Khu nghĩa địa tồn tại hơn 200 năm với hàng ngàn ngôi mộ đã bị xáo trộn bởi việc khai thác cát diễn ra từ 10 năm nay. Mồ mả ông bà tổ tiên của người dân xã Quảng Xuân (Quảng Trạch, Quảng Bình) bị xới tung khiến họ vô cùng căm phẫn.
“Cát tặc” hoành hành
Khu nghĩa địa của thôn Xuân Hòa nằm trên một triền cát trắng rộng hàng chục hécta ven bờ biển. Phía Tây một phần giáp kênh đào Xuân Hưng, một phần giáp xã Quảng Hưng; phía Nam giáp thôn Thanh Bình (xã Quảng Xuân); phía Bắc giáp đất xã Quảng Hưng. Khu nghĩa địa này được hình thành từ những năm 1784, các dòng họ ở đây đều táng tập trung, xây bao vây xung quanh thành lăng mộ riêng của từng dòng họ.
Đơn kêu cứu của người dân thôn Xuân Hòa
Bắt đầu từ năm 2009, một số người dân xóm Chòm Bắc (xã Quảng Hưng) mà những người đầu tiên là cha con ông Đàm Hòa, Đàm Sợi đã ra đây xúc cát mang đi bán thu lợi nhuận. Thấy cha con ông Hòa “thản nhiên” xúc cát đem bán mà không có ai can thiệp, các hộ dân khác cũng ra xúc theo. Đầu tiên họ còn ăn trộm theo kiểu dùng xe rùa chở, sau đó họ dùng đến công nông rồi dùng đến ô tô…
Ban đầu, những người dân này xúc ở những bãi cát trống, xúc hết bãi trống họ lại tiếp tục xúc đến sát chân các lăng mộ làm các lăng mộ này sạt đổ và vỡ nát. Thậm chí, họ còn xúc luôn cả quan tài quẳng về một phía khiến cả hài cốt bên trong cũng bị tung ra ngoài. Theo những người dân địa phương cho biết, một số kẻ ngang ngược hơn, buổi đêm còn cho người ra đập phá nghĩa địa để buộc một số dòng họ phải chuyển lăng mộ đi những chỗ khác.
Theo ông Hoàng Quốc Trị - Trưởng thôn Xuân Hòa thì đã rất nhiều lần các dòng họ có lăng mộ ở đây gửi đơn kêu cứu đến các cấp chính quyền nhưng tình trạng khai thác cát này vẫn cứ tiếp diễn và ngày càng lộng hành hơn.
Hàng trăm ngôi mộ buộc phải di dời
Khu nghĩa địa nói trên thuộc địa bàn xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Điều đáng nói, trên khu nghĩa địa đó hoàn toàn chỉ có mồ mả ông bà tổ tiên của người dân xã Quảng Xuân.
Có rất nhiều ngôi mộ buộc phải di dời vì tình trạng khai thác cát trái phép
Ông Hoàng Quốc Trị cho biết: “Làng Xuân Hòa có lịch sử hơn 200 năm, khu nghĩa địa tồn tại song song với làng cho đến bây giờ. Nhưng khi phân chia địa giới hành chính, khu đất đó lại thuộc sự quản lí của xã Quảng Hưng.
Điều này khiến một số người dân xã Quảng Hưng đã tiến hành khai thác cát trái phép, buộc 112 ngôi mộ phải di dời nếu không sẽ bị ảnh hưởng”.
6 hộ gia đình buộc phải di dời mồ mả của tổ tiên là gia đình ông Hoàng Hải, ông Nguyễn Công Bằng, ông Nguyễn Tuân, ông Lê Hồng Luật, ông Nguyễn Bật và ông Hoàng Trung Lang.
Là một trong 6 hộ gia đình có mồ mả tổ tiên buộc phải di dời “khẩn cấp” ông Nguyễn Hồng Luật ( 52 tuổi) ở Chòm 2, thôn Xuân Hòa tỏ ra khá bức xúc khi nhắc đến vấn đề này.
Ông Luật cho biết: “Năm 1997, họ hàng nhà tôi quy tụ phần mộ của tổ tiên trong khu lặng mộ mới. Năm 2003 bắt đầu có tình trạng khai thác cát trái phép, năm 2008 chúng tôi đã có tờ trình gửi lên UBND xã Quảng Hưng, sự việc cũng đã được giải quyết nhưng không dứt điểm.
Tình trạng khai thác cát vẫn tiếp tục, đến năm 2010, do tình trạng này ảnh hưởng đến lăng của tổ tiên chúng tôi nên gia đình tôi buộc phải di dời 25 phần mộ ra phía biển. Hiện nay trong khu lăng mộ của gia đình vẫn còn mộ của bố đẻ tôi, vì mới chôn được mấy năm nên chưa di dời được”.
Ông Luật và ông Hải rất bức xúc khi nhắc đến chuyện mồ mả ông bà tổ tiên không yên vì nạn khai thác cát.
Ông Hoàng Hải (81 tuổi) cũng ở thôn Xuân Hòa nói: “Họ Hoàng chúng tôi là họ đầu tiên xây lăng mộ và cũng là họ đầu tiên phải di chuyển 25 ngôi mộ đi nơi khác vào năm 2005. Già chừng này tuổi nhưng tôi chưa thấy ai quá đáng như thế. Lấp ba tấc đất rồi mà vẫn không yên”.
Có mặt tại hiện trường, chúng tôi khá bất ngờ với tình trạng của khu nghĩa địa. Có một con đường để xe chạy dẫn thẳng vào nghĩa địa, hai bên là hai bờ cát cao hơn 2m, rất nhiều ngôi mộ đã được dời đi, chỉ còn lại những mảnh tường bị vỡ nằm ngổn ngang.
Ông Hải cho biết, trước đây ở đây là một khu bằng phẳng. “Cát tặc” đã móc xuống sâu cả hơn 2m. Ngày 6/03/2014 vừa rồi dân kéo ra đây rất đông, nếu không dừng lại thì còn nhiều khu mộ sẽ bị sụp xuống nữa”.
Chậm trễ xử lý
Khi được hỏi, lãnh đạo địa phương có biết việc này không, ông Phạm Văn Hòa, Chủ tịch xã Quảng Xuân cho biết: “Có biết việc này, nhưng vì đất của xã Quảng Hưng quản lí nên chúng tôi đã làm việc với UBND xã Quảng Hưng để yêu cầu xử lí nhiều lần. Mặt khác, khi xảy ra sự việc người dân toàn chủ động dời mồ mả ông bà mình đi chỗ khác và không báo với chính quyền địa phương.
Ông Hòa cũng cho biết thêm, Sở Tài nguyên môi trường và công an huyện Quảng Trạch cũng đã đến làm việc và sự việc vẫn đang tiếp tục được điều tra làm rõ...”
Còn ông Nguyễn Văn Vũ, chủ tịch xã Quảng Hưng cho biết: “Đất là thuộc quyền quản lí của xã, tình trạng người dân khai thác cát chúng tôi có biết, hiện nay chúng tôi cũng đang xác minh đối tượng để xử lí theo pháp luật”
Trong “Báo cáo kết quả kiểm tra tình trạng khai thác cát trái phép tại địa bàn xã Quảng Hưng và thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch” số 21/BC/TNMT của sở Tài nguyên môi trường có đoạn: “Khu vực hiện trạng đang xẩy ra khái thác cát trái phép thuộc địa phận xã Quảng Hưng, trên đó có nhiều mồ mả, lăng mộ chủ yếu của nhân dân thôn Xuân Hòa, xã Quảng Xuân; khu vực không thuộc quy hoạch hoạt động khoáng sản tỉnh Quảng Bình...”
Tại hiện trường, vẫn còn những cái hố sâu hoắm giữa đường đi và khu mộ, giải thích cho chúng tôi, một người dân thôn Xuân Hòa cho biết, xã đã thuê máy múc đến để phá đường, không cho xe chở cát đi vào khai thác.
Sự việc xảy ra trong khoảng thời gian lâu như vậy mà đến bây giờ, khi dân quá bức xúc nên xã mới phá đường và hiện nay công an vẫn đang “điều tra” thì liệu có muộn không?