Khi rơi vào tình cảnh nợ nần, chắc hẳn ai cũng cảm thấy bế tắc, chán nản, thậm chí, muốn buông bỏ tất cả. Cảm giác và tâm lý lo sợ có thể sẽ khiến bạn mất đi lý trí để trả nợ dứt khoát. Nếu bạn đang mệt mỏi với những khoản nợ, hãy tham khảo thực hiện theo 6 bước dưới đây để giải quyết chúng nhanh gọn.
Bước 1: Hiểu rõ lý do nợ nần
Việc tìm ra nguyên nhân nợ nần sẽ giúp bạn giải quyết được tận gốc. Tuy nhiên, đây lại là điều không mấy ai làm mà chỉ tập trung vào việc thanh toán nợ nần, sẽ dẫn tới tình trạng lặp lại cảnh nợ nần trong tương lai. Nguyên nhân nợ nần có nhiều, có những nguyên nhân cố hữu, có những nguyên nhân do thói quen bản thân cần được thay đổi thì mới có thể thoát nợ.
+ Lý do 1: Nợ do các khoản cho vay để mua nhà/mua xe hoặc kinh doanh
Việc vay tiền vào những khoản nợ này vốn dĩ không xấu. Thế nhưng chúng có thể tạo ra sự căng thẳng về tài chính khi bạn không thể thanh toán các khoản khi cần hoặc tiêu tốn quá nhiều tiền trong khoản thu nhập do chưa lên kế hoạch kĩ càng, khiến bạn không thể trang trải chi phí sinh hoạt hoặc tiết kiệm tiền.
+ Lý do 2: Nợ do chi tiêu quá tay
Những món nợ kiểu này không ít và thường là dưới dạng nợ thẻ tín dụng với lãi suất cao, thường gặp đối với những người trẻ. Tuy nhiên, rất có thể số tiền bạn phải trả cho những gì đã mua cao hơn nhiều so với giá trị thực của nó. Điều đó đi đôi với việc có thể làm giảm thu nhập và đòi hỏi bạn phải gánh thêm nhiều khoản nợ.
+ Lý do 3: Nợ do hoàn cảnh
Chỉ cần không may bị ốm đau hoặc chấn thương bất ngờ; thậm chí bỗng dưng thất nghiệp hoặc kinh doanh gặp chút không may, bạn cũng có thể phải nợ chồng chất. Khoản nợ này thường khiến nhiều người cảm thấy bế tắc hơn không chỉ vì đang gặp chuyện không may, mà còn vì những khoản nợ này thường đi kèm với lãi suất cao.
Bước 2: Kiểm soát chi tiêu một cách chặt chẽ
Sau khi xác định được nguyên nhân khoản nợ, bước tiếp theo các bạn cần kiểm soát chi tiêu. Hãy dành thời gian để lên kế hoạch rõ ràng cho các khoản chi cần thiết trong tháng dựa trên tổng thu nhập trung bình. Chia càng nhỏ các khoản chi tiêu càng giúp bạn kiểm soát được nó một cách dễ dàng hơn. Hãy cắt bỏ những khoản chi tiêu cá nhân không cấp thiết. Trong giai đoạn này, chỉ cần phục vụ nhu cầu tối thiểu của bản thân.
Bước 3: Lập kế hoạch trả nợ
Cùng với kiểm soát chi tiêu, bạn xem có thể tăng thêm thu nhập bằng công việc chính hoặc có thể làm thêm một số công việc trong khả năng, năng lực của mình. Chỉ khi có thu nhập, bạn mới có tiền để trả nợ nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, bạn hãy gửi thanh toán đúng hạn hàng tháng để không phải trả thêm phí và lãi suất. Đây chính là chìa khóa quan trọng nhất giúp bạn xác định được thời gian để xóa nợ hoàn toàn là bao nhiêu. Hãy lập kế hoạch và sử dụng các chiến lược quản lý nợ bổ sung để giảm các khoản thanh toán hàng tháng hoặc hợp nhất nợ của mình thành một vài khoản lớn. Cố gắng đừng để các khoản nợ bị lắt nhắt, trải dài cả tháng, như vậy bạn rất khó để kiểm soát, làm tổn hại đến cảm xúc và sức khỏe của bạn.
Bước 4: Duy trì động lực trả nợ để xóa bỏ nợ nần hoàn toàn
Trả nợ cần nhiều nỗ lực và đây là hành trình gian nan, đầy khó khăn nên lúc nào cũng động viên, cổ vũ chính mình. Nó có thể giúp bạn tập trung hơn, phấn chấn hơn, đồng thời duy trì động lực để tiếp tục loại bỏ hoàn toàn các khoản nợ. Luôn duy trì tinh thần vui vẻ, lạc quan, vượt qua sự chán nản là điều quan trọng để giữ cho việc trả nợ đi đúng hướng.
Bước 5: Tránh mở thêm thẻ tín dụng hoặc vay mới
Trong quá trình trả nợ, nhất quyết không vay thêm nợ, không được mở thẻ tín dụng mới, tạo thêm khoản vay mới bằng bất kì hình thức nào. Thời gian đầu khi trả nợ, bạn có thể sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc thắt chặt chi tiêu, nhưng hãy nhớ tuyệt đối đừng động tới thẻ tín dụng, kể cả trong những trường hợp khẩn cấp. Bởi vì thẻ tín dụng giúp bạn giải quyết được 1 số vấn đề liên quan tới chi tiêu ở thời điểm đó nhưng đến hạn thanh toán thì bạn sẽ còn đau đầu hơn nhiều.
Bước 6: Thiết lập quỹ dự phòng
Sau khi trả hết nợ hoặc những tháng cuối cùng để có thể tất toán khoản nợ này, bạn nên bắt đầu tính đến việc xây dựng quỹ dự phòng cho mình. Đây chính là bước quan trọng để giảm thiểu khả năng mắc nợ một lần nữa trong tương lai. Chính quỹ dự phòng này cũng giúp bạn linh hoạt và tự tin hơn trong việc xử lý các khoản chi bất ngờ. Đừng làm được bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu, khi biến cố xảy ra mà bạn không có tích luỹ, lúc đó lại rơi vào vòng lặp nợ nần trước kia.