Tại sao phải niêm phong cửa tủ?
Tủ được nhắc tới ở đây chinh là nơi cất giữ tiền. Ngày xưa khi gia đình có tủ thì đó là nơi cất giữ đồ đạc và cũng thường là nơi cất giữ tiền. Bây giờ thì nơi cất giữ tiền đa dạng hơn như két sắt, tủ đồ... Tóm lại nơi cất giữ tiền nên được niêm phong không mở. Điều đó mang ý nghĩa là không để tiền bay ra ngoài, không tiêu tiền để làm hao tổn tài lộc.
Hành động mở cửa tủ theo quan niệm của người xưa là làm thất thoát vận may và tiền tài, khiến cho cả năm hay phải tiêu tiền tốn kém, tiêu tiền vào việc không đáng làm hao tổn tài lộc, giảm sự giàu có, làm ăn khó khăn, tiền vào ít và lại ra nhiều hơn.
Hành động mở tủ giống như là để tiền chạy thả cửa, biểu thị cho việc tiêu tiền liên tục và tiêu nhiều hơn.
Do đó người xưa cho rằng 3 ngày Tết nên niêm phong tủ lại để tránh sơ suất mà mở ra, hoặc nhà có trẻ nhỏ, hoặc có người vô tình mở ra sẽ làm tài vận hao tổn khó kiểm soát.
Hơn nữa tủ là nơi chứa đựng đồ riêng tư của gia đình, không phải nơi trưng bày nên không để cho người khác nhìn thấy. Tết là lúc nhiều người qua lại khách khứa đông đúc càng không nên mở cửa tủ trước mặt khách.
Làm cách nào để giữ tủ?
Nếu là tủ và két sắt đựng những thứ cần thiết ngoài tiền thì bạn nên lưu ý chuẩn bị những thứ cần dùng trong 3 ngày Tết ra ngoài. Ví dụ như số tiền cần phải tiêu, tiền mừng tuổi, lì xì, quần áo cần dùng, đồ cần dùng. Làm vậy để tránh việc phải mở cửa tủ cửa két sắt bất đắc dĩ trong dịp Tết.
Ngày nay các loại tủ và két có chìa khóa thì bạn có thể khóa mà không cần dán niêm phong. Trong gia đình nếu nhiều thành viên cùng có thể mở tủ thì nên thống nhất từ trước tết, tránh những hành động vô tình phạm kỵ hoặc gây bất hòa trong gia đình vì có người tin người không.
Hành động mở cửa tủ cũng giống như hành động để tiền tài hớ hênh mà theo quan niệm người xưa đã là tiền và tài sản thì càng kín đáo càng tốt. Dịp Tết cũng là lúc gia đình có nhiều khách khứa ra vào. Thế nên việc đóng cửa tủ cũng là việc tế nhị tránh xảy ra những chuyện không hay đầu năm, cũng tránh để người khác biết nơi cất tiền. Tủ dù đựng gì thì cũng là nơi chứa đụng đồ riêng tư của gia đình không nên trưng cho người khác nhìn thấy. Thế nên việc đóng cửa tủ ngày Tết không chỉ vì niềm tin phong thủy mà còn là một cách ứng xử tế nhị kín đáo.
Dưới đây là những điều kiêng cữ ngày Tết theo tập tục của người Việt
- Kiêng quét nhà, đổ rác vào ngày Tết: Người Việt tin rằng, nếu quét nhà, đổ rác vào ngày Tết thì những “lộc”, may mắn của đầu năm sẽ từ trong nhà đi ra đường. Do vậy, trước đêm giao thừa, nhà nào cũng dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ. Trong 3 ngày Tết, nếu cần phải quét nhà thì chỉ tấp gọn vào một góc, khi nào hết Tết mới hốt đổ đi.
- Không làm bể đồ đạc như chén bát, ly tách: Người ta truyền miệng với nhau rằng, bể đồ là xui rủi, tức là đổ vỡ. Để bể đồ vào đầu năm lại càng xui hơn nữa vì năm đó mọi chuyện làm ăn sẽ đều thất bại, tình cảm gia đình có trục trặc, sức khỏe cũng sẽ gặp vấn đề. Dù không tin vì không có cơ sở khoa học, nhưng nhờ vậy, ngày Tết, người Việt nhẹ nhàng hơn khi đụng tới những đồ đạc dễ bể.
- Kiêng mở tủ vào ngày mùng Một: Một số gia đình miền Trung có tục kiêng mở tủ quần áo vào ngày đầu năm vì cho rằng mở tủ, tức nơi cất giữ tài sản trong ngày đầu năm mới thì năm đó sẽ làm ăn mất mát. Có gia đình ngay đêm giao thừa sẽ dán một tờ giấy màu đỏ, gọi là bùa lên tủ, rồi mặc đồ nào thì lấy ra sẵn. Còn lại, hết mùng Một mới được mở tủ.
- Đầu năm hạn chế tiếng khóc: Tiếng khóc tượng trưng cho nỗi khổ, niềm đau. Với quan niệm “đầu xuôi đuôi lọt” người ta tin rằng những ngày đầu năm vui vẻ thì cả năm sẽ toàn chuyện vui, ngược lại, đầu năm mà khóc là cả năm toàn chuyện buồn. Vì vậy mới có chuyện, mùng Một, mùng Hai, mùng Ba những đứa trẻ có làm nũng mấy thì người lớn cũng ráng chiều theo ý để không có tiếng khóc trong nhà. “Nhiều khi khóc chưa chắc là khổ, vui quá, hạnh phúc quá người ta cũng khóc nên những quan niệm như thế này chỉ có tính chất an ủi nỗi sợ hãi, lo xa của người Việt”, vị sư thầy nhấn mạnh.
- Tết kỵ tang ma: Ngày Tết là ngày mở đầu cho năm mới, một chu trình mới của vạn vật nên những ngày đầu năm thường rất được coi trọng. Người ta quan niệm, ngày Tết, những người trong nhà có tang ma thì không đi đến chúc Tết nhà người khác để tránh mang những điều không hay đến gia đình họ. Do đó, trong 3 năm để tang cha mẹ, con cái trong nhà chỉ ở nhà đón khách đến chúc Tết. Những nhà có tang vào dịp cuối năm thường gấp rút tổ chức để xong trong năm cũ. Người chẳng may mất vào ngày mùng Một thì mùng Hai mới phát tang.
- Kiêng cho lửa, nước vào ngày Tết: Theo quan niệm của người Việt, lửa có màu đỏ tượng trưng cho sự may mắn. Nên cho người khác lửa trong ngày Tết tức là cho đi sự may mắn của bản thân mình. Nước được xem như tài lộc, tiền bạc nên cho người khác nước thì năm đó được xem như không giữ được tiền bạc, của cải. Vì vậy, ngày Tết, người ta kỵ xin và cho nước cũng như lửa.
- Kiêng cho mượn tiền đầu năm: Điều này thì không chỉ trong ngày Tết mà ngay cả những ngày đầu tháng, người Việt cũng kiêng không cho mượn tiền. Người ta tin rằng, cho mượn tiền ngày đầu năm giống như đang đưa hết gia tài, tài lộc của mình vào tay người khác. Từ đó, gia đình sẽ túng quẫn, thiếu hụt cả năm.
- Không cãi nhau vào ngày Tết: Tết là ngày vui, là thời khắc thiêng liêng của mỗi gia đình nên người ta tránh những việc ồn ào, to tiếng trong gia đình. Ngày này, các gia đình đến thăm hỏi, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp, nói những câu hòa nhã để tạo không khí ấm áp, vui vẻ.
*Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm