Trong cuộc sống ngày nay nhiều người phụ nữ cô đơn, lạc lõng trong chính căn nhà mình. Không phải chồng ngoại tình, không phải chồng vũ phu, tệ bạc mà chồng coi trọng điện thoại hơn chính người đàn bà bên cạnh mình.
Rất nhiều người phụ nữ đã ngậm ngùi mà nói rằng: “Lẽ ra chồng mình nên cưới điện thoại thay vì cưới vợ”. Chiếc điện thoại đã trở thành vật bất ly thân với đa số đàn ông. Họ ăn điện thoại, ngủ điện thoại, thậm chí đi vào nhà vệ sinh cũng cầm điện thoại theo. Đàn ông lạ lắm! Họ biết rành rẽ những sự việc xảy ra cách nửa vòng trái đất, am tường những chuyện xảy ra ngoài xã hội nhưng không hề biết vợ con mình sống ra sao.
Chẳng hiếm hình ảnh trong một bữa cơm, vợ dỗ con, bận bịu với con cái thì chồng đủng đỉnh vừa ăn vừa lướt điện thoại. Vợ chồng làm việc 8 tiếng ở công ty, về nhà đàn ông lại nằm ườn ra chơi game, lướt Facebook thì vợ lại nai lưng quán xuyến biết bao nhiêu công việc. Đàn ông có thời gian để xem những chuyện lớn lao ngoài thiên hạ, xem những tin tức giật gân, coi những clip vô thưởng vô phạt nhưng lại không có thời gian chơi với con hay phụ vợ những việc nhỏ nhặt trong nhà.
Chuyện đàn ông mê điện thoại đã không còn là chuyện hiếm mà trở thành nỗi buồn chán của rất nhiều người vợ. Vợ chồng dần dần ít quan tâm, ít trò chuyện, ít tâm sự cùng nhau. Những vấn đề khúc mắc trong cuộc sống cũng khó nói với nhau khi đàn ông lúc nào cũng để tâm trí vào những việc xa vời. Phụ nữ thấy chồng vô tâm như vậy thì khuyên nhủ, than vãn, thậm chí cãi nhau cốt chỉ mong đàn ông bỏ điện thoại xuống mà quan tâm vợ con nhiều hơn một chút. Nhưng mê điện thoại giống như một kiểu nghiện, đàn ông một khi đã có thói quen này thì không dễ dàng gì thay đổi.
Nhiều người vợ đã buồn tủi mà nói rằng thời gian riêng tư của hai vợ chồng cũng bị điện thoại “giành” mất. Khi phụ nữ mong muốn được quan tâm, được trò chuyện thì những ông chồng mắt không thể rời khỏi màn hình điện thoại rồi bảo: “Chờ xíu”. Chờ đến khi nửa đêm mà ông chồng vẫn không ngừng lướt. Khoảng cách vợ chồng ngày càng xa. Người vợ ngày càng cảm thấy khổ tâm, mệt mỏi trong hôn nhân mà người đàn ông lại như “vô can” trong tất cả mọi chuyện.
Dẫu biết rằng, xã hội hiện đại, con người ta không thể để mình tụt hậu và thụt lùi nhưng đàn ông cũng phải biết cân bằng giữa thú vui của bản thân và cuộc sống gia đình. Nghiện điện thoại chính là một điển hình của kiểu đàn ông vô tâm. Gia đình, vợ con mới chính là gốc rễ, là nguồn cội của hạnh phúc và bình yên chứ không phải những thứ vô bổ, phù phiếm trên mạng xã hội kia.
Đàn ông thương vợ
1. Đàn ông thương vợ: Sẵn sàng lắng nghe vợ nói, dù rằng vợ chẳng khi nào có thể nói ít đi được. Nhưng anh ấy sẽ hiểu, vợ nói nhiều cũng như việc bản thân nhậu nhẹt hay cà phê với bạn bè. Vợ có lo, có buồn bực, có tức giận thì mới nói nhiều.
Đôi khi với đàn ông thế này, họ lại xem việc vợ nói nhiều như để cô ấy bớt căng thẳng và giải tỏa mệt mỏi trong lòng. Nếu không nghe vợ nói, chẳng lẽ lại để vợ bức bối đi tìm kẻ khác lắng nghe. Nên thôi, họ cứ để vợ nói thôi.
Đàn ông không thương vợ: Sẽ xem việc nói nhiều của vợ là sự phiền hà. Vợ nói càng nhiều thì chồng càng thấy bực bội. Anh ấy cũng chẳng quan tâm những lời nói của vợ là vì khó chịu, căng thẳng hay thế nào.
Vì vốn dĩ không quan tâm nên cũng chẳng đủ cảm thông. Và nếu biết vợ có thủ thỉ với ai khác ngoài mình, anh ta cũng không để tâm. Không đủ tình yêu thương chính là như vậy.
2. Đàn ông thương vợ: Luôn muốn vợ biết mình đang làm gì, như thế nào trong cuộc sống. Đơn giản vì họ muốn vợ an tâm rằng họ không che giấu bất cứ điều gì. Họ hiểu đàn bà khi nghi ngờ rất mệt mỏi.
Vậy thì có sao thì cứ nói với vợ thôi. Nhậu nhẹt với bạn bè, vợ thấy thoải mái thì đi, không thì cũng không cần thiết. Vợ có “lồng lộn” khó chịu thì cũng kiên nhẫn giải thích cho vợ hiểu. Vợ thì cũng chỉ có một, không kiên nhẫn được với vợ thì còn làm được gì ngoài xã hội?
Đàn ông không thương vợ: Anh ta nghĩ việc gì phải để vợ quản hết chuyện? Anh ta muốn đi đâu thì đi, cũng không cần phải nói làm gì. Vợ giận thì kệ vợ, mình vui là được. Họ không quan tâm cảm nhận của vợ nên cũng thẳng thừng khiến họ muộn phiền.