Biến thể phụ BA.5 xâm nhập vào Việt Nam: Chuyên gia nói gì?

( PHUNUTODAY ) - Mức độ nguy hiểm của biến chủng BA.5 Omicron vừa xâm nhập tại Việt Nam thế nào và cần làm gì để đối phó?

Theo GS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, dịch ở Việt Nam xu thế giảm do thực hiện tốt công tác tiêm vaccine. Tuy nhiên, trước đây chủ yếu lưu hành hai biến thể phụ của Omicron là BA.1, BA.2 thì đến nay khu vực châu Âu và Mỹ ghi nhận thêm biến thể phụ BA.4, BA.5 và bắt đầu có sự gia tăng về số mắc.

Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu nhận định biến thể phụ này của Omicron tăng nhanh trong vài tuần gần đây. Cơ quan này cũng khuyến cáo các quốc gia duy trì biện pháp ứng phó với biến thể này bằng các giải pháp như tăng cường vaccine, tiêm mũi nhắc lại cho người có yếu tố nguy cơ và giám sát chặt chẽ nguy cơ biến thể xâm nhập vào trong nước.

covid2

Các nước vẫn đang theo dõi và đánh giá về tính lây lan của hai biến thể phụ mới BA.4, BA.5. Tuy nhiên, vài đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy, hai biến thể phụ này lây lan nhanh hơn BA.1 và BA.2. Về khả năng gây bệnh nặng, hiện chưa có bằng chứng cụ thể song theo một số nghiên cứu, biểu hiện bệnh tăng nặng tại khu vực châu Phi. Để có bức tranh tổng thể cần thêm nghiên cứu tại châu Âu, Mỹ.

WHO nhận định thế giới vẫn đang trong đại dịch, đồng thời cảnh báo biến chủng mới làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại. Omicron hiện là biến thể phổ biến nhưng chưa phải là cuối cùng. Vì thế, các nước cần tiếp tục duy trì biện pháp ứng phó.

Nghiên cứu của Trường Y Harvard trên tạp chí Y học New England hôm 22/6 cho thấy BA.5 dường như có khả năng tránh kháng thể ở những người từng mắc COVID-19 và cả những người đã tiêm nhắc lại, nhưng số ca tử vong và nhập viện ít hơn.

Theo các chuyên gia, điều này là do hàng triệu người được chích ngừa hoặc có kháng thể, làm khả năng miễn dịch chung của dân số cao hơn so với thời điểm bắt đầu đại dịch.

Ngoài ra, BA.5 và một số chủng mới khác có xu hướng lây nhiễm sang đường hô hấp trên thay vì phổi nên giảm tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm Robert Koch (RKI) của Đức khuyến cáo người cao tuổi và những người thuộc nhóm nguy cơ nên tiêm liều tăng cường để được bảo vệ thêm.

Theo nhà dịch tễ học Christian Althaus, Đại học Bern, Thụy Sỹ, quy mô làn sóng BA.5 sẽ thay đổi tùy vào từng khu vực. "Nó có thể là 5% ở một số quốc gia và 30% tại những nước khác. Tất cả phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch của người dân", ông này cho hay nói.

Tại Nam Phi, đợt bùng phát BA.4 và BA.5 tương tự làn sóng Omicron đầu năm nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn. Trong khi ở Bồ Đào Nha, mức độ tử vong và nhập viện ngang với đợt bùng phát Omicron đầu tiên.

Ông Althaus, nguyên nhân của sự khác biệt này có thể là do khác biệt về nhân khẩu học. Nam Phi có dân số trẻ, trong khi độ tuổi trung bình tại châu Âu cao hơn.

PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho rằng, BA.4, BA.5 vẫn là biến thể Omicron, lây lan nhanh mạnh hơn BA.1, BA.2 nhưng thực tế, số ca mắc nặng không cao, không gây quá tải hệ thống y tế.

Ông Phu lưu ý, vaccine phòng chống dịch COVID-19 hiện vẫn có hiệu lực với biến thể Omicron. Vì vậy, việc người dân tiêm các mũi nhắc lại theo khuyến cáo của Bộ Y tế là cần thiết để phòng chống biến thể mới xâm nhập này.

Vaccine COVID-19 có miễn dịch không bền vững, người dân nên tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại để kích thích hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước virus xâm nhập.

BS Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, thông thường biến thể sau bao giờ cũng có tốc độ lây lan nhanh hơn biến thể trước, nhưng không gây hại như biến thể ban đầu. Với các biến thể của virus, những người bị bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch cần tự bản thân, có thể lựa chọn tiêm thêm mũi vaccine tăng cường. "Người dân không nên quá hoang mang lo lắng trước biến thể BA.4- BA.5 này", bác sĩ Khanh nói.

Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link