Những ngày gần tết, chị em phụ nữ thường tìm kiếm các cách làm mứt dừa, đặc biệt là mứt dừa khô để dành tặng cả gia đình, bạn bè và tiếp khách đến chơi nhà ngày tết. Để giúp chị em tiết kiệm thời gian “mò mẫm” trên mạng, Phụ nữ Sức khỏe sẽ giới thiệu một cách làm mứt dừa khô đơn giản mà lại cho ra những đĩa mứt dừa ngon tuyệt.
1. Nguyên liệu làm mứt dừa khô đơn giản nhất
– 2-3 trái dừa khô (dừa già, cùi dầy, chắc)
– Nửa cân đường vàng
– 1 ống vani
2. Cách làm mứt dừa khô đơn giản nhất
Bước 1: Nạo cùi dừa
Nếu chị em mua dừa về nhà tự nạo thì dùng nạo, nạo cùi dừa thành các lát mỏng và có chiều dài theo ý muốn. Chú ý, nên nạo ngang vòng tròn xung quanh với độ dài và độ mỏng trung bình nhằm làm cho mứt dừa khô vừa ngon vừa đẹp. Sau khi nạo xong nên rửa qua vài lần cho các lát dừa sạch và bớt đi chất dầu. Một bí quyết trong cách làm mứt dừa khô của các mẹ, các chị ngày xưa đó là rửa dừa trong nước âm ấm trên 50 độ, nhờ đó, dầu sẽ được loại bỏ triệt để hơn.
Rửa xong, chị em ngâm dừa trong nước sôi để nguội khoảng 14 tiếng. Ngâm xong lại rửa tiếp 2 đến 3 lần nữa cho hết hẳn dầu rồi vớt ra để một lúc cho ráo nước.
Bước 2: Tẩm đường vào cùi dừa
Với cách làm mứt dừa khô này, chị em nên trộn cùi dừa với đường thật đều tay nhưng nhẹ nhàng để dừa không bị gãy nát. Tiếp theo, để qua đêm cho đường ngấm đều vào các lát dừa, đến sáng hôm sau là dừa đã chuyển sang màu trắng.
Bước 3: Xào dừa
Bằng cách dùng chảo dày, chị em sẽ thấy làm mứt dừa khô không hề phức tạp. Bởi vì chảo dày sẽ giúp nhiệt độ không quá cao nên dừa và đường không bị cháy. Khi đảo nên đảo đều tay để dừa ngấm đều đường và không bị vón cục cũng như không bị cháy; lúc đảo phải đảm bảo nhẹ tay để dừa không bị gãy; lửa luôn luôn phải để nhỏ vừa phải.
Sau khi đảo được một lúc, cho thêm sữa hoặc vani vào và tiếp tục xào để dậy mùi thơm. Tầm khoảng 30 đến 45 phút thì dừa sẽ khô lại, sữa cạn dần, và thấy có phấn đường trắng bám quanh sợi dừa thì tắt bếp.
Tuy nhiên, vẫn nên tiếp tục đảo thêm 1 chút cho nguội dần rồi mới cho ra mâm. Dàn mỏng cho dừa nguội hẳn rồi để ở nơi sạch sẽ (vì lúc này dừa còn nóng, dính đường nên rất dễ bám bụi), thoáng mát gần chỗ nắng cho dừa săn lại và trắng hơn. Phơi cho đến khi mứt dừa khô lại là chị em đã hoàn thành cách làm mứt dừa khô để đón Tết Mậu Tuất rồi đấy.