1. Cắn móng tay
Thói quen cắn móng tay là biểu hiện của việc trẻ đang cảm thấy nhàm chán hoặc có áp lực tâm lý. Thói quen này là một trong những tác nhân truyền bệnh và có hại cho làn da xung quanh móng tay. Để khắc phục tình trạng này, bạn nên để bé tham gia các hoạt động nhẹ nhàng như đi dạo, nghe nhạc, vẽ tranh… để làm bé vui, phấn chấn và tập trung tinh thần vào hoạt động khác.
2. Được ôm mới đi ngủ
Được ôm mới đi ngủ là thói quen xấu do người lớn tạo ra cho bé khi thấy bé ngủ hay giật mình, ngủ không sâu. Chỉ cần vài ba lần, bé sẽ “quen hơi”, khi không có người ôm đi ngủ, bé sẽ rất nhanh bị giật mình tỉnh giấc. Để bé tự bỏ được thói quen này, bạn nên tránh chiều chuộng con; nếu đã lỡ làm cho bé quen thì bạn có thể từ từ tập lại cho con ngủ mà không cần bạn ôm. Hãy chấp nhận việc bé bị ngủ giấc ngắn 1 thời gian khi chưa quen cảm giác mới.
Thực tế thì khi ngủ 1 mình, nằm sải tay chân thoải mái thì giấc ngủ bé mới trọn vẹn. Lúc này, bạn cũng có thời gian làm việc khác thay vì cứ ôm cho con ngủ.
3. Vừa ăn vừa uống
Nhiều mẹ vì sợ con mắc nghẹn khi ăn nên hay cho ăn theo kiểu vừa ăn vừa uống. Các nhà dinh dưỡng học cho rằng, thói quen này sẽ làm cho quy trình tiêu hóa bị ảnh hưởng, vì nó làm tăng kích thích của dạ dày. Khi vừa ăn vừa uống nước, bé sẽ không ý thức được thức ăn trong miệng, sẽ không lựa chọn được cách nuốt phù hợp, không thể tập nhai khi đến tuổi. Uống nước còn gây cảm giác no ảo, làm bé ăn được ít, dễ gây biếng ăn, mặt khác còn có thể gây ra một vài triệu chứng như đau bụng, hay ợ hơi.
Như vậy, nếu sợ con mắc nghẹn thì bạn có thể chế biến món cháo loãng hơn 1 chút cho bé. Khi con đã hoàn thành xong bữa ăn thì bạn có thể cho bé uống nước lọc hoặc nước trái cây nào tùy thích.
4. Ngoáy mũi
Thói quen ngoáy mũi sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn qua đường mũi, đồng thời dễ dàng lây lan mầm bệnh cho người khác. Nếu bé có tật xấu này, bạn nên nhắc bé không được ngoáy mũi, phải rửa tay sạch sẽ và dùng khăn sạch, mềm để làm vệ sinh mũi.
5. Xem tivi, chơi điện tử
Thói quen xem tivi, chơi điện tử là thói quen rất có hại cho sức khoẻ của trẻ em. Để hạn chế tác hại của thói quen rất khó bỏ này của bé, bạn nên đề ra quy định nghiêm về việc xem tivi và chơi điện tử: bạn không nên để tivi trong phòng bé, không để bé vừa ăn vừa xem tivi, thời gian cho bé chơi điện tử không quá 2 giờ đồng hồ mỗi ngày.
6. Kén ăn
Các chuyên gia về trẻ em cho rằng kén ăn là phản ứng bình thường của trẻ em trong một giai đoạn nhất định. Việc trẻ kén ăn tức là bé chỉ thích ăn một số ít món sẽ khiến dinh dưỡng của trẻ không được cân bằng. Vì vậy, khi trẻ không chịu ăn một món ăn mới, bạn hãy kiên nhẫn thay đổi cách chế biến, trình bày và cho bé thử lại nhiều lần sau đó.
7. Giờ ăn là ra đường
Khi con biếng ăn, quấy khóc là bố mẹ lại đưa bé ra đường, vừa dạo chơi vừa cho ăn. Thực ra thì dù có cho bé la cà ngoài đường thì tình trạng biếng ăn của bé vẫn không được cải thiện mà đôi khi còn trầm trọng hơn. Việc lang thang ăn ngoài đường sẽ làm bụi bẩn, vi khuẩn dễ xâm nhập vào chén cháo của bé, bé nuốt 1 cách máy móc, không có phản xạ nhai, dễ nôn ói khi không xử lý được với thức ăn thô, giờ ăn kéo dài, rối loạn hấp thu…
Tốt nhất bạn nên tập cho bé ngồi ngay ngắn khi ăn, tắt hết TV, cất đồ chơi và chỉ tập trung vào bữa ăn. Bữa ăn của bé chỉ nên kéo dài 30 phút, nếu không hết chén cũng phải chấm dứt để tạo thói quen cho bé có trách nhiệm hoàn thành bữa ăn tốt hơn.
8. Mút tay
Mút tay là thói quen mà hầu hết trẻ trong giai đoạn bắt đầu mọc răng thường làm vì việc đó làm lợi bé dễ chịu, ngoài ra, khi thèm sữa bé cũng hay thích mút tay. Thói quen này không những dễ đưa vi khuẩn vào miệng mà còn làm biến dạng ngón tay, làm ngón bị mút ngày càng nhỏ hơn so với các ngón còn lại và quan trọng hơn là thẩm mỹ của con bạn trong mắt người khác, khi bé lớn lên, sẽ xấu đi rất nhiều. Cha mẹ có thể giúp con bỏ thói quen này bằng cách thường xuyên lấy tay bé ra ngay khi thấy bé cho vào miệng, trao cho bé những món đồ chơi gặm nướu, cho bé bú kịp thời.
9. Ngậm thức ăn
Một số bé có thói quen ăn ngậm Thói quen này sẽ khiến men tiêu hóa thức ăn ở tuyến nước bọt chuyển hóa thức ăn thành đường, tạo nên vị ngọt khiến bé càng thích ngậm lâu hơn. Lượng đường có trong các loại thức ăn bám vào răng trong một khoảng thời gian dài sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn xâm nhập và dễ làm sâu răng của bé.
10. Không ăn sáng
Đối với trẻ em, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Nếu không ăn sáng thì trẻ sẽ không đủ dinh dưỡng đảm bảo hoạt động thể chất và tư duy, đồng thời còn làm tăng nguy cơ béo phì.
Vì thế, bạn cần sắp xếp thời gian cho bé một cách hợp lý để bé kịp ăn sáng trước khi đến trường. Bữa sáng nên có các món ăn giàu protein, chất xơ như trứng, sữa, ngũ cốc, pho-mát ít béo…