Tiêm 1 mũi vắc xin Moderna đã có hiệu quả bảo vệ
Qua đánh giá trong thử nghiệm lâm sàng cấp phép của Moderna cho thấy ngay cả khi chỉ tiêm một liều thì hiệu lực bảo vệ chung của vắc xin (1-108 ngày) đạt 80% và sau tối thiểu 14 ngày là 92,1%.
Nghiên cứu vắc xin Moderna trên thực tế cho thấy sau tối thiểu 14 ngày tiêm một liều Moderna thì hiệu quả chống bệnh Covid-19 có triệu chứng là 72% với biến thể Delta, 83% với biến thể Alpha đồng thời giảm nguy cơ nhập viện, tử vong lên tới 96%.
Bên cạnh đó cũng có nghiên cứu đánh giá về lịch tiêm tiêu chuẩn và lịch tiêm trì hoãn mũi 2 trên những người tiêm vắc xin Moderna và Pfizer, trong đó có hơn một nửa là người già 60 – 74 tuổi tại Quebec, Canada ghi nhận hiệu quả bảo vệ giảm nhập viện do Covid-19 đạt hơn 95% và kéo dài đến 16 tuần với 1 mũi tiêm duy nhất.
Khoảng cách tối đa giữa 2 mũi vắc xin Moderna
Theo khuyến cáo của nhà sản xuất thì mũi 2 của vắc xin Moderna nên được tiêm sau 28 ngày. Nhiều người thắc mắc nếu tiêm sau 28 ngày thì có ảnh hưởng đến trí nhớ miễn dịch không.
Theo Ths.BS Nguyễn Hiền Minh - Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM thì sau mũi 2, cơ thể mất khoảng 2 tuần để xây dựng khả năng miễn dịch đầy đủ. Sau thời gian này, vắc xin có hiệu lực bảo vệ khoảng 94%.
28 ngày là khoảng thời gian tối thiểu cần thiết để kích thích trí nhớ miễn dịch giữa 2 lần tiêm vắc-xin Moderna và không có quy định về khoảng thời gian tối đa. Khi các tế bào nhớ của hệ miễn dịch đã hình thành thì việc tiêm những mũi vắc-xin tiếp theo nếu có muộn hơn cũng không làm trí nhớ miễn dịch mất đi hoàn toàn.
Do đó, nếu mũi thứ 2 của vắc-xin Moderna được tiêm sau khoảng thời gian tối thiểu 28 ngày thì người dân cũng đừng nên hoang mang và lo lắng. Thời gian cách xa nhau của 2 mũi vắc-xin Moderna có thể lên đến 6 tuần – 16 tuần (tuỳ nghiên cứu) sau liều đầu tiên mà vẫn đạt được hiệu quả bảo vệ. Vì vậy không cần tiêm vắc-xin lại từ đầu nếu tiêm vắc-xin mũi 2 trễ hơn khoảng thời gian tối thiểu được khuyến cáo.
Tiêm trộn vắc xin Moderna và Pfizer
Khi nguồn cung vắc xin bị chậm trễ, nhiều quốc gia đã phê duyệt cho phép một người có thể tiêm hai loại vắc xin khác nhau. Việc tiêm kết hợp hai loại vắc xin sản xuất theo công nghệ mRNA là Pfizer và Moderna không phổ biến trên thế giới nhưng các nhà khoa học nhận định đây là giải pháp an toàn.
Hiện tại, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho phép trộn các mũi tiêm Pfizer và Moderna trong các tình huống ngoại lệ, chẳng hạn như nguồn cung cấp vắc xin hạn chế hoặc nếu người được tiêm không biết mũi 1 là vắc xin loại nào.
Vắc xin Pfizer và Moderna có nhiều điểm tương tự - đều được chứng minh có hiệu quả, an toàn trong thử nghiệm và thực tế.
Cả hai đều là vắc xin mRNA, do đó có cách thức hoạt động giống nhau. Loại vắc xin này cung cấp hướng dẫn thông qua RNA thông tin để dạy hệ miễn dịch của cơ thể nhận ra sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2. Do đó, bạn có thể chống lại sự lây nhiễm nếu virus tấn công trong tương lai.
Hai loại vắc xin cùng tạo ra kháng thể chống lại protein gai của virus SARS-CoV-2. Trong thành phần của vắc xin không chứa virus.
Mới đây, Hội đồng chuyên môn về sử dụng vắc xin, Bộ Y tế có thông báo cho phép sử dụng vắc xin Pfizer tiêm mũi 2 cho những người đã tiêm mũi 1 Moderna và ngược lại. Với những người tiêm trộn 2 loại vắc xin, Bộ Y tế cũng khuyến cáo nên giám sát chặt chẽ hơn để đề phòng biến chứng.