Lưới trời lồng lộng, tuy thưa khó thoát
Cổ nhân có câu: lưới trời lồng lộng, tuy thưa nhưng khó thoát. Kẻ làm chuyện xấu, dù che được toàn bộ con mắt trần tục nhưng không thể giấu được mắt trời.
Người làm việc xấu, tay đã nhúng chàm, dù vì bất cứ lý do gì, cũng không có quyền bao biện. Không phải vì nghèo mà có quyền cướp bóc. Không phải vì ân nghĩa mà được phép tiếp tay cho lỗi lầm. Không phải vì tình yêu, mà có quyền tranh đoạt. Không phải vì thất học, mà được phép làm những việc trái với đạo lý nhân sinh.
Thế nhưng Đức Phật có câu: “Bể khổ vô biên, quay đầu là bờ”. Kẻ lầm lỡ nếu biết buông hạ đồ đao vẫn có thể lập địa thành Phật. Năm xưa Bồ Tát cũng từng phạm bao lỗi lầm (từ ác nghiệp cho đến sát sinh), nhưng kịp thời quay về chính đạo, vẫn có thể bước đến cõi niết bàn.
Việc đã qua, giống như một bát nước đổ đi, không thể lấy lại. Làm điều sai trái, dù dối hận, cũng không thể vãn hồi. Thế nhưng nếu biết hành thiện tích đức, sẽ nhận được sự bao dung của chúng sinh.
Hành thiện tích đức, trân trọng hiện tại
Con người sau khi làm chuyện xấu, hãy biết đối mặt và trả giả cho sai lầm. Đồng thời hãy yêu thương và trân trọng hiện tại. Kẻ nhúng chàm khi vừa bước ra khỏi bùn nhơ cần giữ lòng hướng thiện, không trốn tránh lỗi lầm, không oán trách bất công, không nung nấu thù hận.
Đừng để tâm ma đè nặng và dày vò tâm can, hãy hướng đến từ bi và sự thanh thản. Đồng thời hãy biết bao dung và thấu hiểu cho những con người bày mưu tính kế, làm chuyện bất nhân. Bởi họ thật bất hạnh, không thể giác ngộ, tự tiêu giảm phúc đức, cuối cùng sẽ nhận lấy nghiệp báo nặng nề.
Con người trên đường hoàn lương, làm việc thiện dù nhỏ hay lớn, cũng chớ vội vui mừng, nghĩ rằng nghiệp đã trả đủ. Mỗi ngày hãy nghĩ điều thiện, ban phát yêu thương và bao dung với kẻ yếu. Nếu làm được như vậy, ân oán đã hóa thành tro bụi từ lúc nào, phúc đức thêm dày, lòng sẽ được an vui.