Thoa son sau ăn
Đây là lỗi rất thường gặp của nữ giới mà họ lại ít biết về điều này. Ngay cả khi làm sạch răng miệng, bạn vẫn không thể chắc chắn rằng các phân tử thức ăn không sót lại và dính vào thỏi son yêu thích, đặc biệt đối với loại son bóng. Vi khuẩn cư ngụ ở đó và làm bạn bị nhiễm khuẩn lại ngay cả những lần trang điểm sau. Bên cạnh đó, trong những bữa tiệc bạn biết chắc phải ăn uống nhiều, thoa son môi dày là điều không thật sự cần thiết.
Cọ đa năng
Mỗi cây cọ đều có một công dụng khác nhau tùy theo thiết kế. Nhưng do tiện tay hoặc ngại sử dụng nhiều cọ mà ta có thể dùng một cây cho nhiều tính năng khác nhau. Điều đó sẽ thay đổi tính chất của sản phẩm cũng như trộn lẫn nhiều chất bẩn từ các vùng da với nhau. Khi ấy, bạn sẽ thấy tuổi thọ của cây cọ giảm nhanh hơn bình thường cũng như sản phẩm trang điểm của bạn mau xuống cấp hơn.
Mascara
Mỗi lần bạn đút cọ mascara vào lọ để lấy thêm keo là mỗi lần đưa vi khuẩn từ lông mi vào ống mascara. Môi trường trong lọ tối và đủ độ ẩm để vi khuẩn có thể sinh sôi nảy nở. Đây là điều khó tránh khỏi. Vì vậy các chuyên gia khuyên bạn nên cho cọ vào lọ theo cách vừa đút vừa xoay tròn đều để không khí ít lọt vào nhất có thể. Và hơn cả, một lọ mascara không nên dùng quá ba tháng.
Hắt hơi
Đây là điều vô ý và khó tránh khỏi, nhất là khi bạn đang ở trong một môi trường nhiều son phấn, với các tinh thể bụi mỹ phẩm li ti trong không khí. Tuy nhiên, việc hắt hơi mà không che mũi sẽ khiến vi khuẩn từ bạn nhanh chóng xâm chiếm các sản phẩm đang để hở như kem nền, phấn mắt, mascara... Tốt nhất, khi cảm thấy muốn hắt hơi, bạn nên quay mặt sang chỗ khác.
Lọ miệng lớn
Những loại kem dưỡng da, dưỡng thể chứa trong các lọ miệng rộng sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn mỗi khi ta cho tay vào lấy kem. Tương tự, các hũ lớn chứa gel dưỡng tóc, chất tẩy tế bào chết tự chế hay muối biển cũng là nơi lý tưởng để chứa vi khuẩn. Các lọ có miệng càng nhỏ thì khả năng nhiễm khuẩn càng giảm. Bạn có thể lấy kem bằng tấm bông hay lấy muối biển bằng thìa sẽ ít nhiễm khuẩn hơn.
Chia sẻ đồ trang điểm
Đây là điều không nên làm, cũng như việc mượn đồ trang điểm của nhau cũng không được hợp vệ sinh, nhất là khi ta không biết được thói quen sạch sẽ của người xung quanh như thế nào. Một số món đồ trang điểm dễ nhiễm khuẩn mà bạn tuyệt đối không thể cho mượn hoặc dùng chung là kem dưỡng, kem nền, mascara hay son môi.
Không giặt cọ/bông trang điểm thường xuyên
Sử dụng những loại bông mút bẩn và lâu ngày, bạn có thể nhiễm nhiều loại vi khuẩn gây mụn nhọt và làm da mặt kém mịn màng. Những chiếc bông mút thoa phấn cần được giặt sạch thường xuyên. Thời điểm thích hợp để bạn làm sạch bông trang điểm là 1 tuần/lần.
Đối với những loại cọ trang điểm và cọ mút, thời điểm thích hợp để bạn làm sạch chúng là 1 tháng/lần. Ngoài ra, trước mỗi lần sử dụng, bạn nên phủi sạch các loại bụi bẩn và lớp màu phấn đã dùng trước đó.
Không thay đổi son môi sau khi bị cảm
Thỏi son của bạn chắc chắn đã chứa virus cúm sau khi bạn bị cảm cúm. Chính vì thế, bạn nên thay đổi thỏi son đó sau mỗi lần khỏi ốm. Để tiết kiệm, bạn có thể không thoa son khi đang ốm.
Không rửa sạch tay trước khi trang điểm
Dù làm bất cứ việc gì ảnh hưởng tới vùng da mặt và cơ thể, bạn cũng cần đảm bảo rằng tay bạn đã ở trạng thái sạch sẽ nhất. Khi thoa kem hay thoa phấn bằng tay bẩn, bạn sẽ vô hình chung đem vi khuẩn từ tay lên các vùng da. Như vậy, các loại kem dưỡng sẽ không phát huy được tác dụng của chúng và gương mặt có thể sẽ nổi mụn.
Không bao giờ làm sạch túi trang điểm
Nếu bạn đã tốn công giữ sạch các món đồ trang điểm của mình, thì hãy bỏ thêm chút thời gian làm sạch nơi chứa đựng nó như túi xách hay ngăn tủ. Bụi bẩn dễ dàng làm nhiễm khuẩn đồ dùng mà bạn không hề hay biết. Vì thế, mỗi tháng một lần là thời hạn thích hợp cho việc làm sạch nơi cất đồ trang điểm.