

Nhiều cao niên trong làng cũng kể lại rằng trong chiến tranh, ngài đã che chở cho dân lành tránh được mưa bom, bão đạn của kẻ thù (!?). Hay câu chuyện về việc dân quân du kích dùng pho tượng làm ... bia ngắm bắn nhưng không thể nào bắn trúng được pho tượng đến nay vẫn được các cựu chiến binh kể lại cho con cháu trong làng nghe. 

Không chỉ miễn nhiễm với bom đạn, pho tượng cổ còn là hung thần của bọn đạo chích. Bị đánh cắp nhiều lần nhưng kẻ gian không thể mang pho tượng đi tẩu táng được .Sau này, những kẻ ủ mưu đánh cắp pho tượng quý của làng đều đã bị thần linh trừng phạt, làm ăn thất bát, ốm liệt giường mấy năm nay...

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link