Đã có 3 tướng từ trần khi đang còn tại vị giống Tướng Ngọ

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday)- Trước Thượng tướng Phạm Quý Ngọ cũng có 3 Thượng tướng cũng đột ngột từ trần khi còn đang đương nhiệm.

Thượng tướng Phạm Quý Ngọ từ trần sau thời gian chống chọi bệnh ung thư

Thượng tướng Phạm Quý Ngọ (1954 - 2014): Ông sinh ở Đông Hưng, Thái Bình. Ông từng theo học tại Trường Đại học Cảnh sát nhân dân. Năm 1980, ông được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong quá trình hoạt động của mình, ông Ngọ đã được tặng thưởng nhiều huân, huy chương.

Ngày 28/1/2008, ông đảm nhiệm chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân. Từ ngày 1/1/2010, ông được chuyển sang làm Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm. Ngày 12/8/2010, được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an. Ngày 18/1/2011, ông được bầu làm Ủy viên T.Ư Đảng khóa XI. Ngày 22/7/2013, ông Phạm Quý Ngọ được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao quyết định thăng cấp bậc hàm Thượng tướng.

phạm quý ngọ, thượng tướng phạm quý ngọ

Ngày 22/7/2013, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trao quyết định thăng cấp bậc hàm Thượng tướng cho 3 cán bộ cao cấp của lực lượng Công an nhân dân. Ông Ngọ vinh dự là một trong 3 cán bộ được thăng cấp bậc đợt này.

Sau khoảng thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư tại Bệnh viện Quân đội 108, Thượng tướng Phạm Quý Ngọ , Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI, Thứ trưởng Bộ Công an đã qua đời vào hồi 21h05 ngày 18/2/2014.

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Thi Văn Tám

Thượng tướng Thi Văn Tám (1948 - 2008): Vị tướng này sinh ở Đức Hòa, Long An. Ông nguyên là Thứ trưởng Bộ Công an, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tướng Tám vốn là cán bộ của ngành an ninh, đã tham gia nhiều vụ án chống gián điệp nên ông có mệnh danh là vị tướng chống gián điệp.

thi văn tám, thượng tướng

Ông từ trần hồi 2 giờ ngày 12/12/2008 tại TPHCM, sau một thời gian lâm bệnh.

Vào những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, khi cuộc chiến tranh bước vào thời kỳ nóng bỏng và khốc liệt, được sự giáo dục, dìu dắt của các cán bộ ở Hòa Khánh, lúc chỉ mới 13 tuổi, Thi Văn Tám đã tham gia hoạt động bí mật với nhiệm vụ canh gác cảnh giới cho các đồng chí cán bộ cách mạng hoạt động trong vùng bị địch tạm chiếm.

Suốt những năm tháng chiến đấu và công tác, đồng chí Thi Văn Tám luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết và chủ động trong việc lãnh đạo lực lượng An ninh thuộc Tổng cục An ninh cũng như Công an các địa phương thực hiện đúng đường lối, chủ trương công tác an ninh của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an, góp phần vào thắng lợi to lớn trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới.

Tháng 12/2008, ông được Chủ tịch nước thăng cấp hàm Thượng tướng an ninh nhân dân, nhưng cũng trong tháng này ông lại đột ngột ra đi, hưởng thọ 60 tuổi.

Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Tính đột tử khi đi công tác

Thượng tướng Nguyễn Văn Tính (1944 - 2006): Ông sinh ở Nam Trực, Nam Định. Trải qua quá trình công tác, ông được giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an.

nguyễn văn tính, thượng tướng

17h30 ngày 22/8/2006, thượng tướng Nguyễn Văn Tính đã đột ngột từ trần trong chuyến đi công tác tại Thanh Hóa, nhiều khả năng ông Tính đột tử do nhồi máu cơ tim. Ông vốn là người có tiền sử bệnh tim. Trước đó, vị tướng 62 tuổi này khỏe mạnh và vẫn làm việc với lãnh đạo công an địa phương.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Tính được phong hàm thượng tướng vào đầu năm 2005. Cho đến thời điểm từ trần thì ông phụ trách lĩnh vực hậu cần và khoa học kỹ thuật. Trong thời gian công tác tại ngành công an, ông từng đảm nhiệm chức giám đốc Công an tỉnh Thái Nguyên, tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng.

Thượng tướng Lê Minh Hương

Thượng tướng Lê Minh Hương (1936 - 2004) quê quán xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX, Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX; nguyên Bí thư Đảng ủy Công an trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khóa IX; Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; do lâm bệnh nặng đã từ trần hồi 12 giờ 30 phút, ngày 23/5/2004 tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108 (Hà Nội).

Ngày 30/7/2008, tại hội trường Bộ Công an, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thay mặt Đảng, Nhà nước đã trao Quyết định truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Thượng tướng Lê Minh Hương, cố Bộ trưởng Bộ Công an.

lê minh hương, thượng tướng

Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, Trung tướng Lê Quý Vương, Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng CAND - Bộ Công an đã ôn lại tiểu sử và những cống hiến to lớn của cố Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Lê Minh Hương, đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Trung tướng Lê Quý Vương nêu rõ: “Ngày 5/3/2008, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 245/QĐ-KT-CTN về việc truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Thượng tướng Lê Minh Hương, nguyên ủy viên Bộ Chính trị khóa VIII, IX; ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, VIII, IX; nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, đã có công lao to lớn, nhiều thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam”.

Trên 50 năm hoạt động cách mạng, Thượng tướng Lê Minh Hương đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Để tỏ lòng tưởng nhớ Thượng tướng Lê Minh Hương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Lê Minh Hương theo nghi thức lễ tang cấp nhà nước.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn