Cho con uống nhiều loại nước ngọt
Thực tế các chuyên gia cảnh báo uống nước ngọt có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như béo phì, tiểu dường, cao huyết áp, tăng nguy cơ sâu răng và ảnh hưởng xương, chính vì vậy các mẹ cần hạn chế cho con sử dụng các loại sản phẩm này nếu không muốn ảnh hưởng đến sự phát triển của con.
Cho trẻ uống thuốc berberin trị tiêu chảy
Trẻ sơ sinh hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh, mẹ không nên tự ý sử dụng thuốc cho bé mà phải theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ. Khi trẻ bị tiêu chảy việc mẹ cần làm trước tiên là cho uống oresol để bù nước và điện giải trước khi cầm tiêu chảy.
Trẻ chưa đầy 4 tháng tuổi đã cho ăn cơm, cháo
Cho trẻ ăn cơm, cháo từ sớm giúp chắc dạ và bổ sung dinh dưỡng cao là suy nghĩ của không ít bậc phụ huynh có con nhỏ. Trẻ chưa đầy 4 tháng khả năng tiêu hóa kém, việc cho bé ăn quá sớm sẽ khiến cơ thể không hấp thụ được chất dinh dưỡng cần thiết, dễ bị tiêu chảy và táo bón…Trên thực tế, chưa có kết luận nào cho thấy trẻ ăn cơm sớm là tốt. Đối với những người đang nuôi con bằng sữa mẹ, việc cho con ăn sớm sẽ khiến dư thừa tinh bột gây trở ngại cho việc hấp thụ dinh dưỡng từ sữa mẹ.
Thêm muối vào món ăn của trẻ
Một số bà mẹ có thói quên nêm nếm gia vị vào món ăn của bé theo khẩu vị riêng của mình. Thế nhưng chính thói quen này có thể gây hại cho sức khỏe, khiến trẻ chậm nói so với tuổi.Theo hiệp hội dinh dưỡng Trung Quốc, trẻ dưới 6 tháng tuổi chỉ cần ít hơn 1g muối mỗi ngày. Tuy nhiên, lượng muối có sẵn trong các loại thực phẩm đã đủ đáp ứng cho nhu cầu của bé. Nếu trẻ ăn thừa muối sẽ tăng nguy cơ còi xương, áp lực khiến thận hoạt động quá tải...
Ủ ấm hơn một chút còn hơn để con lạnh
Mẹ hãy nhớ rằng thân nhiệt của mẹ và thân nhiệt của trẻ hoàn toàn khác nhau, trẻ sẽ nhanh cảm thấy nóng hơn thay vì thấy lạnh. Ngoài ra, việc những đứa trẻ khỏe mạnh, hiếu động thường xuyên chạy nhảy thì những lớp áo bông dày mùa đông chính là tác nhân khiến bé dễ bị ốm. Vì sao ư? Những lớp áo len dày khiến cho mồ hôi trong cơ thể bé khó thoát ra bên ngoài, bị ứ lại trên da dễ tạo vi khuẩn gây các bệnh về da.
Đeo bỉm cho con thường xuyên
Ngại giặt đồ bẩn của bé là lý do khiến nhiều mẹ đeo bỉm cho con 24/24 hoặc mỗi khi đi ra ngoài. Thế nhưng, làn da non trẻ của con rất dễ bị lở loét vì chất thải dính trên bỉm không được làm sạch. Hăm da là một trong những bệnh trẻ dễ mắc do mẹ đeo bỉm cho con quá nhiều giờ trong ngày.
Thường xuyên bế bồng con
Có em bé, cả nhà ai cũng yêu. Đi về tới nhà, dù quần áo bụi bặm, tay chân bẩn thỉu, mồ hôi nhễ nhại hay miệng sặc mùi thuốc lá, các bố mẹ vô tư ôm ấp, bế bồng con yêu. Họ không biết rằng vô tình đã truyền bao nhiêu vi trùng cho con. Ngay cả người lớn, hàng xóm, bạn bè của bố mẹ, cứ thấy bé con ở đâu là hôn hít, nựng nịu. Tất cả những điều đó chỉ thể hiện tình cảm của người lớn dành cho bé con, nhưng chẳng tốt cho bé chút nào.
Cho bé ngủ nhiều
Nhiều mẹ cho rằng mùa đông trẻ cần được ngủ nhiều hơn và đây cũng là thói quen bé thích nhất. Thế nhưng, vào mùa đông càng ngủ nhiều càng khiến bé có cảm giác mệt mỏi vào ngày hôm sau. Chính vì thế việc bé quấy khóc về ban đêm có thể do ban ngày mẹ đã để con ngủ quá nhiều.
Luôn sẵn giúp đỡ con những việc đơn giản nhất
Không ít các bố mẹ vẫn sẵn sàng bón cơm, lấy nước, mặc quần áo, dọn dẹp sách vở đồ chơi cho con khi con đã học tới lớp 5, thậm chí ở cả những lớp lớn hơn. Có thể, bố mẹ coi đó là niềm hạnh phúc khi được chăm sóc con. Nhưng điều đó lại dạy con tính lười biếng, ỉ lại, không chịu “tự thân vận động”.
Để dạy con tính tự lập, bố mẹ không nên làm hộ những việc con có thể làm được. Có thể hướng dẫn, làm mẫu cho con, làm cùng với con một vài lần và sau đó, yêu cầu con phải tự làm mọi việc.
Các em bé ở nước ngoài, ngay từ khi 2 tuổi đã tự xúc cơm ăn, dọn đồ chơi. Khi đi chơi, các bé tự đeo ba lô, có chai nước và bánh đề phòng khi đói – khát có thể tự phục vụ mình. Cả gia đình đi du lịch, các bé được cha mẹ dạy cách lên danh sách các món đồ cần đem theo, tự sửa soạn hành lý và kéo vali bé đi đằng sau bố mẹ.