Nguyên liệu cho món canh cua
- 300 gr cua đồng
- 1 bó rau đay
- 1 bó mồng tơi
- 2 quả mướp hương
Gia vị: Muối, hạt nêm hoặc mì chính
Cách nấu canh cua ngon
Bước 1: Bạn hay sơ chế cua và nguyên liệu
Bạn hãy cho chút muối hạt vào cua đồng, để trong chậu xóc mạnh, rồi rửa sạch chất bẩn bám trên mình cua. Bóc mai tách yếm, khều gạch vàng để riêng. Sau đó, cho gạch lên rây rồi rửa nhẹ qua nước cho sạch, do khi làm cua một phần nước đen từ cua bám vào, gây tanh khi nấu. Phần thân cua cho vào rổ rửa sạch, rồi đổ vào cối, thêm chút muối hạt, giã thật nhuyễn. Muối là bí quyết giúp cho protein từ thịt cua kết dính, khi nấu tạo thành tảng.
Cho nước vào cối, dùng tay bóp kỹ thịt cua tan ra, để lắng rồi lọc lấy nước. Tiếp tục giã và lọc kỹ vài lần để lấy hết phần thịt cua.
Rau đay, mồng tơi nhặt lá non, rửa sạch, thái nhỏ. Mướp gọt vỏ, thái mỏng.
Bước 2: Nấu canh cua
Bí quyết quan trọng nhất chính là canh nhiệt độ khi nấu canh cua. Ban đầu, sau khi cho nồi lên thì bật lửa vừa và khuấy đều vòng tròn theo một chiều nhằm giúp thịt cua không bén đáy và hòa quyện vào nhau. Khi phần thịt nổi lên hết, hạ lửa nhỏ và gạt thịt cua sang một bên hoặc múc riêng ra bát, ém chặt nước.
Cho rau đay, mồng tơi, mướp hương vào nấu chín. Nêm nếm gia vị theo khẩu vị. Phần gạch thì tùy theo mỗi vùng miền và sở thích có 2 cách: Ở miền Bắc thì cho gạch cua vào nồi nước riêu rồi cho rau vào sau nấu chín.
Còn một số tỉnh miền Nam thì phi thơm hành, cho gạch vào chưng, nêm nếm gia vị. Sau đó mới cho vào nồi canh. Múc canh ra bát, rồi lấy thịt cua để lên trên. Nếu không vớt thịt cua ra thì đẩy vào một góc, rồi cho rau vào góc còn lại. Thịt cua vẫn đóng tảng đẹp mắt.
Bước 3: Thành phẩm
Bát canh với nước dùng ngon ngọt tự nhiên, thịt cua đóng tảng đẹp mắt, rau xanh mướt ăn cùng cà pháo muối chua, đậu phụ chiên giòn nhanh chóng xua tan cái nóng nực, oi nồng của mùa hè.