Ngày 17/1, ông Nguyễn Thanh Phương - phó chủ tịch UBND xã Sơn Bình, huyện Hòn Đất, Kiên Giang - cho biết xã đã ngăn chặn kịp thời một đám cưới của cô dâu sinh ngày 20/5/2001, ngụ ấp Mỹ Hòa, thị trấn Sóc Sơn, còn chú rể ngụ ấp Giàng Gừa, xã Sơn Bình, Hòn Đất.
Dự định ban đầu đám cưới tảo hôn này được hai bên gia đình cô dâu, chú rể thống nhất tổ chức tại nhà cô dâu tại thị trấn Sóc Sơn. Thế nhưng do công an thị trấn phát hiện, ngăn cản nên đám cưới đã được chuyển về xã Sơn Bình tổ chức tại nhà chú rể.
Ông Trần Đức Mậu, chủ tịch UBND huyện Hòn Đất, cho biết sẽ chỉ đạo xã Sơn Bình kiên quyết không cho tổ chức đám cưới vi phạm pháp luật này.
Cô dâu - chú rể "nhí". (Ảnh minh họa) |
Trước tình trạng tảo hôn diễn ra ở nhiều vùng trên khắp đất nước, trong báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho biết, Bộ Tư pháp và một số ý kiến đề nghị có thể xem xét cho nữ được kết hôn ở tuổi dưới 18.
Theo bà Trương Thị Mai, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với quy định tuổi kết hôn của cả nam và nữ là “Đủ mười tám tuổi trở lên”. Một số ý kiến đề nghị giữ nguyên độ tuổi kết hôn như Luật hiện hành hoặc quy định độ tuổi “Nam từ đủ hai mươi tuổi trở lên và nữ từ đủ mười tám tuổi trở lên”.
Cũng theo Chủ nhiệm Mai, Bộ Tư pháp và một số ý kiến đề nghị cân nhắc bổ sung quy định ngoại lệ đối với trường hợp nữ chưa đủ 18 tuổi. “Thực trạng kết hôn sớm theo tập quán vẫn diễn ra khá phổ biến ở một số vùng, miền dù quy định về độ tuổi kết hôn hiện hành đã được thực hiện ổn định trong thời gian dài. Việc bổ sung quy định ngoại lệ giúp bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, đặc biệt là trẻ em được sinh ra trong trường hợp này. Nếu bổ sung quy định trường hợp ngoại lệ về tuổi kết hôn của nữ thì điều kiện phải chặt chẽ như giảm tối đa không quá 2 tuổi, được hai bên gia đình công nhận hoặc được sự đồng ý của người giám hộ, đã có con chung....” – bà Mai cho biết quan điểm của Thường trực Ủy ban.
Cụ thể, nếu thực hiện việc giảm độ tuổi cho nữ, phải trên cơ sở luật định, Chính phủ sẽ hướng dẫn các trường hợp đặc biệt kết hôn từ đủ 16 tuổi. “Hiện nay, nhiều nước trên thế giới cũng đã có quy định ngoại lệ về vấn đề kết hôn sớm. Tuy nhiên, việc bổ sung quy định ngoại lệ sẽ xung đột với pháp luật về quyền trẻ em và có ý kiến cho rằng, cần phải giữ quy định về độ tuổi kết hôn nhằm bảo đảm sự phát triển giống nòi, nam, nữ kết hôn phải có đủ điều kiện về sức khỏe và khả năng xây dựng, chăm lo cuộc sống gia đình. Do nội dung này chưa có trong Tờ trình của Chính phủ tại kỳ họp thứ sáu, Thường trực Ủy ban đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét vấn đề này” – Bà Mai nói rõ.
Thế nhưng, nhiều quan điểm cho rằng không thể hạ độ tuổi kết hôn đối với cả nam và nữ. GS-TS Nguyễn Đức Vy, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Chủ tịch Hội Sản Phụ khoa Việt Nam cũng cho rằng, hạ độ tuổi kết hôn so với quy định hiện hành là phi lý, không phù hợp nếu xét trên phương diện y học. Bởi “phụ nữ ở độ tuổi 18 khung xương chậu chưa phát triển hết; đến 22 tuổi, nó mới đầy đủ và sẵn sàng cho việc sinh con. Tôi không hiểu mấy vị làm luật nghĩ thế nào mà lại đề xuất như thế, bởi việc ấy có thể làm bùng nổ dân số, số ca đẻ khó, tai biến sản khoa sẽ tăng lên, số trường hợp mổ đẻ cũng tăng cao bởi ở tuổi 16 nữ giới chưa phát triển đầy đủ”. Do đó, ông Vy đề xuất việc sửa đổi luật nhất thiết phải có sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan chuyên môn về sản khoa để tránh việc ban hành quy định không sát thực tế.
Trên thực tế, nhiều trường hợp dù không đủ độ tuổi kết hôn, nhưng vẫn chung sống với nhau và sinh con bình thường. Đây là một trong những vấn đề đã và đang tồn tại trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là ở các vùng dân tộc thiểu số mà Luật hôn nhân và Gia đình dường như đang trở nên vô tác dụng, không thể can thiệp. Đề xuất hạ tuổi kết hôn xuống 2 tuổi được của các nhà làm luật chỉ để phù hợp với thực trạng… tảo hôn chứ không phải phù hợp với tâm sinh lý của trẻ và cũng là khỏa lấp sự yếu kém trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề này cũng như thiếu năng lực trong công tác quản lý, thực thi pháp luật của giới chức.