Đây là mô hình phát triển số mắc COVID-19 đang được một số bác sĩ tính toán. Theo đó, nếu 50% người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc, từ 1 người nhiễm sau 5 ngày chỉ phát triển lên 1,25 người nhiễm, sau 30 ngày có 15 người nhiễm. Nếu 75% người dân hạn chế đi lại, tiếp xúc, sau 30 ngày chỉ có 3 người nhiễm từ 1 người ban đầu.
Liên quan đến mô hình này, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp TT đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, ông Trần Đắc Phu cho biết ông chưa tính toán về mức độ lây lan vì còn tính tùy theo khu vực tiếp xúc có biện pháp phòng hộ hay không, nhưng chắc chắn nếu không hạn chế tiếp xúc trong mùa dịch, tốc độ lây lan sẽ theo cấp số nhân, đặc biệt là ở các cuộc hội họp, tiệc... có tiếp xúc gần dưới 1m.
Việt Nam đã bước vào giai đoạn 3 của cuộc chiến chống dịch Covid-19. Theo dự báo, 10-15 ngày là giai đoạn sống còn, quyết định tới sự thành bại của trận chiến vì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao.
Lần đầu tiên, Việt Nam đưa ra khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài, người từ 60 tuổi tuyệt đối nên ở trong nhà.
Từ 0h ngày 28/3, dừng tất cả hội họp, sự kiện trên 20 người, riêng khu vực bên ngoài công sở, trường học, bệnh viện, cấm tụ tập nhiều hơn 10 người; đóng các dịch vũ không cần thiết; hạn chế hoạt động của các phương tiện công cộng...
Ông Trần Đắc Phu cho rằng phải áp dụng nhiều biện pháp mạnh như vậy vì tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng tụ tập đông người ở đám ma, đám cưới, quán ăn uống, nghi lễ tôn giáo… trong khi dịch Covid-19 nguy cơ cao lây nhiễm trong cộng đồng.
Trên thực tế, tại Việt Nam đã ghi nhận một số bệnh nhân siêu lây nhiễm trong cộng đồng như BN17 lây cho 3 người, BN 34 lây cho 9 người, bệnh viện Bạch Mai có BN86 và BN133 chưa tìm được nguồn lây, tại quán Bar Buddha ở TP.HCM xác định 7 người mắc Covid-19 nhưng chưa biết ai là người nhiễm bệnh đầu tiên...
Trong gia đoạn này, ông Phu hướng dẫn khi có việc cần ra ngoài nên thực hiện các biện pháp phòng hộ các nhân như đeo khẩu trang, rửa tay sạch, và nên đứng, ngồi cách nhau tối thiểu 2m.