Suýt mất mạng vì chủ quan
Tuy sức khỏe đã hồi phục nhưng anh V.V.T (Bình Giang, Hải Dương) vẫn chưa hết bàng hoàng bởi chỉ vì chủ quan mà suýt phải đánh đổi bằng tính mạng của mình. Anh V.V. T kể, thấy người có dấu hiệu mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, ngây ngấy sốt cũng chỉ nghĩ đơn giản bị cảm cúm thông thường nên uống mấy viên cảm cúm. Nhưng 3 ngày sau, bỗng ho nhiều, đau ngực, khó thở và nhanh chóng rơi vào tình trạng nguy kịch.
Theo PGS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân V.V.T nhập viện trong tình trạng khó thở, môi và đầu các chi bị tím tái, suy 5 tạng bao gồm hô hấp, tim mạch, gan, thận và huyết học.
Bệnh nhân được chẩn đoán mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, nghi ngờ viêm phổi do cúm A, khi lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm thì dương tính với cúm A/H1N1. Bệnh nhân đã được đưa vào phòng cách li theo tiêu chuẩn chống nhiễm khuẩn, được gây mê hoàn toàn, hỗ trợ thở máy, sử dụng thuốc kháng virus và kháng sinh đồng thời lọc máu hấp phụ độc tố...
Sau khi gây đại dịch năm 2009 - 2010, với tần suất xuất hiện hàng năm, cúm A/H1N1 được xếp vào hàng cúm mùa thông thường, có vắc xin chủng ngừa.
Theo bác sĩ Phạm Thế Thạch, Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai), cúm mùa là bệnh thông thường, dễ gặp mỗi khi thời tiết giá lạnh nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là việc chăm sóc sức khỏe hay khám bệnh khi cần thiết.
Thực tế, không ít trường hợp rơi vào tình trạng bệnh nặng, tiến triển nhanh chóng, thậm chí tử vong vì không được điều trị kịp thời. Nói như vậy không có nghĩa cứ bị hắt hơi, sổ mũi là đến bệnh viện, bác sĩ Thạch cho biết. Khi bị nhiễm cúm nếu sang tới ngày thứ 3 - 4 của bệnh mà thấy đau ngực, khó thở, mệt mỏi nhiều hơn thì cần đến ngay cơ sở y tế đủ điều kiện để được chẩn đoán bệnh và áp dụng cách điều trị phù hợp.
“Hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị cúm đặc hiệu, do vậy, người dân trong sinh hoạt hàng ngày cần có ý thức tăng cường sức đề kháng, khi bị bệnh nên uống nhiều nước, chế độ nghỉ ngơi hợp lí, bổ sung dinh dưỡng.
Các loại thuốc được coi là trị cảm cúm thực chất chỉ chữa triệu chứng (giảm hắt hơi, sổ mũi...) chứ không phải là thuốc điều trị bệnh, việc sử dụng thuốc diệt virus phải được bác sĩ chỉ định tùy trường hợp, không được tự ý dùng”, PGS Bình khuyến cáo.
Không chủ quan với cúm A/H7N9
Mặc dù chưa xâm nhập vào nước ta nhưng cúm A/H7N9 luôn là mối đe dọa với sức khỏe người dân khi thời tiết mùa đông xuân đang tạo điều kiện thuận lợi cho virus này phát triển. Đặc biệt, sự quay trở lại của virus cúm A/H7N9 ở nước láng giềng Trung Quốc càng làm tăng khả năng lây lan vào nước ta.
Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu, Trung Quốc vừa ghi nhận 2 trường hợp mắc cúm A/H7N9 tại tỉnh Quảng Đông và Triết Giang. 2 bệnh nhân trên đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm.
Cũng theo ông Phu, trước nguy cơ lây lan, Cục đã đề nghị các sở Y tế tỉnh thành giám sát chặt người nhập cảnh từ vùng dịch cúm H7N9, đồng thời tăng cường phát hiện các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng, sàng lọc, xử lí ổ dịch sớm, hạn chế tối đa tử vong.
Cục cũng đề nghị ngành y tế địa phương phối hợp với ngành nông nghiệp giám sát chặt gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới, ngăn ngừa nhập lậu gia cầm. Để phòng bệnh, ông Phu cho rằng: “Người dân nên sử dụng sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, ăn chín, uống sôi…”.
Hàng năm Việt Nam ghi nhận khoảng 1,6 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc cúm mùa, trong đó có một số bệnh nhân có diễn tiến nặng, gây suy đa phủ tạng, nguy hiểm đến tính mạng do mắc cúm A/H1N1. Do vậy, khi mắc bệnh đã 3 - 4 ngày mà không khỏi, thậm chí có diễn biến nặng như khó thở, tức ngực cần đi khám để được điều trị kịp thời. |