Chuyện về hành trình 5 năm giả gái của chiến sĩ tình báo

03:00, Thứ năm 25/12/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Chàng trai 20 tuổi phải tiêm hocmon nữ, tập ăn mặc như một cô gái để trà trộn vào nhóm thám báo.

Dáng cao lớn, gương mặt phúc hậu, giọng rặt Nam Bộ, ông Huỳnh Văn Thắng (xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) chẫm rãi kể về khoảng thời gian từng sống bằng thân "nữ thám báo" suốt 5 năm để hoạt động cách mạng. “Hồi đó nhận nhiệm vụ tui hoang mang lắm. Là đàn ông mà phải sống, cư xử như một cô gái suốt một thời gian dài thì tui không nghĩ ra nổi”, ông Thắng bật cười khi nhắc lại quá khứ của mình.

Mô tả ảnh.
Ông Huỳnh Văn Thắng, chiến sĩ tình báo giả gái lập nhiều chiến công tại Bến Tre

Quê ở Định Thủy (huyện Mỏ Cày, Bến Tre), ông Thắng là con út trong gia đình có truyền thống cách mạng. Sau Đồng Khởi năm 1960, phong trào kháng chiến ở Bến Tre lên cao. Để tái kiểm soát, chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ thành lập tổ chức Thiên nga - Phượng hoàng toàn mật vụ, thám báo. Thành viên của tổ chức này được cài vào các tổ chức kháng chiến, sau đó chỉ điểm khiến hàng loạt cơ sở cách mạng trong lòng địch bị lộ, nhiều chỉ huy cấp cao bị bắt. "Người anh thứ ba của tui cũng hy sinh ở thời điểm này", giọng ông Thắng bùi ngùi.

Nhiệm vụ tìm một cô gái kiên định, vững lập trường và đặc biệt dũng cảm để cài cắm vào lực lượng địch được giao cho ông Đặng Tấn Phong, nguyên thiếu tá Công an tỉnh Bến Tre. Kế sách "gậy ông đập lưng ông" để đối phó tổ chức Thiên nga tưởng dễ thực hiện nhưng mất một năm vẫn chưa có người ưng ý cho đến khi ông Phong gặp Năm Thắng.

Giọng nói nhỏ nhẹ, dáng người dong dỏng yểu điệu của Thắng khiến ông Phong nảy ra ý nghĩ táo bạo. "Nó lúc bấy giờ giống con gái lắm, ngay cả trái khế đặc trưng của đàn ông nó còn chẳng có", vị thiếu tá về hưu chia sẻ.

Mô tả ảnh.
Ảnh chân dung trên căn cước dưới cái tên Năm Thanh của ông Thắng

Nhiệm vụ khó khăn nhưng nghĩ đến cái chết của người anh cùng sự tin tưởng của cấp trên, ôngThắng nhận lời. Mọi khâu chuẩn bị đều bí mật, mẹ Năm Thắng là người duy nhất biết và tìm cách giúp cậu út trở thành thiếu nữ. “Lúc đó má cho tui tắm gội với lá hương nhu, lá sả, bồ kết để mượt tóc rồi dạy nết đi đứng, ăn ở của con gái. Bà độn bông gòn vào áo ngực để tui mặc chứ sơ hở, tụi thám báo biết là chết liền”, ông Thắng kể.

Do thời gian thực hiện nhiệm vụ cấp bách, Năm Thắng quyết định nhờ bác sĩ tiêm hocmon nữ vào người. “Ông bác sĩ lúc tiêm có nói nguy cơ trở lại làm đàn ông sau này rất khó, song tui nói ổng 'vì nhà nghèo muốn chuyên tâm buôn bán để làm giàu' chứ không màng chuyện vợ con”, ông Thắng nói về cách che đậy ý đồ của tổ chức.
Sau nửa năm ở lỳ trong nhà tập luyện, trải qua nhiều tình huống thử thách độ "nữ tính", Năm Thắng chính thức bước ra ngoài với hình dáng mới và cái tên rất con gái, Huỳnh Thị Thanh (Năm Thanh). Tổ chức đặt cho “chị” mật danh F5, đi làm căn cước để bước vào trận tuyến.

Mô tả ảnh.
Ông Thắng và trang trại vàng cho thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm ở hiện tại

Trong vai thiếu nữ ở quê lên bán bánh dừa, Năm Thanh với vóc dáng cân đối, khuôn mặt ưa nhìn và giọng nói nhỏ nhẹ nhanh chóng tiếp cận được Mười Râu và Sáu Dung, trưởng nhóm thám báo Thiên Nga - Phượng Hoàng. Để họ tin tưởng, Thanh phối hợp với nhóm của Đặng Tấn Phong thực hiện nhiều lần chỉ điểm giả và tỏ ra dốc sức với công việc của tổ chức này. “Tui báo với Sáu Dung địa điểm tập trung của anh em du kích ở đâu thì tối đó ông Phong cho người tới đó bắn vài loạt đạn quấy phá rồi rút. Làm riết vậy nên tụi Thiên Nga tin tưởng”, ông Năm nói về những ngày đầu làm tình báo.

Để qua mặt mà không lộ thân phận đàn ông, Thanh cẩn trọng trong từng nếp sinh hoạt. Sau khi ổn định và có chỗ đứng trong nhóm thám báo Thiên Nga, F5 bắt đầu lập những chiến công đầu tiên...

Lúc này ở đội Thiên Nga nam có 2 thám báo Phạm Văn Hương và Nguyễn Văn Tư từng chỉ điểm bắt giữ và sát hại 4 cán bộ của Việt cộng chỉ trong thời gian ngắn. Tổ chức muốn 2 tên này đền tội nên Năm Thanh ve vãn Sáu Dung, xin qua nhóm đó hoạt động và được đồng ý. Khi có được ảnh và nắm được các hoạt động của Hương và Tư, F5 chuyển về cho cơ sở tổ chức phục kích và tiêu diệt.

Bằng cách này, trong 5 năm làm trong đội thám báo Thiên Nga, Năm Thanh lập được nhiều chiến công xuất sắc giúp phát triển phong trào cách mạng ở Mỏ Cày - Bến Tre.

Được nhiều người nhận xét có sắc đẹp mặn mà hiếm gặp, Năm Thanh nhiều lần bị Mười Râu ve vãn. Tên nhóm trưởng thường xuyên mời đi xem phim, cà phê với lý do "lệnh cấp trên" nên Thanh khó lòng thoái thác. "Cô" tìm cách kết thân với vợ tên này, đi đâu cũng rủ bà ta đi chung nên Mười Râu không dám dở trò.

Cẩn thận đến thế nhưng cũng có lần ông Năm Thắng suýt lộ thân phận khi ngủ lại cơ quan thám báo vào buổi trưa và bị Mười Râu mò vào định sàm sỡ. "May mắn sao tui kịp tỉnh giấc, vùng dậy dọa sẽ nói với bà vợ thì hắn mới bỏ đi. Chỉ một tích tắc nữa thôi tui bị phát hiện giả gái. Không chỉ tui mất mạng mà má tui ở nhà cũng nguy mất”, ông Thắng hớp ngụm trà, kể.

Thoát Mười Râu thì Năm Thanh lại gặp Lộc, con trai đại tá Tỉnh trưởng Bến Tre lúc bấy giờ. Sau vài lần gặp F5 ở trại thám báo Thiên Nga, anh này đâm ra mê mẩn. Bị tấn công tình cảm với vị thế con "quan", Thanh rất lo lắng bởi không dễ thoát như với Mười Râu. Càng bị Thanh từ chối, Lộc càng tự ái ngùn ngụt và đòi cha phải cưới "chị" cho bằng được.

Chiều con, Tỉnh trưởng Bến Tre lệnh cho Mười Râu, Sáu Dung phải sắp xếp cuộc gặp với Năm Thanh nếu không sẽ bãi chức. F5 không có đường lùi nên xin chỉ thị của cấp, rút vào cứ hoạt động. May mắn, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu nổ ra, cha con tỉnh trưởng cắm mặt lo chiến đấu nên Thanh lánh về quê ẩn mình.

"Sau ngày giải phóng tui đến bệnh viện tiêm lại hocmon nam. Ông bác sĩ bảo nếu chậm một năm nữa coi như tui thành đàn bà luôn đó nghen”, ông Thắng cười hiền.

Trở lại làm người buôn dừa, ông Huỳnh Văn Thắng sau đó cưới vợ, có 5 con. Cuộc sống vất vả không đủ ăn nên năm 1990 ông đưa gia đình lên vùng kinh tế mới Trảng Bom, Đồng Nai. Nhờ chăm chỉ làm ăn, hiện ông Năm Thắng có trang trại rộng 30 hecta vừa nuôi heo, nuôi cá. Trang trại của ông năm 2010 được tuyên dương là trang trại Vàng của tỉnh Đồng Nai. 

Phó chủ tịch UBND xã Bắc Sơn, Trảng Bom, Nguyễn Văn Tuấn cho biết, cựu binh Huỳnh Văn Thắng tham gia nhiều công tác từ thiện như xây cầu, làm đường, giúp đỡ người nghèo mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Lý lịch của ông Thắng cũng ghi lại quãng thời gian hoạt động cách mạng bí mật tại tỉnh Bến Tre. "Anh Thắng là huyền thoại trong thời chiến và cũng xứng đáng là người lính thời bình. Bằng nỗ lực của mình, anh ấy đã có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của địa phương", vị phó chủ tịch này nói.

Kẻ sát hại bác dâu, cướp tài sản cười… lĩnh án tử hình
Do thiếu tiền trả nợ, kẻ sát nhân đã đột nhập vào nhà bác dâu giết người, cướp tài sản.
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: mailt