Biểu hiện của "cô bé" không khỏe mạnh:
Có mùi
Bất kỳ mùi hôi hoặc mùi bất thường từ âm đạo, chẳng hạn như mùi tanh, chua… đều là dấu hiệu của nhiễm trùng, phát triển quá mức của nấm men hoặc sự mất cân bằng giữa các vi khuẩn trong âm đạo.
Ra nhiều dịch hơn bình thường
Dịch âm đạo tiết ra là phản ứng bình thường của cơ thể, nhất là những ngày rụng trứng thì dịch càng ra nhiều. Tuy nhiên, dịch âm đạo được coi là “khỏe mạnh” nếu nó không có mùi, có màu trong hoặc hơi trắng. Còn nếu có mùi hôi và có dấu hiệu ra nhiều, không ngừng thì rất có thể đó là biểu hiện của nhiễm trùng hoặc bệnh viêm nhiễm nào đó trong âm đạo.
Ngứa
Vùng kín sẽ khỏe mạnh nếu nó không bị ngứa. Còn khi bị ngứa dù là bên trong hoặc bên ngoài thì rất có thể bạn đanng bị viêm da, dị ứng (ngứa bên ngoài), nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm hoặc các bị STDs (ngứa bên trong).
Gặp trục trặc trong việc bôi trơn
Bình thường, âm đạo có khả năng tự tiết dịch để bôi trơn trong những lúc cần thiết (ví dụ khi quan hệ vợ chồng…). Dịch này được tiết ra một cách tự nhiên khi có kích thích và để tạo sự thuận lợi cho quan hệ tình dục thoải mái. Nếu âm đạo không thể tiết dịch tự nhiên để bôi trơn hoặc lượng dịch tiết ra không đủ thì tức là cơ quan sinh sản chưa làm tốt các chức năng của nó.
Sự “khô hạn” này có thể do cơ thể bạn bị thiếu chất, sự thay đổi hormone trong cơ thể, mãn kinh, sử dụng một số loại thuốc (trầm cảm, tiểu đường) hoặc do các bệnh lý (viêm âm đạo, nhiễm nấm âm đạo…).
Đau hoặc khó chịu
Một vùng kín khỏe mạnh là khi nó không bị đau hay khó chịu, sưng… ngay cả khi có quan hệ. Vì vậy, nếu thấy các bất thường này, chị em phải xem xét lại những nguyên nhân có thể xảy ra, ví dụ như: dị ứng, viêm nhiễm nấm, nhiễm trùng.
Ngoài ra, khi thấy ở vùng kín xuất hiện bất kỳ nốt mẩn đỏ, mụn cóc, hay sự tăng trưởng bất thường của các cơ quan bên trong thì bạn nên đi khám càng sớm càng tốt vì những dấu hiệu này có thể là cảnh báo sự lây nhiễm STDs.
Cách giữ "cô bé" luôn khỏe mạnh
Rửa sạch sau khi đi vệ sinh
Mỗi lần đi vệ sinh, nước tiểu thường đọng lại khiến vùng kín bị ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh. Vì vậy, bạn nên rửa âm đạo bằng nước sạch sau mỗi lần đi vệ sinh. Nếu không có điều kiện thì bạn cũng nên dùng giấy vệ sinh lâu sạch để vùng kín không bị ẩm ướt và bốc mùi.
Tuy nhiên, bạn không nên rửa bằng các loại xà phòng, sữa tắm vì chúng có chất tẩy mạnh, cũng không nên dùng quá thường xuyên dung dịch vệ sinh phụ nữ, càng không nên thụt rửa âm đạo nếu không có chỉ định của bác sĩ. Vì tất cả những điều này làm mất cân bằng độ pH, khiến cho các lợi khuẩn tự nhiên trong âm đạo bị phá hủy, tạo điều kiện cho nấm ngứa phát sinh.
Mặc đồ lót thông thoáng
Mặc quần lót quá chật hoặc chất liệu không thấm hút, ủ hơi như sợi tổng hợp, ni lông sẽ làm cho vùng kín luôn bị bí bách, ẩm ướt, khiến vi khuẩn có điều kiện sinh sôi, phát triển, từ đó dẫn đến việc hình thành mùi hôi.
Vì vậy, để cô bé luôn trong “điều kiện sống” tốt nhất, hãy chọn những loại quần lót vừa vặn và làm bằng chất liệu cotton thấm hút tốt để vùng kín luôn khô thoáng, đặc biệt tránh các loại quần lọt khe thời trang khiến vùng kín chật chội, bị cọ xát nhiều rất dễ sinh nấm ngứa.
Vệ sinh sạch sẽ trong thời kỳ “đèn đỏ”
Thời kỳ "đèn đỏ" môi trường axit bình thường bị thay đổi tạo điều kiện thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của các loại vi khuẩn. Nếu không được vệ sinh sạch sẽ chúng nhanh chóng sinh sôi dẫn đến khả năng bạn bị mắc các bệnh phụ khoa.
Do đó, bạn cần vệ sinh sạch sẽ trong thời kỳ kinh nguyệt, thay băng vệ sinh sau 3-5 tiếng mỗi lần và mỗi lần thay băng cần rửa “cô bé” thật sạch sẽ.
Ăn uống lành mạnh
Có một số loại thực phẩm có thể làm tăng mức độ nhiễm trùng nấm men như món ăn nhiều đường, giàu tinh bột… Vậy nên, hãy tránh các loại thực phẩm này để duy trì sự cân bằng vi khuẩn trong âm đạo, giữ cho vùng kín khỏe mạnh. Bạn nên ăn nhiều sữa chua vì trong sữa chua có nhiều vi khuẩn tốt có thể giúp ổn định sự cân bằng vi khuẩn, hạn chế sự phát triển quá mức của vi khuẩn sống trong âm đạo.
Ăn nhiều sữa chua
Sữa chua có chứa nhiều lợi khuẩn probiotic giúp áp đảo các loại vi khuẩn, nấm ngứa vốn cùng tồn tại song song trong cơ thể bạn cùng các vi sinh vật khác. Khi các lợi khuẩn yếu đi thì các vi khuẩn, nấm có điều kiện phát triển và gây bệnh. Chính vì vậy ăn sữa chua là biện pháp tốt giúp cân bằng giữa các vi khuẩn trong âm đạo, giúp cho “cô bé” của bạn luôn khỏe mạnh và an toàn.
Cắt tỉa hoặc cạo vi-ô-lông vùng kín
Vi-ô-lông vừa giúp bạn bảo vệ vùng kín khỏi các tác hại của vi khuẩn và tránh mầm bệnh nhưng trong điều kiện khí hậu ô nhiễm và nóng bức, chúng lại có tác dụng ngược, chúng góp phần tạo sự bí bách ở vùng kín, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn nấm hoành hành, dễ gây viêm nhiễm, mất vệ sinh. Vì vậy, nếu vi-ô-lông vùng này quá um tùm, bạn nên cắt tỉa chúng thường xuyên để tạo sự thông thoáng.
Khám phụ khoa thường xuyên
Vùng kín bình thường dịch âm đạo có màu trong hoặc hơi trắng, không mùi, không ngứa. Nếu bạn thấy vùng kín có mùi hôi kèm theo biểu hiện ngứa, dịch âm đạo có màu lạ (vàng, xanh), viêm tấy…thì đó có thể là dấu hiệu viêm nhiễm, bạn cần đi khám để được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, bạn cũng nên có thói quen thường xuyên đi khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng để đảm bảo vùng kín luôn khỏe mạnh, bởi mầm bệnh mới phát sinh thường chưa biểu hiện rõ và cần được phát hiện, điều trị sớm.