Đi chợ, cẩn trọng với đủ các chiêu "móc túi" của tiểu thương

22:10, Thứ tư 11/06/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Hàng ngày đi chợ, rất nhiều các chị, các mẹ bị những người bán hàng "móc túi" với đủ các chiêu gian lận. Để bảo vệ mình, chị em cần nhìn nhận rõ những chiêu trò đó.

Cân điêu - đủ kiểu mánh khóe, lừa đảo

Khi đi chợ mua các nhu yếu phẩm như thịt, cá ngoài chợ thị sẽ phải đối mặt với vấn đề gian lận, cân thiếu. Những dòng cân điện tử đã bị bị chỉnh sửa cân, các thông số kĩ thuật để phục vụ mục đích trục lợi, moi tiền từ túi khách hàng. Không phải là người mua không biết là có gian lận, nhưng không phải ai đi chợ cũng có mang theo cân bỏ túi để cân lại, mà cho dù phát hiện gian lận thì cũng không làm gì được người bán khi mà họ nói lý do như do vận chuyển, do cân nhiều, hay do cân cũ… Dù là ở mỗi chợ đều có các cân đối chứng đặt tại các sạp để người tiêu dùng kiểm tra nhưng hiệu quả mang lại không cao.

lừa đảo ngoài chợ cân điêu

Thủy, hải sản, gia cầm... là những mặt hàng có nguy cơ bị cân “điêu” nhất (Ảnh minh họa)

Bà Sâm ở Đống Đa thì gặp một tình huống khác khiến bà hứa không bao giờ quay lại một hàng bán đồ hải sản tôm cua cá ở chợ Ngô Sĩ Liên. Hôm đó bà mua một cân sò huyết về làm bữa nướng cho cả nhà. Khi mua, bà đã cẩn thận cảnh báo người bán hàng là phải cân đủ vì ở nhà cũng có cân để kiểm tra. Tưởng "dọa" thế thì sẽ được bán đúng, ai ngờ sò mang về nhà cân lại thiếu hẳn 2 lạng. Không tặc lưỡi bỏ qua như những người khác, bà Sâm xách luôn sò ra chợ đòi lại đầy đủ số tiền bị cân thiếu.

Chuyện cân "điêu" như trên là một trong những chiêu gian lận phố biến nhất và chưa có hồi kết của các tiểu thương ở chợ. Chênh lệch phổ biến nhất là một đến 2 lạng trên một cân. Thậm chí có hàng còn sắm hẳn hai cái cân, một cân đúng và một cân thiếu để dùng khi "phù hợp".

Một lần đi chợ Nhà Xanh ở đường Cầu Giấy mua hoa quả, chị Nguyễn Hoàng Hà, 34 tuổi, hỏi mua xoài Thái thì được "hét" giá 70.000 đồng một cân. Mặc dù biết bị đắt, nhưng đang cần mua quả ngon để đi biếu nên chị mặc cả: "Em sẽ không trả giá đồng nào, nhưng chị cân đúng và chọn 4 cân ngon giúp em nhé". Biết vớ được khách sộp nên cô bán hàng vui vẻ lôi từ sau thùng hàng ra một cái cân khác, đon đả nói: "Với em thì chị dùng cái cân này mới đúng, đấy em xem, lệch hẳn 4 lạng nhé". Mua bán xong, cô bán hàng còn dặn chị lần sau nhớ quay lại mua nhưng chị Hà bụng bảo dạ rằng "xin cạch".

Nổi tiếng nhất nhì về nạn "cân điêu" tại Hà Nội phải nói đến chợ Ngã Tư Sở. Những khách hàng quen mua tại chợ này đều thuộc nằm lòng phương châm phải mặc cả giá thật sát, vì đằng nào cũng sẽ bị cân thiếu vài lạng một cân nên trả đúng giá thì càng thêm thiệt.

Với những người có thời gian thì sẽ chấp nhận đi các khu mua sắm, siêu thị để mua. Dù đắt hơn bên ngoài nhưng không sợ bị cân thiếu.

Tráo hàng nhanh như chớp

Cân điêu bán thiếu nhưng được hàng ngon hàng tốt đã đành, đằng này chị em còn bức xúc khi bị tráo hàng tốt đã chọn mua ban đầu thành những hàng ôi thiu. Việc tráo đổi này được các tiểu thương ngoài chợ thực hiện nhanh trong nháy mắt.

Chị Thu ở Cầu Giấy trong một lần đi chợ Nghĩa Tân, phân bua với những người xung quanh: "Tôi chọn hai con cá còn sống, quẫy đuôi bùm bụp, đưa cho hai ông này để làm cá. Mà mắt trước mắt sau thế nào, trong lúc làm họ đổi một con thành cá bé hơn, còn một con là cá chết". Sau một hồi tranh cãi, chủ hàng cá đành nhân nhượng và hứa sẽ làm lại cho chị hai con khác. Nhưng "cục tức" đã dâng tận cổ rồi nên chị Thu quyết định sang hàng khác mua, không trả tiền cho hai con cá đã làm.

Không phải là nạn nhân duy nhất của chiêu tráo hàng ở chợ. Trên một diễn đàn dành cho các bà mẹ, một thành viên bức xúc kể chủ nhật tuần trước, chị đi mua và chọn được 4 con lươn tươi về nấu cháo cho con ăn. Về đến nhà, mở ra thì thấy 2 con đã bốc mùi. Mang lươn ra tận nơi mua hỏi lại, người bán chối quanh, nhưng những tiểu thương gần đó cho biết tráo đồ tươi với đồ ươn đã là chiêu quen thuộc của bà bán hàng trên.

Dùng máy tính bấm nhưng vẫn tính sai

Chị Trang, Hà Đông đi chợ Mỗ Lao, đã bức xúc chia sẻ với chị em đồng nghiệp, tin tưởng người bán hàng đã dùng máy tính để bấm giá tiền nên chị không nhẩm lại và bị người bán hàng nói bổng từ 86 nghìn lên tới hơn 200 nghìn.

Không chỉ chị Trang, trên một trang diễn đàn, đã có rất nhiều chị em chia sẻ về việc bị lừa bởi chiêu này của các tiểu thương. Vì tin tưởng tiểu thương đã dùng máy tính để tính, nên chỉ về đến nhà các chị mới ngã ngửa người biết mình bị lừa. Lúc đó nếu nhà xa thì đành ngậm ngùi chịu thiệt, còn nếu nhà gần thì khi quay lại chị em sẽ nhận được những lời giải thích đại loại như: "Xin lỗi nhé, chắc do bấm máy tính nhầm".

Cân điêu bán thiếu có thể bị phạt tù 7 năm

Theo quy định tại Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26-9-2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ, đối với phương tiện đo nhóm 2, thì cân đồng hồ lò xo, cân bàn là loại phương tiện đo bắt buộc phải kiểm định và có chu kỳ kiểm định là 1 năm.

Nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với  lĩnh vực đo lường và chất lượng hàng hóa quy định tiểu thương cân gian sẽ bị phạt từ 300.000 – 500.000 đồng, mức phạt còn tăng lên từ 4 - 7 triệu đồng nếu tái phạm. Quy định này dường như vẫn chưa được áp dụng nhiều trên thực tế mặc dù tình trạng cân điêu, giạn lận đang có chiều hướng gia tăng và “hoành hành” ở nhiều nơi, hơn nữa mức phạt cao nhất lên đến 7 triệu đồng, có vẻ như chưa đủ răn đe người có hành vi gian lận trong cân, đo. Bởi lẽ lợi nhuận từ việc cân điêu đem lại lớn hơn rất nhiều so với chế tài xử phạt.

Luật sư Bùi Việt Anh, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: “Cần phải xử phạt nghiêm những cơ sở “độ”, làm lại cân, cũng như người bán hàng mà sử dụng thủ thuật cân điêu đối với người tiêu dùng. Hành vi cân điêu là hành vi gian dối, thu lợi bất chính công khai giữa, ban ngày. Do đó phải tiến hành kiểm tra, lập biên bản và xử phạt hành chính. Trong trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành tội “lừa dối khách hàng” theo Điều 162 Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án hình sự và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này. Chúng ta phải làm dứt khoát, triệt để thì “nạn” cân điêu mới giảm và quyền lợi người tiêu dùng mới được đảm bảo”

Được biết, để đối phó với tình trạng cân “điêu”, Ban quản lý các chợ trên địa bàn tỉnh cũng đều có đặt 1 hoặc 2 cân đối chứng cố định tại một điểm, để khách hàng kiểm tra trọng lượng của hàng hoá. Tuy nhiên, do số lượng ít, nhiều người không biết hoặc khu vực để cân đối chứng lại xa nên những chiếc cân đối chứng này đã không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng ban đầu.

Cách tốt nhất vẫn là các chị em tự cứu mình, tỉnh táo nhận biết các chiêu trò lừa đảo này để trở thành những bà nội trợ thông thái.

Để phòng ngừa bị cân thiếu, những người nội trợ đã rỉ tai nhau những mẹo nhỏ như sau :

+ Mua một chiếc cân bỏ túi là tốt nhất, dùng để kiểm chứng là tốt nhất

+ Dùng các mẹo vặt như cân sẵn một bình nước với trọng lượng 0,5 kg hay 1kg, thậm chí là mũ bảo hiểm, điện thoại, rồi khi ra để lên bàn cân của người bán là biết được cân đúng hay sai

+ Cũng có thể dùng cân đối chứng tại các chợ (ít hiệu quả)

 

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: