Sáng 30 Tết, trên khắp 33 điểm đóng quân của bộ đội ta ngoài Trường Sa đã hoàn tất các công đoạn chuẩn bị đón giao thừa. Một trong những khâu được chờ đón, háo hức, đậm không khí Tết nhất là làm mổ lợn, chế biến các món ăn tươi cho bộ đội vui Xuân đón Tết.
Những hình ảnh được gửi về từ một số đảo, thuộc quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa):
Vất vả nhất là khâu… bắt lợn ở Đá Tây A. |
Không kể mưa gió, tại Trường Sa Đông. |
Chiến sĩ trẻ tò mò đứng nhìn. |
Ngoài đảo, chỉ có rau muống làm món dồi. |
Củ quả trong kho, lấy ra hầm xương. |
Lòng lợn - món "đặc sản" chỉ ngày tết mới được ăn. |
Trước đó, bộ đội và người dân cùng quây quần gói bánh chưng, những cây mai "tự chế" cũng được hoàn thiện. "Trường Sa đã thành làng mai kiểng", trung tá Lương Xuân Giáp, Chính trị viên phó đảo Trường Sa lớn hồ hởi nói và cho biết các anh tạo cây mai bằng cách chọn cành mù u hoặc phi lao có dáng đẹp, rồi dùng kéo cắt lá cho gần giống với lá mai, sau đó gắn hoa nhựa.
Cả đảo nhộn nhịp hơn hẳn khi quân - dân cùng quây quần gói bánh chưng. Đây cũng là một đặc sản của Trường Sa bởi lá dùng gói bánh là lá cây bàng vuông.
Các chiến sĩ cho biết, lá dong gửi ra từ đất liền khi đến nơi thường không còn tươi hoặc thiếu. Sáng kiến dùng lá bàng vuông thay thế nảy ra từ đó. Điều bất ngờ là khi luộc xong, bánh chưng gói bằng lá bàng vuông thường xanh hơn, đẹp hơn, mang đặc trưng của vùng hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Để cho không khí tết vui vẻ, đầm ấm, đảo Trường Sa lớn tổ chức nhiều cuộc thi giữa các đơn vị với nhau như thi làm cỗ, báo tường, hái hoa dân chủ, văn nghệ, trò chơi. Theo lịch trình, ngày mai (30 Tết) các đơn vị sẽ tổ chức chấm cỗ. Mỗi mâm cỗ phải đảm bảo ít nhất 5 loại thực phẩm như: thịt mỡ dưa hành, chả giò, thịt gà, làm nộm, tráng miệng bằng salat. Ngũ quả phải đầy đủ, rồi phải có hoa mai, đèn lồng. Đơn vị nào có rau xanh thì điểm sẽ được chấm cao hơn.