Chuyện cô dâu Việt Nam dạy tiếng Việt ở Mỹ

19:01, Thứ năm 09/02/2012

( PHUNUTODAY ) - Sau khi kết hôn ở Hawaii, anh chị cùng trở về Việt Nam làm giảng viên đại học trong suốt 4 năm ở Đại học Hà Nội. Đó là một trải nghiệm quí giá, đầy những kỷ niệm, thú vị cũng có, nhọc nhằn vất vả cũng nhiều.

(Phunutoday) - “Có những người phụ nữ làm dâu tại một đất nước khác, không chỉ hoàn thành tốt công việc gia đình mà còn có những công việc, đam mê riêng khiến cho cuộc sống của họ có thêm nhiều niềm vui, hạnh phúc như trọn vẹn hơn rất nhiều…”
Nghề giáo viên ở Mỹ đến như một duyên số
 
Ngày còn bé, chị Ngọc Bích vẫn thường lẵng nhẵng theo bố mẹ đến trường, xem bố mẹ giảng bài, chấm bài, và còn thích thú giúp bố mẹ đọc điểm, vào sổ điểm. Bố chị là giáo viên dạy Toán Lý, mẹ lại là giáo viên dạy Văn Sử. Chị chứng kiến từng lớp học sinh trưởng thành dưới sự giảng dạy của bố mẹ và được tiếp xúc với nhiều thế hệ học trò thường xuyên tìm lại thăm thầy cô.
 
Ngày 20/11 hàng năm gần như trở thành một ngày hội trong gia đình chị. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình như vậy, dường như chị cũng thừa hưởng cái gen nói, phương pháp truyền đạt, đứng thuyết trình trước đám đông.

Tuy nhiên, trong lòng cô bé Ngọc Bích ngày đó, mơ ước làm giáo viên chưa được hình thành. Khi biết chị theo nghề giáo, có thể có nhiều người nghĩ rằng, việc trở thành một giáo viên là một ước mơ, là một lẽ tất nhiên, nhưng đối với chị đó là một duyên số.

Vợ chồng chị Ngọc Bích trong ngày cưới
Vợ chồng chị Ngọc Bích trong ngày cưới

Năm 1990, chị Ngọc Bích thi đỗ hai trường Sư phạm và trường Tổng hợp. Thấu hiểu nỗi vất vả cực nhọc trong nghề “bán cháo phổi” của cha mẹ, chị Bích quyết định nhập học Tổng hợp thay ngành Sư phạm với dự định sẽ làm nghề biên dịch, phiên dịch, hay viết báo tiếng Anh.

Khi tốt nghiệp (năm 1994), thực tập giảng dạy được điểm cao, lại đúng giai đoạn nhu cầu học tiếng Anh ở Hà nội đang rất mạnh, chị được mời ở lại trường làm giáo viên. Chính vì vậy, có thể nói, chính nghề giáo viên đã chọn chị. Nghề dạy của chị vừa là “gia truyền”, vừa là duyên số, mà giờ đây nghĩ lại chị vẫn đùa: “Muốn tránh cũng không tránh được.”

Năm 2000, chị được học bổng chính phủ Mỹ theo học chương trình thạc sĩ chuyên ngành Hoa Kỳ học ở Đại học Hawaii, với dự định trở về Việt Nam và giảng dạy về văn hóa và lịch sử Mỹ. Chị Bích và chồng chị, anh Brian Turner, quen nhau qua diễn đàn mạng dành cho các học giả quan tâm nghiên cứu về châu Á.

Khi đó, anh Brian đang học chương trình thạc sĩ kinh tế ở Đại học Florida, chuyên về lịch sử kinh tế châu Á, còn chị thì đang làm luận văn thạc sĩ về vai trò của trao đổi văn hóa giáo dục trong chiến lược ngoại giao của Mỹ tại châu Á.

Bản thân anh cũng thích nghề dạy đại học giống như chị. Có vẻ như anh cũng có một chút gen di truyền nghề dạy vì mẹ của anh cũng là giáo viên dạy Toán. Cho dù khoảng cách địa lý khá xa từ Hawaii đến Florida nhưng anh chị đã có một tình bạn chân thành, xuất phát từ thái độ tôn trọng và hỗ trợ nhau trong học vấn, và dần dần trở thành sự hấp dẫn và tình yêu. Mùa hè năm 2003, họ gặp nhau lần đầu tiên ở gia đình anh và đính hôn.
 
Giáng sinh năm đó, anh chị làm lễ cưới ở Hawaii. Có thể nói, tình yêu và cuộc hôn nhân của anh chị đã diễn ra đúng như câu nói dân gian Việt Nam hay nói về duyên vợ chồng: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng.”
Chị Ngọc Bích bên chồng và con gái
Chị Ngọc Bích bên chồng và con gái

Trong cuộc sống, hai vợ chồng chị hỗ trợ chia sẻ chuyên môn cho nhau khá nhiều. Tuy không phải lúc nào cũng cùng quan điểm, thậm chí có lúc còn tranh luận đến nảy lửa và đâm ra bực bội giận dỗi nhau, anh chị thường cố gắng dẹp qua sĩ diện, tạo cơ hội tự kiểm nghiệm lại những hiểu biết đã có và tìm hiểu các quan điểm, dữ kiện trái ngược để đi đến thỏa hiệp hoặc thống nhất nhận định.

Các cuộc chuyện trò cởi mở mang tính học thuật là một trong những chất keo dính quan trọng khiến vợ chồng chị cảm thấy hợp nhau và cần có nhau. 
Khi rảnh rỗi, chị thích đọc truyện ngắn, tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, với mong muốn sau này, ngoài việc giảng dạy đại học, chị sẽ có dịp chọn dịch một tác phẩm văn học về người phụ nữ Việt nam trong những năm chiến tranh chống Mỹ ra tiếng Anh và xuất bản ở Mỹ. Anh Brian rất ủng hộ ý định này của chị, và hứa sẽ là người hiệu đính tận tụy nhất cho chị.

Sau khi kết hôn ở Hawaii, anh chị cùng trở về Việt Nam làm giảng viên đại học trong suốt 4 năm ở Đại học Hà Nội. Đó là một trải nghiệm quí giá, đầy những kỷ niệm, thú vị cũng có, nhọc nhằn vất vả cũng nhiều. Nó giúp anh Brian hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, và ngôn ngữ Việt Nam, đồng thời giúp chị Bích quan sát thấy rõ hơn phản ứng và sự thích nghi cũng như những khó khăn của người nước ngoài, cụ thể là người Mỹ, trong môi trường văn hóa Việt Nam.

Cuối năm 2008, anh chị cùng trở về Mỹ học tiếp chương trình tiến sĩ. Trong thời gian làm luận án, chị may mắn nhận được việc làm bán thời gian là dịch tài liệu lịch sử và dạy tiếng Việt chuyên ngành cho sinh viên Mỹ. Chị thích công việc tạm thời này, mặc dù nó không liên quan gì đến chuyên môn của chị, bởi vì nó tương đối nhẹ nhàng, không chiếm quá nhiều thời gian công sức và cản trở hay trì hoãn việc hoàn thành luận án của chị.
 
Hiện nay, chị đã tốt nghiệp tiến sĩ. Trong khi tìm kiếm vị trí giảng dạy đại học phù hợp với chuyên môn, chị vẫn đang tiếp tục công việc dịch và dạy tiếng Việt chuyên ngành.
 
Dạy con luôn cần sự hợp tác của cả hai người
 
Con gái của anh Brian và chị Bích, cháu Lan Turner, sinh ra ở Hà nội và sống ở đây đến khi cháu 3 tuổi. Trong thời gian này, cháu hoàn toàn nghe hiểu, nói được bằng cả hai thứ tiếng. Nhưng khi di cư sang Mỹ, cháu bắt đầu đi học hàng ngày với các bạn Mỹ, và giao tiếp với ông bà nội, hàng xóm hoàn toàn bằng tiếng Anh, tiếng Việt của cháu vì thế có phần mai một.
 
Mặc dù chị vẫn nói chuyện với cháu bằng tiếng Việt hàng ngày nhưng càng ngày, cháu càng mất đi khả năng đáp lại hay nói tiếng Việt, tuy vẫn có thể nghe hiểu mẹ nói.
 
Đó cũng là một thất bại mà chị cũng như nhiều bậc cha mẹ gốc Việt sống ở nước ngoài đành phải chấp nhận, nhất là khi bố cháu cũng nói tiếng Anh. Song, có một điều thú vị là, chị có thể dùng tiếng Việt khi cần nhắc nhở cháu điều gì đó tế nhị mà không tiện nói ra bằng tiếng Anh ở nơi công cộng, đông người. 
 
Việc dạy con không phải lúc nào cũng tâm đầu ý hợp. Điều này khá khó khăn ngay cả trong những gia đình bố mẹ có cùng văn hóa chủng tộc. Chị Bích và anh Brian đã mất khá nhiều thời gian để cùng nhau đọc sách phương pháp nuôi dạy con, trao đổi, trò chuyện và mỗi bên thông cảm nhường nhịn chấp nhận nhau một chút để đi đến đồng thuận, tránh mâu thuẫn, hiểu nhầm. Vì đang sống ở Mỹ nên cách dạy con theo kiểu Mỹ tất nhiên có phần vượt trội.
 
Chị Bích cũng không lấy làm phiền lòng, vì đối với chị, cách dạy con ở Mỹ, vốn lấy sự khuyến khích tôn trọng sở thích quan điểm của con trẻ làm trung tâm, sẽ giúp con mình độc lập, tự tin, và sáng tạo hơn nhiều so với cách dạy con có phần hơi áp đặt hoặc kỳ vọng quá cao của bố mẹ chị ngày trước hay nhiều bậc phụ huynh hiện nay.
 
Hiện nay, con gái chị đang theo học lớp 1 trường công lập ở New Haven, Connecticut. Cô bé rất thích vẽ, viết nhật ký, tự sáng tác tưởng tượng truyện cổ tích, ham đọc sách, và đặc biệt thích đọc to cho các bạn bé hơn cùng nghe, như một cô giáo thực thụ.

Mặc dù vậy, điều luôn đau đáu trong lòng của người mẹ ấy là sẽ cố gắng dạy con gái càng nhiều tiếng Việt càng tốt, thường xuyên cho con xem ảnh ông bà ngoại và cảnh vật ở Hà nội, kể cho cháu nghe chuyện những dòng sông, con phố, cánh đồng, để cháu nhớ, và biết yêu quê ngoại của mình.

Nhật ký một ngày dạy con học tiếng Việt

Chiều chủ nhật nào cũng phải dành ra 1, 2 giờ để dạy, hay đúng hơn là dỗ Lan học tiếng Việt kẻo nó quên tiếng mẹ đẻ. Cũng khá là vất vả vì ở đây chẳng có ai nói tiếng Việt với con ngoài mình.

Ngày nào cũng phải cạnh tranh đấu đá với sự xâm lược của tiếng Anh, lắm lúc mình cũng muốn "đầu hàng”. Kể cũng kỳ cục, Lan vẫn nghe hiểu khá tốt và đáp lại những câu đơn giản nhưng không tự phát ngôn được một câu hoàn chỉnh, thành ra, nhiều khi mẹ nói và hỏi một thứ tiếng, con trả lời một thứ tiếng.

Sau khi bắt con ngoẹo đầu ngoẹo cổ viết 10 từ, hai mẹ con ra sân vừa chơi, vừa ôn từ vựng cho Lan. Các danh từ, tính từ, cái bàn, cái ghế, cái giường, chó, mèo, chuột, hổ, báo, chim, hay màu sắc hình dạng, rồi các bộ phận trên cơ thể... nếu là từ đơn thì Lan nhớ hết. Loáng cái 30 phút đã xong 60 từ.

Chuyển sang bài khó hơn một chút là từ ghép. Mẹ hỏi: "cá voi" là gì hả con? Lan không do dự, trả lời luôn: "Fish elephant!" (con cá + con voi)

Mẹ suýt nữa ngã lăn ra cỏ vì cười. Mẹ lại hỏi tiếp: "Thuốc đánh răng" là gì con có nhớ không?

Lan nghĩ 1 giây: "teeth medicine." (cái răng + thuốc)

Ah ha ha, hóa ra là ngày nào cả nhà mình cũng phải bôi thuốc chữa răng vài lần!

Mẹ cố gắng không đầu hàng, hỏi thêm vài từ ghép nữa, ví dụ như "bồn tắm," "bệnh viện," "bác sĩ,"... Lan đều trả lời được.

Kết thúc bài học, mẹ chỉ vào cái đầu gối của Lan, hỏi "Thế còn đầu gối tiếng Anh là gì, con?"

"Head pillow!" (cái đầu + cái gối)

Cảm ơn con gái đã cho mẹ được hôm cười ngặt nghẽo. Chợt nhớ ra một qui tắc sư phạm là không được cười khi học sinh nói sai, đặc biệt là trong việc dạy tiếng. Thôi chết...

 
  • Việt Linh

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc