Câu chuyện của một gia đình toàn F0 dưới đây được VNE đăng tải sẽ giúp bạn có thêm kinh nghiệm và cách xử lý nếu chẳng may bản thân nhiễm bệnh.
Tối 5/7, Thùy Liên, 27 tuổi, ở phường 13, quận 10, Tp. HCM bắt đầu sốt nhẹ và đau nhức toàn thân. Cô gái lờ mờ đoán bản thân bị nhiễm nCoV bởi người chú ruột sống cùng nhà được xác định dương tính và đã đi cách ly.
Ngày ôm sau, đến lượt mẹ và ông nội cô cũng xuất hiện triệu chứng tương tự. Kết quả test nhanh cho thấy ngoài người bố âm tính, ba người còn lại đều dương tính. Do chưa có kết quả xét nghiệm PCR nên cả gia đình được yêu cầu tự cách ly tại nhà.
Dù ở trong nhà 24/24h, tất cả đều phải đeo khẩu trang, trừ lúc ăn uống và tắm giặt. Liên thường xuyên nói chuyện với mọi người để xác nhận trạng thái thể chất và tinh thần của họ bởi cô biết, khi mắc bệnh, nỗi sợ hãi và bất an sẽ tăng lên."Nên bình tĩnh, mọi việc rồi sẽ ổn" là câu Liên hay nói nhất thời điểm này.
Những ngày chờ kết quả xét nghiệm PCR với cô dài như cả thế kỷ. Hôm 9/7, khi mang nước cho con gái, mẹ cô ngất xỉu, ngã lăn xuống nền nhà. "Đó là khoảnh khắc sợ hãi nhất tôi từng trải qua. Tôi cứ tưởng mình sẽ mất mẹ ngay lúc ấy", cô gái nhớ lại.
Khi nhân viên y tế phường xuống cấp cứu, cô vẫn không ngừng khóc. Liên chỉ kịp trấn tĩnh khi xe sắp lăn bánh đến bệnh viện: "Mẹ ơi, tin tưởng vào bác sĩ, y tá nha mẹ. Vài bữa là được về thôi", cô chạy theo, nói với.
Hai ngày sau, Liên được đưa đến bệnh viện dã chiến tại Hóc Môn. Sau khi khám phân loại, Liên được ở lại bệnh viện dã chiến do thuộc F0 thể nhẹ. "Đêm đầu tiên ở bệnh viện dã chiến là đêm dài nhất tôi từng trải qua, nhưng phải động viên mình không thể gục ngã", cô kể.
Hai hôm sau gọi điện về, bố Liên liên tục kêu mệt. Gọi video call cho ông, hình ảnh đầu tiên cô thấy là khuôn mặt bố đỏ ửng, đôi mắt thất thần, tiếng thở rít lên từng chặp khiến nỗi sợ hãi trong Liên trỗi dậy. Khi nhận kết quả dương tính của ông, cô gái 27 tuổi không còn đủ sức khóc.
Ngày hôm sau, bố Liên được chuyển đến Bệnh viện quận 10 nhưng hoàn toàn mất liên lạc. Ngày kế tiếp, khi hồi phục lại đôi chút, ông chủ động gọi cho con gái thông báo cơn sốt đã giảm. "Bóng tối bao trùm gia đình tôi được xua tan", Liên nói, "Chúng tôi thật may mắn, các triệu chứng không tồi tệ hơn. Không còn ai nguy hiểm đến tính mạng".
Thời điểm này, mẹ và ông nội cô đang ở bệnh viện cũng không còn phải thở oxy nữa. Để cập nhật tình hình sức khỏe mọi người, hàng ngày 9h sáng, Liên lại nhấc điện thoại gọi cho bố mẹ vài phút, chủ yếu giữ liên lạc và động viên tinh thần.
Ngày 23/7, mẹ và ông nội đều cho kết quả âm tính lần hai, chờ ngày ra viện, trong khi Liên và bố vẫn dương tính. "Sức khỏe tôi vẫn ổn, chỉ là vấn đề thời gian để có được kết quả âm tính", cô lạc quan.
Những ngày sống tại bệnh viện dã chiến, Liên không quên cảm ơn sự ủng hộ của người thân và bạn bè. Cô cho hay, mọi người liên tục gửi thức ăn, hoa quả cho năm bệnh nhân trong gia đình. “Chúng tôi không cô đơn khi đối mặt với dịch bệnh", cô nói.
Liên còn gửi lời cảm ơn tới trạm y tế phường, trung tâm y tế quận, những y bác sĩ đã xét nghiệm, điều trị cho mình và người thân, những tình nguyện viên hậu cần ngày chỉ ngủ 2-3 tiếng để phục vụ những bệnh nhân Covid-19 như cô. "Tình cảm mọi người dành cho khiến tôi rất hạnh phúc. Sài Gòn luôn dễ thương như thế", Liên xúc động.
Có lẽ khi biết được câu chuyện của cô gái tên Liên, nhiều người trong chúng ta sẽ được “vỡ òa” về một góc nhìn mới. Vì những người chưa nhiễm bệnh, thường băn khoăn tự hỏi, sẽ ra sao khi mình trở thành F0? Sẽ như thế nào nếu được đưa vào bệnh viện dã chiến? Và nên làm gì nếu người nhà cũng dương tính và phải nằm viện, thở oxy???
Không có câu trả lời cụ thể hay chung chung, bởi mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng điều quan trọng nhất trong tình hình hiện nay, là hãy giữ cho mình một tâm lý vững vàng, một trái tim nóng ấm (để sẻ chia) và một cái đầu lạnh (để biết đâu là thông tin đúng, sai) và như Liên đã nói: “Bĩnh tĩnh là chìa khóa thoát ra khỏi bi kịch của số phận. Nên bình tĩnh, mọi việc rồi sẽ ổn.”
Thế nhưng, không phải ai cũng có được suy nghĩ chín chắn như Liên, rất nhiều người đang sợ hãi, lo lắng và thêu dệt những điều không đâu. Có những người sợ đến mức mất ăn mất ngủ, chỉ ho nhẹ vài cái đã lẩy bẩy chân tay. Tất nhiên, chúng ta không cổ xúy cho tâm lý chủ quan hay thờ ơ, nhưng cũng đừng làm mọi việc trở nên quá mức nghiêm trọng.
Hãy tuân theo hướng dẫn của đội ngũ y tế, của bác sĩ và những người có chuyên môn. Hãy mạnh mẽ đối diện với sự thật nếu một ngày chúng ta vô tình trở thành F0. Đừng la hét, đừng gây áp lực cho những người đang điều trị và hỗ trợ chúng ta. Chính họ, mới là những người cần được động viên nhất, cần được cảm ơn nhất khi cả nước đều đang khó khăn.
Hoặc nếu người thân, người già, và đặc biệt là mẹ cha chúng ta có nhiễm bệnh. Xin đừng gieo rắc những suy nghĩ tiêu cực vào đầu họ, vì như thế chỉ làm mọi thứ thêm tồi tệ hơn. Hãy động viên, trấn an và đưa ra những lời khuyên thiết thực. Rồi tất cả sẽ ổn, nếu chúng ta sống có trách nhiệm và hành xử văn minh.
Có lẽ, từ góc nhìn trực quan mà Liên cảm nhận được, nó sẽ cho chúng ta thấy mình cần phải làm gì và nên làm gì nếu không may nhận kết quả dương tính. Trên đời này không có gì là quá tồi tệ, miễn là chúng ta còn sống, còn bình an.
Sau cùng, người trẻ xin hãy biết yêu thương mẹ cha, gia đình. Nhất là khi dịch bệnh xảy đến, hãy gọi điện hỏi thăm phụ huynh mỗi ngày, hãy biết trân trọng những khoảnh khắc được đoàn viên, được ở bên nhau.
Dịch bệnh – trong quan điểm của tất cả, đều là điềm xui rủi. Nhưng chọn góc nhìn lạc quan, chúng ta sẽ thấy đây là cơ hội để nói lời yêu thương, để quan tâm và thấu hiểu. Rồi một ngày, chúng ta sẽ bình an!
Tên nhân vật đã được thay đổi