Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp, mỗi ngày vẫn ghi nhận hàng ngàn ca mắc và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bên cạnh việc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cơ bản "5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tự tập - Khai báo y tế", mọi người cũng cần hình thành lối sống sinh hoạt mới phù hợp trong thời kỳ dịch bệnh.
Theo bác sĩ Trần Văn Phúc (BV Xanh Pôn, Hà Nội), để chống lại dịch Covid-19, chúng ta không thể dựa vào sự may mắn, mà phải thật tỉnh táo và bình tĩnh, hiểu rõ virus để đưa ra cách đối phó tối ưu. Anh cho rằng, việc cá nhân hóa phòng chống dịch bệnh là điều cần thiết nhất mà mọi người nên làm lúc này.
"Hãy cá nhân hóa phòng chống dịch bệnh!", bác sĩ Phúc viết trên trang cá nhân.
"Nghĩa là mỗi người phải tự bảo vệ để mình không bị Covid-19".
Bác sĩ Phúc chỉ ra, virus SARS-CoV-2 rất dễ lây truyền trong những không gian kín. Vì vậy, mọi người nên hạn chế tiếp xúc với người lạ ở những nơi bí bách, chật hẹp; nếu buộc phải tiếp xúc thì cần có biện pháp phòng ngừa kỹ lưỡng.
"Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rằng trên 99% virus lây truyền trong nhà ở những nơi có không gian kín, chỉ dưới 1% lây truyền ở ngoài trời.
Tôi lấy ví dụ cách mô phỏng không gian kín của nhà virus học Margarita Del Val, bà chọn một chiếc ô tô cá nhân.
Nếu chúng ta ngồi một mình trong chiếc xe đó, đóng kín cửa, thì 15 phút sau chúng ta hít trở lại phổi 4% lượng không khí chúng ta đã thở ra. Nếu có một người khác ngồi bên cạnh, thì chỉ 10 phút sau chúng ta đã hít đến 8% lượng khí của người bên cạnh. Giả sử người ngồi cùng bị Covid-19, thì xác suất chúng ta bị nhiễm là 30% trong 30 phút và 71% trong vòng 1 giờ.
Nhưng nếu kéo hai cửa kính xuống 5cm, hệ thống thông gió chéo sẽ làm mới không khí tới 9 lần mỗi phút, khí thở ra của chính chúng ta và người bên cạnh biến mất, nguy cơ lây nhiễm gần như không có.
Dựa vào nguyên lí này, tôi khuyên mọi người hạn chế đi cầu thang máy. Cá nhân tôi ở tầng 26 tòa chung cư, luôn coi cầu thang bộ lúc đi xuống là cơ hội thể dục tuyệt vời. Khi lên tầng 6, tôi luôn chọn cầu thang bộ, đây là cách rèn luyện cung lượng tim và sức bền rất tốt, lại phòng tránh Covid-19 hiệu quả."
Ngoài ra, trong trường hợp phải ở chung với người lạ trong một căn phòng quá 15 phút, bác sĩ Phúc khuyên mọi người nên bật quạt và mở cửa để đảm bảo sự thông gió.
"Tại sao lại là 15 phút?
Đó là con số mà các CDC đưa ra khi định nghĩa tiếp xúc gần, để nói về trường hợp tiếp xúc với người khác ở khoảng cách dưới 2 mét, trong tổng thời gian 15 phút của một ngày.
Với hầu hết các virus đều tuân theo con số này.
Như vậy, tôi khuyên các bạn đừng tiếp xúc với người lạ quá 15 phút ở trong phòng kín, cố gắng cách xa họ trên 2 mét."
Bên cạnh đó, bác sĩ Phúc cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc kiểm soát hành vi cá nhân.
"Điều tôi đặc biệt chú ý đó là hành vi cá nhân.
Chúng ta biết rằng, virus SARS-CoV-2 chủ yếu lây qua giọt bắn khi hắt hơi, ho, nói chuyện quá to, la hét, gào thét, hát hò.
Đi trong thang máy tôi thấy rất nhiều người nói chuyện với nhau, nói chuyện điện thoại, họ không vặn nhỏ được âm lượng.
Hãy tránh xa những người nói nhiều và hay nói.
Trong bữa ăn ở nhà ăn tập thể, nhiều người thoải mái nói chuyện, thoải mái cười đùa, thoải mái ngửa cổ lên trời mà ho; không ít lần tôi để ý nước bọt của họ bắn tung toé vào suất ăn của người bên cạnh. Vấn đề quan trọng là người ngồi cùng chẳng nhận ra. Người ốm, mũi sụt sịt ho và sốt nhưng vẫn thản nhiên đến bếp ăn tập thể, thản nhiên đến chỗ đông người, đã vậy lại hay lấy tay ngoáy mũi, lau chùi và vẩy vót lung tung."
Bản thân bác sĩ Phúc cũng đã không ít lần chứng kiến nguy cơ mất an toàn phòng, chống dịch Covid-19 xảy ra trong sinh hoạt thường ngày: người bán hàng ăn kéo khẩu trang xuống để thổi túi bóng, người đi viếng đám ma thè lưỡi liếm dán phong bì, người thì nhấm nước bọt đếm tiền...
Anh cho biết, kể từ khi làm bác sĩ, anh luôn từ chối những lời mời ăn uống chung.
"Bác sĩ tiếp xúc với đủ thứ mầm bệnh, nên chúng tôi phải biết tự bảo vệ bản thân, chẳng riêng gì Covid-19 mà ngay cả với các chủng virus hay vi khuẩn khác cũng vậy. Tôi cho rằng, bản thân mình không tránh khỏi có lần bị lây nhiễm Covid-19, bởi virus nó chẳng tha ai cả. Nhưng bằng sự hiểu biết, tôi cố gắng giữ gìn tối đa, để thời gian không may bị nhiễm càng kéo dài càng tốt, khi mà tôi hay mọi người đã có ít nhiều kháng thể và độc lực virus giảm đi như chủng gây cảm lạnh thông thường."
Bác sĩ Phúc cũng cảnh báo, phương châm 5K ai cũng thuộc, nhưng trong xã hội vẫn còn rất nhiều người giữ những thói quen gây mất an toàn phòng, chống dịch như trên. Nếu tình trạng này không sớm chấm dứt, dịch bệnh sẽ khó lòng được kiểm soát và những ca siêu lây nhiễm sẽ tiếp tục xuất hiện.
9 biện pháp được Bộ Y tế khuyến cáo để ngăn ngừa Covid-19
1, Thường xuyên rửa tay đúng cách bằng xà phòng dưới vòi nước sạch, hoặc bằng dung dịch sát khuẩn có cồn (ít nhất 60% cồn).
2, Đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng và đến cơ sở y tế.
3, Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải, khuỷu tay áo.
4, Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực, dinh dưỡng hợp lý xây dựng lối sống lành mạnh.
5, Vệ sinh thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
6, Nếu bạn có dấu hiệu sốt, ho, hắt hơi, và khó thở, hãy tự cách ly tại nhà, đeo khẩu trang và gọi cho cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị
7, Nếu bạn từ vùng có dịch bệnh trở về cần tự cách ly, theo dõi sức khỏe, khai báo y tế đầy đủ.
8, Thực hiện khai báo y tế trực tuyến tại https://tokhaiyte.vn hoặc tải ứng dụng NCOVI từ địa chỉ https://ncovi.vn và thường xuyên cập nhật tình trạng sức khoẻ của bản thân.
9, Cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19, giúp bảo vệ bản thân và gia đình: https://www.bluezone.gov.vn/.