Mẹo dân gian giúp trẻ mọc răng không sốt
Cho trẻ ăn mắt cá diếc
Lúc con em tròn 100 ngày tuổi, mẹ em đi chợ mua mấy con cá diếc về. Mẹ chỉ chọn 1 con đẹp nhất, còn sống rồi hấp chín, lấy đũa gỡ mắt cá ra, bỏ cục tròn cứng màu trắng đi rồi cho cháu ăn phần mắt mềm mềm còn lại. Con em thấy vị lạ lạ nên mút mút chu mỏ nhìn buồn cười lắm. Các mẹ chỉ cho ăn một xíu xiu phần mắt thôi chứ đừng cho phần thịt nha, vì bé còn nhỏ chưa ăn uống gì được đâu. Mẹ bảo con nít cho ăn mắt cá diếc để sau này bé ăn dặm sẽ không bị nôn trớ, mắt lại sáng khỏe.
Nhiều người giải thích là trong mắt cá diếc có chứa nhiều dưỡng chất, đặc biệt là vị hơi tanh. Nếu còn bé cho bé nhấm thử vị đó mà bé ăn được thì lớn lên con sẽ ăn rất ngoan, không bị ói, mắt lại sáng hơn vì nhiều chất dinh dưỡng, “ăn mắt bổ mắt”.
Rơ lợi cho trẻ bằng nước lá hẹ hoặc nước giá đỗ
Để trẻ mọc răng không đau, không sốt, không quấy khóc. Đúng 100 ngày sau sinh, mẹ lấy lá hẹ hoặc giá đỗ (bé trai lấy 7 cọng, bé gái lấy 9 cọng) để rơ lợi cho bé. Nếu là lá hẹ, mẹ đem giã nát, thêm vào đó xíu nước, thật ít muối (nhớ là thật ít thôi) rồi đem hấp chín, dùng khăn xô hoặc gạc chấm rơ lợi cho con. Nếu là giá đỗ, mẹ lấy giá đỗ sạch ủ tự nhiên đem ép nước rồi cũng chấm nước đó rơ lợi cho con, vừa rơ vừa đọc: “Mọc răng như giá, không đau không sốt”.
Tưa lá hẹ đúng 100 ngày tuổi, con không còn sốt khi mọc răng
Trong rất nhiều các diễn đàn của mẹ bỉm sữa từ lâu đã có trào lưu tưa nước lá hẹ vào lợi sẽ giúp bé không bị sốt khi mọc răng. Cụ thể, cách làm được một bà mẹ có tài khoản N.H chia sẻ như sau: Canh đúng lúc bé được tròn 100 ngày tuổi (nhiều mẹ Việt thường tâm niệm là 3 tháng 10 ngày) để thực hiện. Giã dập 1 nắm lá hẹ tươi vắt lấy nước cốt, hòa thêm 1 ít nước đun sôi để nguội cho bớt mùi hăng rồi dùng băng gạc quấn quanh ngón tay chấm nước hẹ rơ lưỡi, miệng, nướu con thật kỹ. Chính nhờ biện pháp này mà khi bé nhà chị N.H mọc chiếc răng đầu tiên ở 6,5 tháng tuổi đã không còn bị sốt. Thậm chí đến giờ có 3 chiếc răng xinh xắn vẫn khỏe mạnh bình thường.
Khẳng định rằng phương pháp này có hiệu quả, bà mẹ Daisy Lê cho biết: "Mình làm được đó bạn. Cái đêm mà tính từ 0 giờ của ngày 100 đó. Bạn lấy gái 9 trai 7 lá rửa sạch ngâm tráng nước ấm để sẵn đến tầm sang giờ của ngày đó thì thực hiện. Lấy lá cà dập dập ra tưa qua vài lượt cho con là được. Nhớ là lúc tưa làm 1 mình, không để cho ai biết".
Bà mẹ có nickname Nguyệt Tẹt bổ sung thêm: "Mình thì giã 7 ngọn giá và 7 lá hẹ (con trai, con gái thì lấy 9). Sau đó lấy cái rơ lưỡi của trẻ em chấm vào nước và khua hàm trên hàm dưới. Trộm vía con mình giờ 5 tháng đang mọc 2 răng và không thấy bị sốt".
Ngoài ra, còn một số mẹo hay theo dân gian nữa như: khi trẻ bị trớ, mẹ tìm đọt tre (cái lá non nhọn hoắt ở đầu túm lá tre ấy) đun nước cho bé uống (con trai lấy 7 đọt, con gái lấy 9 đọt). Trước khi cho bé ăn dặm, các mẹ luộc cà rốt rồi cho bé uống xíu nước luộc đó để tráng ruột, chắc chắn bé sẽ ít đi ngoài hơn hẳn. Khi con bị tiêu chảy, phân xì xoẹt, mẹ cũng có thể áp dụng bài thuốc này sẽ đỡ ngay.
Bác sĩ nói gì về phương pháp dân gian này?
Trả lời thắc mắc của các bà mẹ về tính hiệu quả của phương pháp tưa lá hẹ giúp giảm sốt khi mọc răng cho trẻ, thạc sĩ, bác sĩ Đào Hữu Minh, Phó khoa phụ trách khoa Khám bệnh- BV Y học cổ truyền Trung ương cho biết: “Chuyện trẻ không bị sốt mọc răng nếu dùng nước lá hẹ bôi vào lợi khi trẻ được 3 tháng 10 ngày chỉ là phương pháp dân gian được các mẹ mách nhau. Tới nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều đó là đúng”.
Bác sĩ Minh phân tích thêm: Theo Đông y, lá hẹ có tính ấm, có tác dụng kháng viêm, diệt khuẩn và có thể dùng trong trường hợp trẻ bị viêm lợi, đau nhức răng. Do vậy, khi trẻ tới tháng tuổi mọc răng, bị sốt bố mẹ có thể dùng lá hẹ đắp lên vùng lợi trên và vùng lợi dưới của trẻ.
Thực hiện bằng cách: chọn lá hẹ tươi rửa sạch, giã lấy nước cốt. Sau khi trẻ bú khoảng 30 phút, các mẹ rửa sạch tay và quấn gạc tiệt trùng ở ngón tay trỏ chấm nhẹ vào nước cốt và đẩy nhẹ vào các lợi trên và dưới của trẻ vài lần.
Còn theo Bác sĩ Nguyễn Văn Lân – Viện Y học cổ truyền Quân đội cho biết, phương pháp dùng lá hẹ ép lấy nước bôi vào nướu của con khi trẻ 3 tháng 10 ngày giúp bé không bị sốt khi mọc răng là theo quan niệm dân gian và đã có người làm an toàn cho con. Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý phải làm rất sạch, rửa sạch lá hẹ rồi mới ép lấy nước để tưa nướu cho trẻ.
“Thông thường lá hẹ có tác dụng rất tốt chữa ho, có thể dân gian mới thêm công dụng này của lá hẹ. Với trẻ sốt mọc răng, nếu sốt trên 38,5 độ, các mẹ nên cho con uống thuốc Tây hạ sốt. Còn trẻ sốt nhẹ, dưới 38,5 độ, các mẹ nên cho trẻ uống nước nhọ nồi, rau má (Một hoặc 2 loại nước đó, rau má là an toàn nhất).
Rau má, nhọ nồi cần rửa thật sạch, vắt lấy nước cho trẻ uống. Liều lượng theo cân nặng của các bé, các mẹ có thể tự ước lượng được vì chúng là những bài thuốc rất lành. Nhiều người thường hay bọc đá nhỏ chườm vào chỗ nướu sưng của con, tuy nhiên tôi không ủng hộ phương pháp đó”, bác sĩ Lân chia sẻ.