Sự phát triển của khoa học công nghệ đã và đang thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người. Các công việc thủ công được chuyển sang tự động hóa, do máy móc đảm nhận. Do đó, các ngành liên quan đến công nghệ như khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo... vẫn đang tiếp tục phát triển cực nhanh.
Một ngành mới liên quan đến công nghệ cũng siêu hot, đang có nhu cầu nhân lực cực lớn ở Việt Nam cũng như thị trường lao động quốc tế là thiết kế vi mạch (Integrated circuit design hay VLSL design). Ngành này chuyên nghiên cứu, phát triển và chế tạo ra các chip điện tử (còn gọi là mạch tích hợp - Integrated Circuit, viết tắt là IC).
Nói một cách dễ hiểu, đây là công việc tạo ra chip vi mạch, nền tảng cho nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Sản phẩm chip điện tử được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như điện tử, công nghệ thông tin, viễn thông, phương tiện giao thông...
Thiết kế vi mạch thường chia làm 3 loại là thiết kế số (Digital IC), thiết kế tương tự (Analog IC), thiết kế tín hiệu hỗn hợp (Mixed-signal).
Để sản xuất ra một sản phẩm chip người ta cần trải qua nhiều giai đoạn như thiết kế kiến trúc, thiết kế logic, thiết kế mạch, mô phỏng, kiểm tra chức năng, thiết kế vật lý và đưa vào sản xuất.
Các công đoạn này có thể chia ra thành 2 nhóm lớn là thiết kế/phát triển (design/development) và sản xuất (manufacturing). Người lao động có thể làm việc tại các công ty phát triển hoặc công ty sản xuất vi mạch.
Các công ty thiết kế/phát triển chỉ đảm nhận nhiệm vụ thiết kế mà không sản xuất. Họ cần nắm bản quần phần mềm và nguồn nhân lực. Chi phí đầu tư ban đầu sẽ không cao bằng các công ty sản xuất. Hiện tại, các công ty vi mạch hàng đầu thế giới đã có mặt ở TP. HCM nhưu Itel, Renesas, Marvell...
Trong khi đó, các nhà máy sản xuất vi mạch cần sự đầu tư lớn hơn từ việc xây dựng nhà xưởng phức tạp, thiết bị máy móc đắt tiền, mua bản quyền thiết kế vi mạch, nguồn nhân lực kỹ thuật, kinh nghiệm cao để vận hành.
Hiện nay, các nhà máy sản xuất vi mạch lớn đang được đặt tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc...
Thiết kế vi mạch được đánh giá là nghề có triển vọng phát triển trong 10-15 năm tới. Nó sẽ trở thành lựa chọn hàng đầu của những bạn trẻ yêu thích nghiên cứu khoa học. Ở Việt Nam, thị trường cho ngành này cần nguồn nhân lực rất lớn, khoảng 300 kỹ sư/năm cho một công ty phát triển phần mềm. Tuy nhiên, số lượng sinh viên được đào tạo cho ngành này hiện nay chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.
Ngành thiết kế vi mạch còn là một trong những ngành có mức lương tốt với nhiều đãi ngộ. Theo khảo sát của một trung tâm nghiên cứu việc làm, mức lương khỏi điểm của nghề này là khoảng 10-15 triệu đồng/tháng đối với các doanh nghiệp nội địa. Nếu làm cho các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là làm tại Mỹ, Singapore, Nhật Bản... mức lương sẽ còn cao hơn rất nhiều.
Đối với kỹ sư vi mạch có kinh nghiệm từ 1-4 năm, lương có thể dao động trong khoảng 15-25 triệu/tháng. Một số liệu khác cho thấy, kỹ sư lâu năm có thể đạt mức lương 4000 USD. Ngoài ra, có rất nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn đối với nhân sự ngành này như mỗi năm được tăng lương 1 lần, thưởng 2 lần, 1 tháng lương 13, có bảo hiểm cho gia đình, thời gian làm việc thoải mái, có cơ hội đi nước ngoài nhiều lần.
Hiện nay, các trường có khoa Điện - Điện tử, Điện tử viễn thông hoặc khoa Công nghệ đều giảng dạy những kiến thức cơ bản liên quan đến công mệ vi mạch, mạch tích hợp hoặc bán dẫn. Có thể tham khảo một số trường đại học có những khoa này như Đại học Bách Khoa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Công nghệ (Đại học Quốc Gia Hà Nội)...