Chuyện đời kỳ dị của vị thần y ở ẩn trong rừng Phú Yên

( PHUNUTODAY ) - Đã qua cái tuổi cổ lai hy nhưng suốt bao nhiêu năm nay, lương y La Chí Thái (SN 1937 ở buôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, huyện miền núi Đồng Xuân, Phú Yên) vẫn sống bằng một công việc với khát vọng duy nhất là kiếm thuốc chữa bệnh cho dân nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến ông, trân trọng gọi ông là “ông bụt” của người nghèo.

Chữa bệnh miễn phí là hạnh phúc
Chúng tôi vượt gần 100km tìm đến nhà thầy thuốc La Chí Thái trong một sáng đầu tháng 10/2013. Con đường đến buôn Xí Thoại gập ghềnh dốc đứng, sương mù phủ dày đặc. Qua những lần hỏi thăm đường rẽ vào nhà, tôi nhận ra nhà già Thái ngay khi thấy một ông già to khỏe, mái tóc gần như bạc trắng đang ngồi dưới hiên nhà dạt những bó rễ cây. Câu chuyện giữa tôi và ông nồng ấm bên ấm nước trà, tôi được ông kể chuyện chữa bệnh cứu người và cho xem những cuốn sổ dày cộm cũ mới ghi dày đặc tên những bệnh nhân đã từng đến đây chữa bệnh. Chỉ vào một cuốn sổ, ông Thái bộc bạch: “Cuốn sổ này chỉ ghi chép lại trong vòng hai tháng thôi đây. Có ngày cao điểm vài chục người đến đây xin thuốc là chuyện bình thường. Nhiều người sức khỏe yếu ở xa không đến được nhưng vì đã quen từ trước nên viết thư đến xin thuốc. Tất cả các thông tin về những lần cho thuốc tôi đều ghi chép rất cẩn thận để còn có điều kiện mà theo dõi cho kỹ càng. Làm cái nghề y này mà chỉ cần sai một tí thôi là ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người khác ngay. Bởi thế nên tôi rất sợ.”.


Già Thái với những loại thuốc quý từ cây rừng.

Trước kia, già Thái đi bộ đội tham gia kháng chiến từ năm 1960 đến năm 1975. Nhờ học được những bài thuốc quý chữa bệnh từ cây rừng của người cha và người bác ruột nên trong khoảng thời gian dài đi bộ đội đó, già Thái đã có hơn 10 năm làm y tá tại nhà thương Trúc Bạch (Bệnh viện tỉnh Phú Yên). Lúc bấy giờ thuốc Tây quá hiếm, y tá Thái đã vận dụng những bài thuốc gia truyền kết hợp với Tây y cùng với các y, bác sĩ ở đây đã chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người. Đất nước giải phóng, La Chí Thái về lại buôn làng sống bằng nghề lao động và hái thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Ông La Hường, một hàng xóm nhà ông Thái kể: “Ông này kỳ lạ lắm, có nhiều người có điều kiện như ông ấy đều đua nhau về phố ở cả. Vậy mà ông ấy lại chọn cách về cái buôn sâu xa hẻo lánh này để ở và bốc thuốc giúp người khác. Đó cũng là nghĩa cử khác thường và đáng trân trọng lắm”. Già Thái kể: “Cách đây 30 năm, buôn Xí Thoại này được coi như một vùng heo hút, cả năm trời không có một chiếc xe đến đây. Đường sá cách trở, cuộc sống còn lạc hậu. Người dân trong xã bệnh thì đến tôi lấy thuốc uống chứ làm gì biết đến bệnh viện với thuốc Tây. Nhất là người nghèo đến chữa. Bởi thế nên có nhiều bệnh nhân đã chết oan uổng. Một phần vì kiến thức hiểu biết của họ còn hạn hẹp, một phần vì cách trở đường sá xa xôi nên không kịp đưa về thị xã để chữa trị kịp thời”. Ông Thái luôn xem chữa bệnh là cách làm phước để cứu người chứ không hề có tiền bạc, ai nhớ ơn đem cho con gà, trái bí, bó củi. Mấy mươi năm trôi qua, được nhiều người khen ngợi nên tên tuổi của ông đã vang xa. Và cũng trong thời gian dài kinh nghiệm, nghiên cứu tìm tòi, tay nghề của ông đã được nâng cao, được nhiều người khâm phục. Ông Thái khảng khái, bất kể những căn bệnh mới phát, ông sẽ chữa khỏi. Qua kinh nghiệm bản thân, ông Thái cho rằng: những người sống ở vùng biển thường đau khớp, đau lưng, đái tháo đường, đau thần kinh tọa, tê nhức; những người sống ở vùng nông thôn thường mắc bệnh gan, phổi, bướu cổ, ho suyễn, ngộ độc thức ăn, sỏi thận… Dù bất kỳ bệnh nào, nhưng với điều kiện là phải đến sớm, ông dùng thuốc hàng trăm loại cây rừng là có thể điều trị khỏi với thời gian uống chừng 5 đến 30 ngày tùy theo bệnh. Còn tiền bạc, nếu có điều kiện cho ông ít nào thì cho, không có thì thôi, ông sẽ chữa miễn phí.


Thầy Thái đang chuẩn bị bốc thuốc.

Chữa khỏi nhiều bệnh khó
Trong những cuốn “bệnh án” ghi tên hàng ngàn người bệnh từ khắp các tỉnh thành đã đến đây chữa bệnh, số bệnh nhân mắc chứng viêm gan và suy thận là nhiều nhất. Già Thái ghi chép cẩn thận từ họ tên, tuổi, địa chỉ, chứng bệnh, thời gian được điều trị và cả số điện thoại liên lạc của người bệnh. Có người ở trong tỉnh, có người ở tận Hà Nội, Hải Dương, Đà Nẵng, Đồng Nai, Sài Gòn… Đa số họ đến đây vì đi xét nghiệm máu biết mình bị bệnh viêm gan, viêm thận, uống thuốc Tây dài ngày rồi mà bệnh vẫn không giảm. Khi bệnh nhân đến, ông chỉ nhìn sắc diện, sờ bụng, bấm mạch là đã chẩn đoán được bệnh viêm gan hoặc suy thận. Độc chiêu trong phác đồ điều trị hai căn bệnh này khác nhau nhưng có điểm giống là dùng thuốc tổng hợp nhiều loại rễ cây mà chính bản thân ông đã lặn lội hàng tháng trời đến vùng núi Chư Pan giáp ranh tỉnh Đắk Lắk để lấy. Ông cho biết: “Già rồi nhưng cứ mỗi tháng tôi phải đi núi ít nhất hai lần, mỗi lần một tuần để lấy thuốc quý. Các loại thuốc bình thường khác, có thể thuê người trong làng lấy rồi trả tiền công cho họ. Tuy nhiên số người rành rẽ các loại cây thuốc ở địa phương này giờ đây ngày càng hiếm hoi dần nên việc đi nhờ người cũng lắm gian nan.”

Thuốc quý sau khi được lấy về, phải dạt nhỏ, phơi khô và qua chế biến theo công thức bí quyết gia truyền. Đặc điểm của thuốc này đắng, thường mỗi bệnh nhân chỉ uống khoảng 10 thang trong 30 ngày sẽ hết bệnh, ai nặng hơn thì có thể bổ sung 5 thang nữa. Cách pha chế thuốc cũng rất đơn giản. Một thang uống ba ngày, thuốc được bỏ vào trong ấm, đun sôi; ngày đầu nước thứ nhất đun sôi 10 phút rồi uống, ngày thứ hai đun sôi lại 20 phút và ngày thứ ba đun sôi lại 30 phút, cứ thế uống thay nước hàng ngày. Uống liên tục trong các ngày. Trong thời gian uống thuốc, không được ăn măng tre, không ăn trứng và không uống rượu. Ông Thái khẳng định: “Làm đúng công thức trên, mười bệnh hết mười bệnh”. Minh chứng cho điều này, ông Thái chỉ hàng loạt tên họ, địa chỉ, số điện thoại, bút tích ghi lời cảm ơn của những nhân chứng sống ở khắp các nơi. Những bệnh nhân được già Thái cứu sống thường trở lại hậu tạ, cảm ơn. Không những ở xa, hai nhân chứng sống trong làng là ông So Dun Linh và ông Mang Hội cũng tấm tắc, hết lòng cảm ơn: “Thầy Thái giỏi lắm. Hồi đó tôi bị bệnh gan vàng da vàng mắt sắp chết, nhờ thầy trị mà chúng tôi sống đến giờ. Không những hết bệnh mà ngày nay chúng tôi uống được nhiều rượu, khỏe mạnh và đi làm suốt ngày cũng không thấy mệt”.

Băn khoăn người nối nghiệp
Gia đình Già Thái là tấm gương văn hóa của làng Xí Thoại. Năm 2007, ông được chọn đi dự hội nghị toàn quốc nhân Ngày Gia đình Việt Nam và được huyện cử đi dự Hội nghị Tuyên dương gia đình văn hoá tiêu biểu xuất sắc toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội. Được tặng bằng khen Lương y tiêu biểu của tỉnh Phú Yên. Cha ông là liệt sỹ La O Bá, hai vợ chồng ông là người có công với cách mạng. Vợ chồng ông có 3 người con, ai cũng đã thành đạt và ra ở riêng, đó là niềm hạnh phúc của gia đình. Tuy nhiên, khi hỏi về chọn người để sau này nối nghiệp thầy thuốc buôn làng như ông thì ông có vẻ lo lắng. Ông Thái cho biết: “Trong 3 người con, chỉ có một đứa là người chịu khó học nghề gia truyền của tôi, đến giờ này nó đã biết nhiều loại thuốc nhưng đang bận công tác nhà nước nên không có thời gian ở nhà. Tôi cũng đã từng chọn một số người trong họ để truyền nghề nhưng đến nay không có ai làm được. Có một số người ban đầu thì cũng thích đấy. Nhưng rồi cái nghề y gia truyền này, nó đòi hỏi lòng kiên trì và tỉ mẩn nên không ai muốn một lòng theo đuổi cả. Nhiều đêm nghĩ đến việc này thôi mà buồn lắm”. Anh Trần Hải Đường, một hàng xóm nhà ông Thái cho biết: “Nếu nghề của ông Thái mà bị thất truyền đi thì nhiều người cũng sẽ mất nhờ. Những bài thuốc quý của ông Thái bây giờ ngày càng hiếm. Nên nếu có người duy trì thì tốt quá.”. Điều ông Thái cho rằng lớp sau này không thể làm được là vì họ không chịu khó học hỏi mà chỉ lo làm ăn kiếm sống, đặt mục đích kiếm tiền trên tất cả. Đây cũng chính là điều mà ông trăn trở nhất hiện nay vì không có người nối nghiệp để duy trì một nghề gia truyền mấy chục năm và hơn nữa là người chữa được bệnh làm phúc cứu dân.

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn