Chuyên gia tiết lộ các chiêu "móc túi" khách hàng của thợ sửa điều hòa trong mùa nắng nóng

14:45, Thứ sáu 10/06/2022

( PHUNUTODAY ) - Để tránh bị mất tiền oan khi sửa điều hòa, người dùng nên chú ý một số điểm sau đây.

Đội giá vật liệu, tăng chi phí sửa không cần thiết

Theo Sức khỏe & Đời sống, GS.TS Nguyễn Đức Lợi, Hội Khoa học và Công nghệ Nhiệt lạnh cho biết một số thợ sửa điều hòa lợi dụng sự thiếu hiểu biết về công nghệ để ăn gian tiền sửa chữa.

Các chiêu mà thợ sửa điều hào hay áp dụng là sử dụng vật liệu giá rẻ như dây điện, ống đồng kém chất lượng rồi báo giá cao. Thở sửa điều hòa cũng có thể báo gas yếu phải bổ sung gas trong khi thực tế không phải như vậy.

Để tránh bị lừa, người dùng nên tìm hiểu trước một số thông tin cơ bản về hệ thống điều hòa không khí, làm lạnh, môi chất gas lạnh... Những thông tin này có thể tìm hiểu trên internet.

Sau khi sửa chữa, bảo dưỡng, hãy yêu cầu thợ chạy thử.

Để kiểm tra độ lạnh của máy, bạn chỉ cần cho gió thổi trực tiếp vào người hoặc theo dõi máy chạy khoảng 30 phút nếu khí lạnh phân bổ đều trong phòng là đạt yêu cầu.

Muốn biết có chạy ổn định hay không phải theo dõi trong 6-12 tiếng.

sua-dieu-hoa-01

Theo VTC, anh Nguyễn Đức Sơn, một thợ sửa điện lạnh ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết nhiều khi bảo dưỡng hoặc sửa máy lỗi rất đơn giản, chi phí sửa không đáng là bao nhưng một số thợ vẫn dùng đủ mánh để "móc túi" người tiêu dùng.

Anh Sơn lấy ví dụ như một chiếc điều hòa sử dụng trong vòng 5 năm đổ lại thì hầu như chỉ bám bụi bẩn và vệ sinh là xong. Tuy nhiên, một số thợ không có tâm có thể yêu cầu kiểm tra toàn bộ máy rồi liệt kê đủ "bệnh" như hết gas, hỏng vi mạch, hỏng tụ, cháy lốc... rồi yêu cầu đem máy về sửa với mức giá có thể lên tới 3-5 triệu đồng.

Nếu khách không muốn sửa thì thợ có thể hỏi mua với giá chỉ trên dưới 1 triệu đồng. Khi mua được, thợ đem máy về thay linh kiện chỉ mất 200.000-300.000 đồng rồi bán đi và kiếm lời đến vài triệu.

Bổ sung gas dù không cần thiết

Một chiêu trò mà thợ sửa hay áp dụng là yêu cầu bổ sung gas. GS.TS Nguyễn Đức Lợi cho biết, tiền gas cao gấp mấy lần tiền vệ sinh bảo dưỡng. Trên thực tế, nguyên nhân khiến điều hòa kém lạnh không có yếu tố gas yếu.

Về nguyên tắc, khi lắp đặt máy, lượng gas nạp vào đã được kiểm tra cẩn thận. Nếu thừa gas thì xả bớt ra còn thiếu thì nạp thêm vào. Khi các mối nối van được vặn chặt theo đúng yêu cầu thì coi như kín, máy sẽ vận hành được trong nhiều năm cho đến hết tuổi thọ trung bình (từ 15-20 năm) mà không cần nạp thêm.

Điều hòa kém lạnh do thiếu gas chỉ khi dàn và đường ống bị thủng, rò rỉ gas do bị rỉ sét hoặc do bị rung, va chạm, gãy ống hay mối nối không kín... Nếu xảy ra tình trạng rò rỉ gas, máy lạnh sẽ mất hoàn toàn khả năng làm lạnh sau một kỳ nghỉ đông chứ ít khi xảy ra tình trạng kém lạnh.

sua-dieu-hoa-02

Theo VTC, để kiểm tra xem máy lạnh có bị thiếu gas hay không, anh Trần Đức Phú, một thợ sửa điều hòa ở Hoàng Mai, Hà Nội cho biết đầu tiên người dân cần bật điều hòa đúng chế độ. Sau đó, kiểm tra xem quạt ở cục nóng có quay hay không, hơi nóng có tỏa ra hay không. Nếu cục nóng không tỏa hơi nóng và chỗ ống đồng nối vào dàn nóng bị đóng tuyết chứng tỏ điều hòa bị thiếu gas.

Lưu ý, vào những lúc nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện cao nên có thể dòng diện yếu đi, điều hòa không làm mát được là chuyện bình thường. Việc bật điều hòa nhiệt độ thấp vào những lúc trời nắng nóng không chỉ ảnh hưởng xấu tới điều hòa, tiêu hao nhiều điện năng mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe.

chia sẻ bài viết
Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link
Tác giả: Thanh Huyền
Từ khóa: dieu hoa nhiet do