Cơm rượu là món ăn truyền thống phổ biến trong ngày Tết Đoan Ngọ. Cơm rượu có tính mát, hỗ trợ tiêu hóa. Món ăn cơm rượu thường không thể thiếu trong dịp Đoan Ngọ. Ngoài ra cơm rượu cũng là một món ăn thú vị, thích hợp cho ngày hè nắng nóng. Cơm rượu giúp cải thiện chức năng tim mạch, hỗ trợ nâng cao miễn dịch.... nhờ giàu dinh dưỡng và chất chống oxy hóa.
Cơm rượu thường làm từ nếp lứt, nếp cẩm. Khi ăn cơm rượu có vị ngọt, chua chua, hơi cay nồng. Cơm rượu để lâu thì nồng độ rượu càng tăng nên càng cay. Món cơm rượu ngon là hạt nếp phải tròn mọng không nát, cơm rượu thơm, ăn ngọt ngọt chua chua, ít cay. Cơm rượu cũng là gia vị để cho vào một số món giúp món ăn ngon hơn như thêm vào lẩu gà để tạo món lẩu gà bỗng nếp thơm ngọt, thanh.
Thời trước hầu hết các gia đình đều tự ủ cơm rượu mỗi dịp Tết Đoan Ngọ. Ngày nay nhiều người mua ngoài chợ. Hãy tự ủ để cả gia đình cùng thưởng thức nhé.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Gạo nếp lứt hoặc nếp cẩm, nếp trắng tùy theo gia đình bạn thích nhưng thường dùng nếp lứt và nếp cẩm lứt còn nguyên vỏ ngoài thì hạt cơm rượu sẽ không bị nát và nhiều chất xơ, thơm hơn là dùng gạo xát trắng. Lượng gạo tùy theo số thành viên trong gia đình
-Men rượu. Bạn mua ngoài chợ nên chú ý mua men ngon. Lượng men dùng tương ứng với gạo. Thông thường 4 viên men dùng cho 1 kg gạo. Lưu ý nhiều men quá thì cơm rượu bị cay, ít men thì cơm rượu không đủ lên men sẽ không ngọt và mùi không đủ thơm.
Sơ chế
- Nếp mang ngâm trong nước sạch khoảng 8 tiếng, hoặc ngâm qua đêm. Nếp cần ngâm để giúp cho loại bỏ được chất phytic kìm chế trong cám gạo. Chất này không tốt cho quá trình hấp thu dinh dưỡng.
- Sau khi ngâm gạo thì vo sạch, đãi bỏ trấu còn dính trong gạo
- Mang gạo cho vào nấu như nấu cơm hoặc cho vào đồ như đồ xôi. Lượng nước cho vào nấu thường nhiều hơn một chút so với nếp đã xát trắng.
- Nếp khi nấu chín thì tải ra mâm, rá cho nguội và tơi
- Men mang đi nghiền và cho lọc qua rây để lấy bột mịn, loại bỏ trấu và những cơ men to.
Cách ủ cơm rượu
- Khi cơm nếp nguội thì cho vào hũ, tô, âu rồi rắc đều men lên. Bạn rắc lên vào dùng đũa đảo cho men thấm đều vào cơm. Dùng nắp đậy lại và để nơi thoáng mát
- Để cơm rượu vào nơi thoáng mát, 3-5 ngày là có thể ăn được, tùy theo nhiệt độ, lượng men.
- Bạn có thể vo cơm rượu thành từng viên rồi bọc lá chuối đặt lên rổ và dùng âu hứng ở dưới theo phong cách làm cơm rượu miền trong.
Lưu ý khi ủ cơm rượu, nếu không muốn cơm rượu bị mốc phía trên thì mỗi ngày nên mở ra đảo một lần để nếp và men đều nhau.
Thành phẩm là cơm rượu lên men thì nước chảy ra ngọt, cay cay, chua chua. Mở hũ ra thấy thơm nhưng không bị xổng bị hắc xộc vào mũi. Nếu mở ra mà thấy hơi cay xộc vào mũi là do không đủ men hoặc quá men.