Mưa sao băng Quadrantid (ngày 3 - 4/1)
Mưa sao băng Quadrantids diễn ra hằng năm từ 28/12 đến 12/1. Tại Việt Nam thời điểm quan sát tốt nhất là từ 3h sáng 4/1 với số sao băng đạt 50 đến 60 vệt mỗi giờ, không thua những trận mưa sao băng lớn trong năm như Geminids và Perseids.
Người xem chỉ cần hướng mắt về trời đông bắc, khi chòm sao Bootes - tâm điểm của trận mưa sao băng lên cao. Lúc này ánh trăng không phải là trở ngại, nên nếu thời tiết thuận lợi như trời ít mây sẽ tạo điều kiện người xem chiêm ngưỡng toàn bộ trận mưa sao băng.
Mưa sao băng Quadrantids diễn ra khi Trái đất trên quỹ đạo của nó đi ngang qua vùng đá bụi vật chất để lại bởi tiểu hành tinh 2003 EH1.
Nguyệt thực nửa tối (ngày 10 - 11/2)
Hiện tượng này rất khó quan sát bằng mắt thường và thường bị nhầm lẫn với trăng tròn bình thường. Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng nằm thẳng hàng với Trái Đất nằm giữa, chặn một phần ánh sáng Mặt Trời chiếu đến Mặt Trăng. Một phần Mặt Trăng nằm khuất sau bóng của Trái Đất, còn gọi là vùng nửa tối, sẽ trở nên mờ tối. Trong khi đó, phần còn lại vẫn tỏa sáng như trăng tròn thông thường. Nguyệt thực nửa tối năm 2017 có thể quan sát được từ châu Âu, phần lớn châu Á, châu Phi và phần lớn khu vực Bắc Mỹ. (Ảnh: MrEclipse).
Nhật thực hình khuyên (ngày 26/2)
Hiện tượng xảy ra khi Mặt Trăng ở xa Trái Đất đến mức che khuất gần như hoàn toàn Mặt Trời, chỉ để lại một vành ánh sáng xung quanh. "Vòng lửa" của nhật thực hình khuyên sẽ quan sát được trên một vành đai hẹp ở phía nam và phía tây châu Phi, phần lớn khu vực Nam Mỹ, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Nam Cực. Các khu vực xung quanh sẽ quan sát được nhật thực một phần. (Ảnh: NewsBytes).