Có một cộng đồng Du ca giữa Sài Gòn

05:48, Thứ sáu 26/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Du ca đã tạo ra cho giới trẻ Sài Gòn một sân chơi đúng chất, không ồn ào, phô trương nhưng giàu tính nhân văn, giúp mọi thành viên sống tích cực, có trách nhiệm hơn và kéo mọi người đến cạnh nhau.

Ngay giữa Sài Gòn nhộn nhịp với biết bao bộn bề lo toan vẫn còn đó những hình ảnh nhẹ nhàng, gần gũi và đậm chất nghệ sĩ. Hai tuần một lần, cứ đến chiều chủ nhật, hàng trăm bạn trẻ lại ôm guitar, cajon, harmonica ra “cà phê bệt” (công viên 30/4) cùng nhau nghêu ngao hát.
[links()]
Không phải dân chuyên nghiệp, không có sự cạnh tranh, cái họ truyền cho nhau đơn thuần là niềm đam mê mãnh liệt cùng tinh thần “cháy” hết mình trong âm nhạc. Họ là Du ca đường phố - Sài Gòn, “cộng đồng” guitar có số lượng thành viên đông nhất tại Việt Nam hiện nay.

Chất xúc tác mang tên “âm nhạc”

Tại các nước trên thế giới, hình ảnh những nghệ sĩ ôm đàn lang thang qua các con phố biểu diễn đã quá quen thuộc. Ở Việt Nam nhiều năm về trước thi thoảng người ta cũng bắt gặp vài gã du ca tại công viên này, góc phố nọ và nay cũng có một số người du ca để kiếm sống trên đường phố nhưng để “mục sở thị” một cộng đồng du ca hoành tráng như Du ca đường phố - Sài Gòn thì chưa.

Hưởng ứng phong trào du ca từ giới trẻ Hà thành, từ cuối năm 2011, những thành viên thuộc diễn đàn hocdan.com khu vực TP.HCM đã tổ chức một buổi offline thú vị với ngót nghét 20 tay “nghiện” guitar. Kể từ đó, đến hẹn lại lên, cứ hai tuần một lần, mọi người lại tụ về công viên 30/4 đàn hát say sưa.

Cái cách mà Du ca biểu diễn mộc mạc, giản dị theo đúng bản chất của dòng acoutics khiến mọi khoảng cách như bị lãng quên. Họ ngồi bệt xuống đất, quây quanh thành vòng tròn, hát những ca khúc quen thuộc về đất nước, tuổi trẻ, tình yêu…

Người đàn, người đánh trống, người say sưa hát, có người chỉ ngồi vỗ tay nhưng gương mặt ai cũng rạng rỡ niềm vui. Những đợt du ca đầu còn thưa người do thông tin chưa phổ biến rộng rãi, rồi dần dần số thành viên tăng lên khá nhanh.

Các thành viên Du ca đường phố - Sài Gòn trong một buổi offline.
Các thành viên Du ca đường phố - Sài Gòn trong một buổi offline.

Đến nay, Du ca đường phố - Sài Gòn đã có trên 300 tay đàn cố hữu. Tham gia nhóm ngay từ “thời sơ khai”, “anh cả” Huỳnh Hoài Bảo kể: “Tình cờ đọc được thông tin về Du ca trên diễn đàn thấy hay hay nên tôi tham gia thử, ai dè bị “lôi kéo” luôn đến giờ.

Mọi người xem đây là sân chơi cuối tuần để xả stress sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng. Nhóm ra đời trên tinh thần tự nguyện nên không có sự quản lý, phân cấp, ở đây mọi người bình đẳng như nhau”.

Lịch sinh hoạt của nhóm bắt đầu từ 16h – 20h chủ nhật (cách 2 tuần một lần), thế nhưng nhiều thành viên thấy chưa đủ “đô” nên thường xuyên rủ rê nhau tập tành thêm mỗi khi rảnh rỗi. Sự xuất hiện của Du ca tại những không gian lớn như công viên 30/4, công viên Gia Định, Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM… luôn khiến người đi đường tò mò, thích thú.

Ban đầu họ chỉ ghé lại nghe ngóng, hát nhẩm theo vài câu cho vui rồi ngồi xuống sinh hoạt luôn lúc nào chả hay. Trong số đó, không ít người giờ đã là thành viên của “ngôi nhà lớn” từ nhiều năm nay. Phùng Như Thảo (sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế TP.HCM) là một ví dụ điển hình.

“Một lần ra công viên 30/4 uống nước với bạn, em bị cuốn hút bởi sự hăng say, máu lửa của Du ca. Lân là làm quen, dò hỏi thông tin, ngay tối hôm đó, em lên trang web của diễn đàn đăng ký luôn. Giờ thì không đợt du ca nào vắng mặt em” - Thảo vui vẻ nói.

Nói là không có ban quản trị nhưng những “ô-sin” (thành phần chủ chốt) của Du ca luôn làm việc hết công suất nhằm tạo ra sân chơi sống động, thu hút ngày càng nhiều bạn trẻ yêu nhạc.

Anh Nguyễn Nhật Trường, một trong những tay guitar kỳ cựu của nhóm chia sẻ: “Mọi thành viên trong nhóm, người đi trước luôn tận tình giúp đỡ, dẫn dắt người đi sau, ai biết gì làm nấy. Bên cạnh đó, thông qua trang facebook, chúng tôi cũng đã thành lập nhóm Du ca tình nguyện với số lượng thành viên khá đông”.

Tuy ra đời chưa đầy một năm nhưng cách thức hoạt động của Du ca rất chuyên nghiệp. Căn cứ vào lịch trên facebook và diễn đàn, đúng giờ, các bạn lại tập trung cùng nhau ca hát.

Ai có “chiêu trò” gì mới sẽ giới thiệu với những thành viên còn lại, ai chưa thuộc bài sẽ được bạn bè hướng dẫn, mọi thứ diễn ra khá nhịp nhàng. Khi tay trống cajon chủ đạo Minh 3D gõ những tiếng bắt nhịp đầu tiên, dàn guitar vào bài, tiếng hát hòa cùng tiếng vỗ tay vang lên rộn rã.

Các thành viên Du ca đường phố - Sài Gòn
Anh Bảo chia sẻ: “Nhóm không hướng theo con đường chuyên nghiệp vì muốn giữ mãi chất du ca, cứ lang thang, gần gũi để cuộc đời thêm vui”.

Ở Du ca không bao giờ có sự phân biệt người mới – người cũ, dở - hay bởi mọi thứ đơn giản chỉ là giải trí, mọi người tìm đến nhau để có thêm bạn và được sống hết mình trong âm nhạc.

Nửa năm trở lại đây, Du ca bổ sung vào “thực đơn” một thể loại âm nhạc mới độc đáo là vọng cổ, cải lương…. Người “chuyên trị” dòng nhạc đang dần bị giới trẻ Việt lãng quên này trong nhóm chính là tay đàn Trần Trọng Giáp. Là người quê xứ Bắc nhưng ngay từ bé, Giáp đã mê vọng cổ.

Từ ngày vào Nam làm việc, công tác, anh bắt đầu đăng ký các khóa học về thể loại này. Giáp nói “Đàn guitar hát vọng cổ khó lắm nên ít người theo. Mới đầu tập hoài nhưng vẫn đánh trật nốt vì mỗi người hát có cách luyến láy, nhả chữ khác nhau.

Không bỏ cuộc, mình mày mò thêm kiến thức trên mạng, xem các clip trên youtube rồi bắt chước họ. Giờ thì mọi thứ ổn rồi, kỹ thuật cũng nâng lên kha khá”.

Sống đúng chất của tuổi trẻ

Tuy không coi trọng yếu tố kỹ thuật nhưng Du ca đòi hỏi mỗi tay đàn phải đảm bảo những cái cơ bản về nhịp. Trong mỗi đợt offline, các thành viên kỳ cựu luôn dành thời gian chỉ dẫn “lính mới” cách đàn tập thể thay vì cứ phô diễn kỹ thuật cá nhân.

Trên diễn đàn, những kiến thức mới về thanh nhạc luôn được cập nhật nhằm giúp bạn trẻ yêu guitar hiểu thêm về bộ môn mà mình đang theo đuổi. Số lượng thành viên ngày một nhiều, nhu cầu cầm đàn ngày một lớn, Du ca quyết định mở lớp dạy đàn cho các thành viên.

Các lớp guitar thực dụng lần lượt ra đời với mong muốn hướng dẫn người chưa biết đàn những kỹ thuật căn bản trong thời gian sớm nhất. Trách nhiệm đứng lớp được giao cho các “tay đánh” xuất sắc sống rải rác các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.

Không muốn thương mại hóa âm nhạc, Du ca buộc các giáo viên cam kết không lấy học phí quá 120 ngàn đồng/ học viên/tháng. Và để đảm bảo chất lượng, mỗi lớp chỉ cho phép ghi danh dưới 10 người.

“Tụi mình mở lớp chủ yếu là chia sẻ kinh nghiệm, giúp các bạn biết sử dụng nhạc cụ để tự tin hơn khi đàn hát trước đám đông. Vì anh chị em trong nhóm khá bận với công việc hiện tại nên lịch học sẽ do thầy - trò tự sắp xếp, miễn sao mọi người thấy thoải mái là được” - một thành viên Du ca cho biết.

Ngoài lịch sinh hoạt định kỳ, Du ca thường tổ chức các chương trình hoạt động xã hội giàu ý nghĩa nhằm hướng các thành viên đến cách sống vì cộng đồng. Trang facebook của nhóm đầy ắp những thông tin về các chuyến từ thiện, những lời kêu gọi đóng góp, và tín hiệu đáng mừng là tất cả những lời kêu gọi đều được hưởng ứng nhiệt tình.

Dù đa phần thành viên của Du ca là sinh viên, học sinh nhưng trong mỗi đợt từ thiện ai cũng muốn đóng góp dù chỉ là một phần quà nhỏ bé. Với Du ca, mọi chương trình nhóm tham gia đều mang tính chất khuấy động phong trào, giúp mọi người xích lại gần nhau bởi như lời anh Bảo:

“Nhóm không hướng theo con đường chuyên nghiệp vì muốn giữ mãi chất du ca, cứ lang thang, gần gũi để cuộc đời thêm vui”.

Theo chân Du ca trong một chuyến từ thiện về Bình Dương, người viết thêm yêu quý những người bạn thân thiện này. Quà họ mang đến cho những bệnh nhân tại Khu điều trị dành cho người khuyết tật không chỉ có gạo, bánh, thức ăn… mà còn là tiếng hát chân tình, sự sẻ chia, động viên đúng lúc.

Vừa đến nơi, vài nhóm đã ôm đàn tới tận phòng điều trị hát phục vụ bệnh nhân rồi thăm hỏi từng người. Những cái ôm mỗi lúc một chặt, nước mắt của những cụ già nơi đây lặng lẽ rơi vì xúc động, vì được sống trong tình thương yêu – thứ mà họ khát khao mấy chục năm nay.

Nghe ngóng trên phương tiện truyền thông thấy chương trình nào hay hay, mang tính cộng đồng cao, các “đầu tàu” Du ca liền chép link về đăng trên facebook và kêu gọi các thành viên tham gia.

Nhờ những chương trình ý nghĩa, hàng loạt hoạt động thiết thực mà số lượng bạn trẻ “ghé thăm” trang thông tin của nhóm ngày một gia tăng. Gần 4 ngàn lượt like trên facebook đủ để chứng tỏ độ “nóng” mà Du ca đang nắm giữ.

Không chỉ chuyên về hát hò, hoạt động xã hội, mới đây nhóm còn tổ chức một diễn đàn giới thiệu việc làm cho các thành viên. Mỗi công việc được chia sẻ tạo thêm cơ hội giúp các bạn sinh viên mới ra trường tìm kiếm một công việc ổn định.

Có thể nói, Du ca đã tạo ra cho giới trẻ Sài Gòn một sân chơi đúng chất, không ồn ào, phô trương nhưng giàu tính nhân văn, giúp mọi thành viên sống tích cực và có trách nhiệm hơn. Với mỗi thành viên trong Du ca, dù mới hay cũ, âm nhạc luôn là chất xúc tác, kéo mọi người đến cạnh nhau.

Tình cờ đọc được những dòng tâm sự của nickname Hương Trà trên facebook Du ca, người viết xúc động vô cùng; lúc đó mới có thể hình dung rằng, sức mạnh của âm nhạc, của tình đồng đội lại mạnh mẽ như thế.

Trà viết: “Gửi Du ca thương yêu! Có lẽ đây là lần cuối Trà còn được viết lên đây, cũng là lần cuối Trà được ngồi hát cùng mọi người. Hôm nay Trà nhận bệnh án, thật buồn khi đã cố gắng rất nhiều nhưng mọi thứ lại tệ hại hẳn đi.

Ngày đầu tiên gặp mọi người ở cà phê Du ca, Trà thật sự vui, thật sự có cảm giác thân quen lắm! Rồi những lần cùng mọi người đàn hát ở bệt, Nhà văn hóa Thanh niên, Trà có cảm giác cuộc sống chật hẹp của mình được mọi người nới rộng ra. Với Trà, 21 tuổi, đi qua nhiều điều, được sống, được là thành viên trong ngôi nhà này là điều tuyệt vời nhất rồi”.

  • Kim Ngân
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc