Cây trầu bà là một dạng cây cảnh dễ trồng, dễ phát triển trong môi trường tán xạ. Trầu bà còn có các tên gọi khác như vạn niên thanh leo, hoàng kim, thạch cam tử, hoàng tam điệp. Tên khoa học của loài cây này là Epipremnum aureum, thuộc họ Ráy, có nguồn gốc từ Indonesia. Trầu bà phát triển tốt trong khí hậu nhiệt đới, ưa nước và bóng râm, không chịu được nắng gắt. Cây trầu bà có thể sống thủy sinh hoặc trồng trong chậu đất.
Ý nghĩa của cây trầu bà
Cây trầu bà xanh tốt quanh năm và ít khi rụng lá nên được xem là loại cây trang trí dễ trồng dễ chăm. Trầu bà mang lại không gian xanh mát giúp thu hút tài lộc và may mắn. Trầu bà còn là loại cây hấp thụ khí độc như khói thuốc, khí thải của động cơ, bức xạ từ các thiết bị điện tử, các khí benzen. Do vậy, cây trầu bà còn được ví như chiếc máy lọc không khí hữu ích trong nhà.
Cây trầu bà biểu tượng cho sự may mắn và bình an trong gia đình.
Có nên trồng cây trầu bà trong nhà?
Cây trầu bà là cây cảnh dễ trồng dễ phát triển và thích hợp với ánh sáng tán xạ. Thế nên cây trầu bà thích hợp là cây cảnh trồng trong nhà, có thể đặt ở bàn làm việc, cửa sổ, bàn tiếp khách, treo ban công. Tuy nhiên khi trồng trầu bà trong nhà cần chú ý trầu bà có chất Calcium oxalate, đây là chất gây tiêu chảy, buồn nôn, bỏng rát niêm mạc nhẹ khi ăn phải.
Do đó nếu nhà bạn có trẻ nhỏ cần lưu ý khi trồng trầu bà để đảm bảo trẻ không bứt lá và ăn để tránh ngộ độc.
Trầu bà không chịu được ánh nắng gắt nên khi để chúng ở cửa sổ hay ban công cần chú ý tránh những khi nắng chiếu thẳng vào sẽ làm vàng lá.
Các loại trầu bà
Trầu bà hiện có nhiều loại nhưng trong giới chơi cây cảnh hiện nay thì có các loại trầu bà phổ biến sau:
Trầu bà xanh: Có tên gọi khác là hoàng tam diệp, trầu bà xanh có lá màu xanh lục chủ đạo, xen kẽ đó là một vài vệt trắng. Loại trầu bà xanh này thường được trồng trong chậu đất để trang trí trên bàn, chậu treo, trồng trên giàn leo. Đây cũng là dạng trầu bà phổ biến dễ trồng nhất. Bạn chỉ cần ngắt ngọn và giâm vào đất hoặc nước là có thể lên cây mới.
Trầu bà vàng: Trầu bà vàng hình dáng như trầu bà xanh nhưng là màu vàng. Bạn có thể trồng thủy sinh hoặc trồng đất.
Trầu bà sữa hay còn gọi trầu bà cẩm thạch: Loại trầu bà này có lá màu đặc biệt hình trái tim màu xanh nhưng được điểm thêm những vệt loang màu trắng như sữa. Cuống lá trầu bà sữa dài, màu trắng, gân chính của lá khá rõ.
Trầu bà đế vương: Dựa vào màu lá, trên thị trường hiện có 3 loại, gồm: Trầu bà đế vương xanh, trầu bà đế vương đỏ và trầu bà đế vương vàng. Lá của trầu bà đế vương khá cứng cáp và màu sắc tươi tắn, toát lên sự sang trọng và quý phái. Các loại trầu bà đế vương thích hợp trang trí để bàn, thể hiện uy quyền của gia chủ.
Trầu bà chân vịt hay còn gọi trầu bà thanh xuân, trầu bà khía: Lá của loại trầu bà này rất đẹp, lá xẻ thuỳ chân vịt, mọc xen kẽ quanh vòng thân. Trầu bà chân vịt thích hợp trang trí trên bàn, tủ sách, kệ ti vi, phòng ăn hoặc đặt ở góc nhà.
Trầu bà chân rít lá đốm: Loại trầu bà này hầu như không có thân vì cành lá dài và thuôn, mọc trực tiếp từ gốc, mỗi cành lá chỉ ra duy nhất một lá.Lá của trầu bà chân rít đốm rất đặc trưng, lá có màu xanh đậm đi kèm là nhiều đốm vàng như bị cháy. Loại này thích hợp để bàn hoặc trang trí trong những không gian thư giãn.
Trầu bà tỷ phú: Loại trầu bà này lá to thân ngắn, màu xanh đậm
Nên chọn trầu bà loại gì cho phù hợp?
Cây trầu bà tượng trưng cho sự phát triển mạnh mẽ, thịnh vượng và thăng tiến. Thế nên trong phong thủy trồng trầu bà với mong muốn thuận đường con cái, tài lộc, công danh sự nghiệp. Cây trầu bà hợp với hầu hết các mệnh và tuổi, nhưng đặc biệt hợp với người có mệnh Mộc, Hỏa và Thủy, tuổi Ngọ và tuổi Thân.
Với người mệnh Kim hay mệnh Thổ, khi trồng trầu bà cần lưu ý việc chọn chậu hay không gian trồng xung quanh để phát huy tối đa vượng khí mà cây mang lại. Người mệnh Kim hay mệnh Thổ nên chọn chậu màu cam, đỏ, tím, xanh, nâu hoặc đen.
Cách trồng và chăm sóc cây trầu bà
Trầu bà là loại cây rất dễ trồng, có thể trồng bằng giâm cành. Trầu bà là cây ưa ẩm nên cần tưới nước thường xuyên hoặc trồng thủy sinh. Bạn chỉ cần ánh sáng nhẹ tránh ánh nắng gắt vào cây trầu bà.
Cây trầu bà có sức sống mãnh liệt và không cần chăm sóc quá nhiều, tuy vậy cũng nên lưu ý khi tưới nước chỉ nên duy trì độ ẩm, tránh tưới quá nhiều sẽ làm cây ngập úng. Để trầu bà sinh trưởng tốt, có thể bón phân cho cây định kỳ 6 tháng một lần. Nếu trồng thuỷ sinh, cần thay nước đều đặn nửa tháng một lần.
*Thông tin tham khảo chiêm nghiệm