Cho con nuôi thú cưng là tốt nhưng làm sao để đảm bảo an toàn?

( PHUNUTODAY ) - Nhiều nghiên cứu cho thấy thú cưng sẽ giúp trẻ học tốt hơn, tinh thần thoải mái, cơ thể khỏe mạnh và gắn kết thành viên trong gia đình. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho trẻ, cha mẹ cần chú ý những điều sau đây.

Việc cho trẻ nuôi thú cưng đem lại rất nhiều lợi ích từ tinh thần cho đến sức khỏe của trẻ. Thú cưng sẽ giúp trẻ giảm bớt những căng thẳng trong học tập, chúng như một người bạn thân thiết nhất khiến trẻ không cảm thấy cô đơn những lúc cha mẹ bận bịu công việc. Qua việc nuôi thú cưng, trẻ sẽ học được cách yêu thương và tôn trọng, không sợ những đánh giá tiêu cực từ người khác vì trẻ luôn có một người bạn để tâm sự và có tinh thần trách nhiệm. Không chỉ vậy, khi còn nhỏ trẻ tiếp xúc với nhiều động vật thì sẽ ít bị các bệnh về dị ứng vật nuôi, mạt bụi hay cỏ hoặc giảm nguy cơ về hen suyễn.

dam-bao-an-toan-cho-tre-khi-choi-voi-thu-cung-1

Cho trẻ nuôi thú cưng là tốt như vậy những cũng không thể tránh các trường hợp thú cưng sẽ làm tổn thương đến trẻ. Vì vậy để đảm bảo an toàn cho trẻ khi nuôi thú cưng, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:

1. Chọn thú cưng an toàn

Bạn không nên chọn những vật nuôi lạ như kỳ đà, nhện, sóc, hamster… Những con vật này thường ẩn chứa rất nhiều những nguy cơ, cùng với sự tò mò của trẻ sẽ rất dễ xảy ra nguy hiểm. Những con vật an toàn hơn ngoài thiên nhiên như dế, bươm bướm, còng gió… cũng không là lựa chọn phù hợp cho trẻ. Vì những loài động vật này thường rất nhanh chết, điều này có thể làm tổn thương tình cảm của trẻ. Khi bắt được chúng, bạn nên giải thích với trẻ rằng những con vật này chỉ có thể sống tốt nhất ngoài tự nhiên và trẻ nên thả chúng ra. Thay vì những loài vật độc lạ như trên, bạn nên cho trẻ nuôi những vật nuôi phổ biến như chó, mèo, một số loài chim... nhưng phải đảm bảo có nguồn gốc rõ ràng đáng tin cậy, được kiểm dịch và chích ngừa nếu cần thiết. 

Trước khi quyết định nuôi, bạn nên chọn những giống loại hiền lành, ngoan ngoãn. Ví dụ, nếu bạn chọn sẽ nuôi chó thì nên chọn những giống chó như beagle, pug, poodle... vì chúng là những loài thường có kích thước không quá to, hiền lành, dễ gần và trung thành. Bạn hạn chế chọn những loại chó mang bản tính hung dữ, rất khó thuần phục nếu như không có kinh nghiệm như pit bull, alaska...

childrenpet-afp-500_awys

2. Không nên cho trẻ dưới 7 tuổi chơi với thú cưng một mình 

Những đứa trẻ dưới 7 tuổi thường rất thích sự tò mò, thích cầm nắm hay ôm bế thú cưng..., có rất nhiều nhận thức chưa được rõ ràng. Những hành động này sẽ khiến vật nuôi cảm thấy khó chịu và phản kháng lại khiến trẻ bị thương. Khi trẻ chơi cùng thú cưng cần có sự giám sát từ cha mẹ bên cạnh, tránh các trường hợp nguy hiểm, kịp thời cản lại những hành động có thể gây hại đến trẻ. Nếu những loài vật có kích thước lớn hay hung dữ, bạn nên sử dụng rọ mõm, hoặc tốt nhất cho trẻ hạn chế tiếp xúc gần để đảm bảo an toàn.

3. Dạy trẻ một số nguyên tắc an toàn khi chăm sóc vật nuôi

- Không kéo con vật lên sát mặt, đối mặt với chúng. Khi trẻ nhìn trực diện vào chúng, vật nuôi có thể trở nên cực kỳ hung hãn và rất dễ tấn công vào mặt gây nên tổn thương nghiêm trọng.

– Chỉ vuốt ve nhẹ nhàng bên hông của vật nuôi. Tránh các vùng nhạy cảm của như tai, đuôi khiến vật nuôi cảm thấy khó chịu và tấn công lại.

– Không chọc phá con vật, không nghịch ác vì con vật có thể “nổi khùng” và chống trả quyết liệt lại những trò đùa của trẻ.

– Không nên cho trẻ tiếp xúc với các vật nuôi lạ của bạn bè hay hàng xóm, vì vật nuôi có thể rất hiền lành, ngoan ngoãn với chủ nhưng lại vô cùng hung dữ với người lạ.

– Tuyệt đối không giật thức ăn ra khỏi con vật khi chúng đang ăn. Đây là một trong số những cách dễ dàng nhất để chọc con vật nổi quạu và chống trả.

– Khi con vật có một số biểu hiện lạ, thay đổi: Bỏ ăn, gầm gừ, chảy nước dãi… bạn nên cho trẻ tránh xa và đưa ngay động vật đến thú y.

– Tạo cho trẻ thói quen luôn rửa tay sau khi chơi với vật nuôi để đảm bảo vệ sinh, không gây hại đến sức khỏe.

loi-ich-voi-tre-nho-khi-nuoi-thu-cung-3

Tóm lại, khi cho trẻ chơi với thú cưng, cha mẹ cần chú ý theo dõi, quan sát để tránh nguy hiểm. Tốt nhất, luôn đề cao cảnh giác, ngay cả với những con vật thân thuộc hàng ngày vì bạn cũng không chắc chắn là chúng có an toàn tuyệt đối hay không. Đừng chủ quan hay lơ là khi trẻ chơi với những thú cưng trong nhà nhé!

Theo:  xevathethao.vn copy link