Hai chữ “Việt Nam” luôn là niềm tự hào với người dân nước ta dù ở bất cứ nơi đâu. Người đặt quốc hiệu nước ta là Việt Nam chính là vua Gia Long. Năm 1802, sau khi lên ngôi, vua Gia Long nhận thấy việc ổn định về mặt tổ chức vương triều là rất cần thiết. Làm xong điều đó, vua nghĩ đến chuyện đặt quốc hiệu đất nước, qua đó khẳng định sự thống nhất của một triều đại mới.
Tuy nhiên không được đồng ý vì lý do dễ nhầm lẫn với nước Nam Việt của Triệu Đà năm xưa. Sau nhiều lần gửi thư biện giải, cuối cùng cái tên Việt Nam được đồng ý.
Tháng 2 năm 1804, vua Gia Long ban chiếu đặt quốc hiệu mới của nước ta là Việt Nam. Trong chiếu chỉ khi đó viết: “Đế vương dựng nước, trước phải trọng Quốc hiệu để tỏ thống nhất. Xét từ các đấng tiên thánh vương ta xây nền dấy nghiệp, mở đất Viêm bang, gồm cả đất đai từ Việt Thường về Nam, nhân đó lấy chữ Việt mà đặt tên nước… nên định lấy ngày 17 tháng 2 năm nay, kính cáo Thái miếu, cải chính Quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa. Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến Quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa”.
Quốc hiệu Việt Nam đã tồn tại suốt 34 nắm dưới vương triều nhà Nguyễn (1804 – 1838). Mãi đến khi vua Minh Mạng nối ngôi mới đổi quốc hiệu thành Đại Nam. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quốc hiệu Việt Nam mới được sử dụng phổ biến với đầy đủ ý nghĩa, thiêng liêng và toàn diện nhất.
Như vậy, năm 1804 nước ta mới có quốc hiệu là Việt Nam. Nhưng thực tế, hai chữ thiêng liêng này đã được nhắc đến từ 300 năm, trong lời sấm truyền của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Việt Nam khởi tổ gầy nên”. Thời điểm ông nói câu này, nước ta vẫn có tên là Đại Việt.
Khi viết thư gửi trạng nguyên Giáp Hải, Trạng Trình cũng đề cập: "Tiền trình vĩ đại quân tu ký/ Thùy thị phương danh trọng Việt Nam" (Tiền đề rộng lớn ông nên ghi nhớ/ Ai sẽ là kẻ có tiếng thơm được coi trọng ở Việt Nam?) và "Tuệ tinh cộng ngưỡng quang mang tại/ Tiền hậu quang huy chiếu Việt Nam" (Cùng ngửa trông ngôi sao sáng trên bầu trời/ Trước sau soi ánh sáng rực rỡ vào nước Việt Nam).
Tuy nhiên, một số tài liệu lại cho rằng trạng Trình cũng chẳng phải người đầu tiên nhắc đến hai tiếng Việt nam. Người ta từng tìm thấy hai chữ “Việt Nam” trên bia khắc từ thế kỷ 16-17 ở chùa Bảo Lâm (Hải Dương), chùa Cam Lộ (Hà Nội) hay chùa Phúc Thánh (Bắc Ninh)… Tại bia Thủy Môn Đình ở biên giới Lạng Sơn còn có câu: “Việt Nam hầu thiệt, trấn Bắc ải quan” (đây là cửa ngõ yết hầu của Việt Nam và là tiền đồn trấn giữ phương Bắc). Có tài liệu cho biết từ thời vua Quang Trung, cụ thể là năm 1792, nước ta đã được đặt quốc hiệu là Việt Nam. Chính ông Phan Huy Ích đã soạn thảo “Tuyên cáo đặt mới quốc hiệu”.
Nhưng sớm nhất theo mốc thời gian thì là vào thế kỷ 14, hai tiếng Việt Nam khi đó đã được đề cập trong “Việt Nam thế chí” của Học sĩ viện Hàn lâm Hồ Tông Thốc biên soạn. Thông tin này do Thạc sĩ Lương Đức Hiển tìm hiểu, chia sẻ trên báo Giáo Dục vào năm 2018.