Đau đầu chuyện chọn tên con theo phong thủy

( PHUNUTODAY ) - “Đặt tên thì có gì khó mà phải hỏi thầy phong thủy, tất cả những cách thức đặt tên đều có ghi hết trong những tài liệu này cả, hơn nữa em muốn chính vợ chồng mình phải đặt tên cho con ”.

(Phnutoday) - Thời gian gần đây, chuyện đặt tên, đổi tên con theo phong thủy đang là “mốt” nở rộ trong hầu hết các gia đình. Mỗi cái tên ngoài ý nghĩa hình thức còn chứa đựng bao tình cảm, sự kỳ vọng của bố mẹ về con cái. Những tưởng, việc đặt tên là một việc thật dễ dàng, tuy nhiên đặt cho con một cái tên vừa ý nghĩa, vừa hợp với phong thủy xem ra cũng thật lắm gian nan.

[links()]

Tất cả vì “sự phát triển” của con

Mới ngoài 30 nhưng có thể nói gia đình chị Hoa anh Minh chẳng thiếu thứ gì; công việc, nhà cửa, tiền bạc, hai cô công chúa xinh xắn…. Ngôi nhà nhỏ xinh của vợ chồng chị Hoa anh Minh luôn tràn ngập tiếng cười. Tuy sinh con một bề nhưng anh Minh cũng chẳng câu nệ, với anh con gì cũng đáng quý, nhất là hai cô công chúa nhà anh lại rất thông minh và ngoan ngoãn.
 

“Lúc đặt tên cháu, tôi cũng đâu nghĩ tới chuyện này, cực chẳng đã vợ chồng tôi chắc đành phải đổi tên cho cháu thôi chứ chẳng còn cách nào khác”. (Ảnh minh họa)
“Lúc đặt tên cháu, tôi cũng đâu nghĩ tới chuyện này, cực chẳng đã vợ chồng tôi chắc đành phải đổi tên cho cháu thôi chứ chẳng còn cách nào khác”. (Ảnh minh họa)

 

Minh Ngọc và Minh Nguyệt- hai cô công chúa giống anh như tạc và được lấy tên của bố làm tên đệm luôn ríu rít: “Con chính là một phần của bố, mỗi khi cô giáo đọc tên con, con nhớ ngay đến bố”. Mỗi lần nghe hai con nói vậy, anh Minh sung sướng cười tít, hạnh phúc ngập tràn khóe mắt.

Đi làm về, nhìn nhà cửa gọn gàng ngăn nắp, mùi thức ăn thơm lừng trong bếp, hai cô con gái tíu tít đứa bá cổ, đứa ôm chân anh Minh chẳng mong gì hơn.

Hơn ai hết, anh Minh biết giá trị của những giây phút hạnh phúc, vì vậy sau mỗi ngày làm việc bận rộn anh luôn từ chối mọi cuộc chiêu đãi, yến tiệc để được trở về nhà quây quần cùng vợ và các con. Anh luôn tranh thủ tối đa thời gian rảnh rỗi để tận dụng đưa vợ con đi ăn hoặc đi thăm thú, vui chơi.

Cuộc sống đang diễn ra êm đềm thì một hôm, chị Hoa đi đâu về và vội vàng kéo anh Minh ra một góc với vẻ mặt nghiêm trọng: mình phải đổi tên hai con thôi anh ạ, hôm nay em đi xem, thầy phán rằng tên hai con không hợp với mệnh, nếu để lâu sau này sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống và sự phát triển của các con.

Tuy chiều vợ thật, nhưng lần này anh Minh kiên quyết phản đối, thầy nói vậy chẳng có cơ sở khoa học gì cả, tên cũng chỉ là danh xưng, là phương thức để phân biệt người này với người kia, làm sao có thể gây ảnh hưởng tới cuộc sống sau này được chứ.

Hơn nữa, anh thấy tên hai con rất có ý nghĩa, là cái tên chính anh và chị đã háo hức suy nghĩ mấy tháng trời từ khi chị có bầu, anh thoáng buồn khi nghĩ tới lời chị Hoa nói ngày xưa “đối với em, anh và hai con là tài sản quý giá nhất, em sẽ lấy tên anh làm tên đệm cho hai con với mong muốn hai con của chúng ta sau này sẽ tài hoa như bố của chúng”.

Bây giờ, chỉ vì một lời nói của ông thầy nào đó mà chị Hoa một mực đòi đổi tên con, mặc dù anh thấy việc đó chẳng có ý nghĩa gì cả.

Chị Hoa phải tỏ thái độ giận dỗi, rồi dọa dẫm đến mấy ngày anh Minh mới đồng ý cho đổi tên các con với điều kiện, việc đó không phải làm quá nhiều thủ tục rắc rối và không ảnh hưởng đến việc học của các con.

Thoạt đầu, chị Hoa cũng tưởng việc đổi tên con dễ dàng nhưng không phải vậy, mặc dù được hướng dẫn đường đi nước bước hết sức cụ thể và có người giúp đỡ nhưng chị vẫn “mướt mồ hôi” với các giấy tờ, thủ tục. Sau cả chục lần đi đi về về  sơ ra sở tư pháp nhưng vẫn chưa xong:

Lần thì thiếu giấy này, lần thì thiếu chứng nhận kia…rắc rối của trường hợp của chị còn ở chỗ các con đã đi học nên ngoài các thay đổi về giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chị còn phải làm một loạt các thủ tục về học bạ, sổ điểm… cho con.
Rắc rối, mệt mỏi chị cũng chẳng dám hé răng với chồng bởi vốn dĩ anh rất bận, hơn nữa chị đã hứa với anh sẽ tự mình làm hết các việc này.

Sau những tháng ngày vất vả, hai con chị Hoa cũng được đổi tên theo đúng ý của thầy. Chưa kịp vui thì một loạt các rắc rối xảy ra.

Đầu tiên là việc cô giáo chủ nhiệm than phiền bé Minh Nguyệt luôn luôn quên mất tên mới của mình, mỗi khi cô giáo điểm danh hay gọi con lên bảng hoặc lên trả lời con đều không hay biết, khi cô giáo nhẹ nhàng nhắc nhở và bảo con ghi nhớ tên mới thì con khóc òa lên, nhất định không chịu nhận tên mới:

“Tên của con có tên bố con, con không thích tên mới, tên này không có bố”… khiến cho cô giáo chẳng còn biết làm gì hơn.

Bé Nguyệt quên tên con đã đành, ngay cả các bạn cũng chẳng quen với tên mới của bé, luôn luôn gọi bé bằng tên cũ. Ngay cả anh Minh cũng chẳng quen với tên của các con, anh cảm thấy gượng gạo khi phải gọi con bằng cái tên mới thay vì cái tên anh quen thuộc gần chục năm nay.

Vẫn biết tình cảm với con thì chẳng bao giờ thay đổi, nhưng mỗi khi nghĩ đến con với cái tên mới, anh Minh không khỏi cảm thấy thoáng chút xa lạ, anh tự nhủ: việc gì dù mới lâu rồi cũng thành quen, anh sẽ cố gắng vì “sự phát triển” của các con để chấp nhận tên mới, mặc dù đã rất lâu rồi anh thèm nghe được câu “con là một phần của bố”, nhưng dù có đổi tên thế nào, các con mãi mãi là một phần thân thiết nhất của anh.

Hợp pháp hóa các thủ tục, những chuyện nực cười

Không giống như chuyện nhà chị Hoa - anh Minh, việc đổi tên con chỉ đơn thuần từ ý muốn của mẹ. Nhà chị Lan - anh Ngọc việc đổi tên con được cả hai vợ chông nhiệt liệt hưởng ứng. Tuy không giàu có, nhưng công việc ổn định, nhà cửa sẵn có, lại có đủ cả nếp cả tẻ. Mọi người nghĩ như thế là quá viên mãn cho một gia đình nhỏ.

Chị Lan, anh Ngọc cũng cảm thấy chẳng mong gì hơn, duy chỉ có đôi điều anh chị hơi băn khoăn một chút đó là việc cậu con trai lớn chẳng có ý thức học hành, nếu không muốn nói là gần như chẳng bao giờ chịu tự học nếu không có sự giám sát của bố mẹ, bé Nhật chỉ có sở thích duy nhất là siêu nhân, bé sưu tầm đủ loại siêu nhân từ lớn đến nhỏ, ngay cả bộ đĩa siêu nhân cũng chồng lên thành một đống cao, bé quen với việc được chiều nên hễ không vừa ý là lăn đùng ăn vạ, bé chẳng bao giờ chịu nghe lời một ai từ bố, mẹ cho đến ông, bà.

Hết trách bà nội đến trách mẹ quá nuông chiều con cháu, đến việc dung đủ mọi hình thức từ nhẹ nhàng khuyên bảo đến việc dọa dẫm mà Nhật không thay đổi, hai anh chị không biết nghe ai mách tìm đến một ông thầy phong thủy có tiếng, vừa đọc xong tên họ, ngày tháng năm sinh của cháu, ông thầy giật mình phán luôn “tuổi sửu tối kỵ chữ Minh, Nhật, Thái vì là ánh sáng mặt trời, trâu khổ lắm, những bé có tên này hay nghịch ngợm, khó bảo”.

Anh Ngọc, chị Lan nghe thầy giải thích rõ và nhờ thầy tìm ra tên thích hợp thì phấn khởi và vui vẻ như người chết đuối vớ được cái phao.

Quả thực, trong cuộc sống nhiều khi đi vào bế tắc, không có giải pháp, người ta thường tìm đến những giải pháp mang tính tâm linh. Anh chị hy vọng sau khi đổi tên tính khí cậu con trai yêu quý sẽ trở nên “thuần” hơn và bé chịu khó học hành hơn trước.

Cũng giống như chị Hoa, chị Lan cũng gặp rất nhiều rắc rối về vấn đề thủ tục, nhất là việc xin giấy chứng nhận của phường về lý do chính đáng của việc đổi tên.

Theo tư vấn của một cán bộ tư pháp, anh chị phải có được một trong các lý do chính đáng theo đúng như quy định của bộ luật dân sự về việc thay đổi tên họ. Sau khi nghiên cứu kỹ các điều luật, anh chị nghĩ được một giải pháp nghe có vẻ rất “ngon lành”.  

Vậy là sáng hôm sau, hai anh chị mặt hằm hằm kéo nhau ra phường, anh lôi xềnh xệch chị đến trước mặt cán bộ phường với khuôn mặt lộ rõ sự bực tức và dùng những lời lẽ hết sức gay gắt: “Bao nhiêu năm nay hóa ra cô lừa tôi, cô vẫn còn tơ tưởng đến người yêu cũ nên lấy cả tên nó để đặt tên cho con tôi, cô thật quá đáng, tôi không thể chịu đựng lâu hơn  được nữa, hoặc cô đổi tên con, hoặc chúng ta sẽ ly thân”, chị vợ mặt mũi phờ phạc phân trần với cán bộ phường:

“Lúc đặt tên cháu, tôi cũng đâu nghĩ tới chuyện này, cực chẳng đã vợ chồng tôi chắc đành phải đổi tên cho cháu thôi chứ chẳng còn cách nào khác”.

Cán bộ phường chứng kiến toàn bộ câu chuyện còn biết làm gì hơn ngoài việc đồng ý ghi một lý do rất xác đáng vào giấy chứng nhận “việc sử dụng họ tên gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình”.

Chúng tôi có dịp nói chuyện với anh T- cán bộ phường P thuộc quận Hà Đông, anh T cho chúng tôi biết, không riêng gì vợ chồng chị Lan, có rất nhiều cặp vợ chồng gặp vướng mắc trong việc xin phường xác nhận một lý do chính đáng để thay đổi tên họ của con. Trong quá trình làm ở phường, anh đã chứng kiến rất nhiều lý do rất nực cười.

Lý do thông thường nhất được đưa ra là tên con trùng với tên người nọ người kia trong họ, sợ phạm húy. Có những gia đình cầu kỳ về tận quê xin xác nhận của ông trưởng tộc rằng tên của con trùng với tên của… ông cố đời thứ 4. Có gia đình lại nêu lý do tên con trùng với tên của kẻ thù của…ông nội. Đôi khi có những lý do vô lý quá bị cán bộ phường bác bỏ, thế nào họ cũng tìm cách nghĩ ra một lý do thật “xác đáng”.

Một thời gian sau, gặp lại chị Lan, hỏi chị sự thay đổi của bé sau khi đổi tên, chị buồn buồn nói: “Cháu nhà tôi vẫn nghịch như thế, tôi nhận ra thực ra tính cách của bé là do cách dạy dỗ của bố mẹ, có lẽ vợ chồng tôi đã quá nuông chiều theo ý muốn của con mà không nghiêm khắc với con ngay từ đầu nên bé mới mải chơi như vậy. Từ bây giờ, cả nhà đã thống nhất sẽ phải nghiêm khắc với con hơn nữa”.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Không giống như các trường hợp trên, ngay từ khi mang bầu, chị Thảo - ở Gia Lâm - Hà Nội đã có ý thức phải đặt cho con một cái tên thật ý nghĩa và hợp với mệnh của con.

Ấy vậy là, ngay từ khi biết giới tính của bé, người ta đã thấy chị tha về một đống sách vở đủ các thể loại hướng dẫn về việc đặt tên con. Ở cơ quan thì tự mình tìm hiểu, khi về nhà chị lại bắt chồng cùng “nghiên cứu” các loại sách với mục đích sẽ tìm cho con một cái tên thật ý nghĩa.

Thấy vợ ngày ngày vất vả suy nghĩ có vẻ căng thẳng để tìm tên cho con, anh Nghĩa khuyên vợ nên nhờ thầy phong thuỷ thì chị gạt phắt đi: “Đặt tên thì có gì khó mà phải hỏi thầy phong thủy, tất cả những cách thức đặt tên đều có ghi hết trong những tài liệu này cả, hơn nữa em muốn chính vợ chồng mình phải đặt tên cho con, có như vậy tên của con mới chứa đựng những tình cảm yêu thương của bố mẹ”.

Vợ đã nói vậy, anh Nghĩa chẳng còn cách nào hơn là phải cùng vợ “nghiên cứu”. Khổ nỗi, hầu hết những cuốn sách viết về thể loại này là sách của tác giả Trung Quốc, nên phần lớn việc giải thích ý nghĩa đều mượn âm Hán, có kèm theo sự minh hoạ là các bộ chữ Hán từ cổ cho đến chữ giản thể… khiến anh Nghĩa càng đọc lại càng mông lung, bởi cùng một tên có khi có đến 2-3 ý nghĩa, mà đôi khi những ý nghĩa này trái ngược hẳn với nhau.

Nghiên cứu chán chê cả mấy quyển sách mà hai vợ chồng vẫn chẳng tìm được cái tên ưng ý bởi cùng cái tên đó, ở quyển này có khi nó mang nghĩa tốt, nhưng ở quyển khác nó lại không hợp với mệnh. Thế là hai vợ chồng đành chịu đầu hàng với việc tham khảo sách.

Chỉ ngay hôm sau, chị Thảo có ngay một kênh tham khảo mới về việc đặt tên con, đó là các trang web trực tuyến, theo đó chị chỉ cần điền tên con, ngày tháng năm sinh dự kiến… chỉ sau vài giây, trang web sẽ cho ta một kết quả cụ thể về với thang điểm từ 1 đến 9 tuỳ theo mức độ phù hợp của tên với mệnh của con, cách này có vẻ vừa đơn giản lại vừa hiệu quả. Vậy là chỉ sau vài ngày, chị Thảo đã tìm được cái tên khá ưng ý cho cô con gái sắp ra đời của mình, cái tên được trang web chấm 9/10 điểm: Nguyễn Diệu Thúy.

Một hôm, tình cờ thế nào anh Nghĩa đọc được một tài liệu, theo đó chữ Diệu có hai nghĩa: một là “khéo léo”, hai là “kỳ diệu, rực rỡ”, nếu tuổi Tuất mà chọn chữ Diệu với nghĩa “kỳ diệu, rực rỡ” thì lại không phù hợp. Anh in tài liệu về cho vợ xem, chị Thảo sau một hồi suy nghĩ chẳng biết làm sao đành tặc lưỡi, thì mình cứ coi như Diệu trong tên con có có nghĩa là “khéo léo” là xong chứ gì!
 

  • Gia Linh
     
TAGS:
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn