Thịt cá chép chứa nhiều protid, lipid, khoáng chất và vitamin, vây cá chứa nhiều collagen. Trong những ngày trời lạnh giá được thưởng thức món cá chép om dưa, cá chép sốt cà chua,… thì thật tuyệt. Không những là món ăn ngon, cá chép còn có tác dụng chữa bệnh tốt. Thịt cá, vây cá, mật cá và đầu cá đều là những vị thuốc trong y học cổ truyền.
Trong Cương mục y học Trung Quốc thời Lý có ghi: “Cá chép là dương tính trong âm tính, có tác dụng tiểu tiện, cho nên có thể chữa được bệnh khi kết lạnh, nướng lên thì hoả hoá, có phát phong hàn, bình phổi thông sữa, làm sạch đường tiêu hoá, bài tiết và trừ khử được tả độc sưng tấy”.
Theo các sách cổ, cá chép bổ tỳ vị, lợi tiểu, tiêu phù, thông sữa, chữa ho, lở loét…là một trong những thực phẩm bổ dưỡng cho thai phụ. Do lợi tiểu, tiêu phù nên cá chép còn được dùng trong nhiều bệnh khác như gan, thận.
Cá chép hầm gạo nếp: Có tác dụng an thai, bổ khí huyết, ôn tỳ vị, trừ mỏi mệt, thiếu máu, lợi sữa. Cá chép một con 250g, gừng một lát, gạo nếp 200g. Cá luộc chín tẩm rượu rồi cho táo gừng vào cháo nhừ.
Cá chép nấu canh đậu đỏ (hạt nhỏ): An thai bổ máu, lợi tiểu tiêu thũng. Cá chép để nguyên vảy một con 500g, nấu cùng 150g đậu đỏ cho nhừ để ăn cái và nước.
Canh cá chép xuyên tiêu: cá chép 1.000g, xuyên tiêu 15g, rau mùi, lá lốt, gừng, hành, dấm bỗng và gia vị thích hợp. Nấu ăn như nấu canh cá bình thường. Dùng cho các trường hợp phù nề, đặc biệt là các thể phù do thiểu dưỡng, do viêm cầu thận mạn, hội chứng thận hư.