Chiêu thức lừa đảo trắng trợn gia đình bệnh nhân tại bệnh viện

15:48, Thứ tư 26/03/2014

( PHUNUTODAY ) - Các chiêu thức lừa đảo của đối tượng này không còn mới. Tuy nhiên, vì quá cần tiền nên những người bệnh vẫn tin và bị lừa.

Nhiều đối tượng đã nhẫn tâm khi tìm cách lừa đảo người bệnh và người nhà của họ, dù số tiền không nhiều. Với người bệnh vốn đã "nghèo lại mắc cái eo" nên tưởng đó như là một sự cứu vớt và tìm đến để rồi rất dễ rơi vào cái bẫy mà các đối tượng lừa đảo giăng sẵn. Các chiêu thức lừa đảo của đối tượng này không còn mới. Tuy nhiên, vì quá cần tiền nên những người bệnh vẫn tin và bị lừa.

Bên cạnh những đối tượng lừa đảo thì còn có nhiều tấm lòng hảo tâm.

Nghèo lại gặp eo

Mới đây, chúng tôi nhận được đơn thư phản ánh của một nạn nhân tên Huỳnh Thị B., ngụ tại Tiền Giang về việc bị các đối tượng lừa đảo. Theo đó, bà B. đang bị bệnh hiểm nghèo, nằm điều trị tại một bệnh viện tại TP.HCM. Vào một ngày, bà B., bỗng nhận được điện thoại của người giới thiệu là cán bộ điều hành cho một tổ chức phi Chính phủ đang hoạt động tại Việt Nam.

Biết bệnh tật của bà B., đồng thời, thấy hoàn cảnh gia đình bà khó khăn nên tổ chức quyết định hỗ trợ số tiền 120 triệu đồng giúp bà chữa bệnh. Tưởng gặp được thần may, bà B., hỏi cách thức, thủ tục để nhận tiền. Biết "cá cắn câu", đối tượng này chỉ cho bà B. làm các thủ tục như photo (không cần công chứng) các loại giấy tờ: Án bệnh, hộ khẩu, bảo hiểm y tế, giấy hộ nghèo... gửi theo địa chỉ cho sẵn.

Đây cũng là chiêu để chúng tạo lòng tin cho người bệnh. Đối tượng này còn yêu cầu bà B. mang 12 triệu đồng ra ngân hàng nộp vào tài khoản cá nhân tại một ngân hàng định sẵn.

"Đây là 10% tiền thuế thu nhập cá nhân tôi phải nộp. Khi tôi chuyển tiền xong thì đến bộ phận khách hàng cá nhân của ngân hàng đó để rút số tiền 120 triệu đồng", đối tượng đó nói. Tôi cũng làm theo và chạy vạy khắp nơi để có 12 triệu đồng để nộp cho chúng và đến khi thắc mắc cán bộ ngân hàng thì mới biết mình bị lừa. 
Hỏi lại cán bộ ngân hàng có cách nào để lấy lại tiền không thì họ nói tài khoản đó đã bị rút rồi.

Cũng tương tự, ông Nguyễn Tấn H., ngụ tại TP.HCM đã viết đơn tố cáo đối tượng N. vì liên quan tới việc lừa của ông 6 triệu đồng. Ông H., cho hay, đối tượng N. đã móc nối với một đối tượng nữa để lừa ông chạy dự án "hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo". Để làm tin, các đối tượng này cho biết có quen nhiều lãnh đạo tại TP.HCM, bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nên "rủ lòng thương" hoàn cảnh của ông H. bị bệnh, đang điều trị tại bệnh viện Ung Bướu để giúp đỡ. Bọn chúng cho biết, để nhận được số tiền trên 50 triệu đồng từ dự án này, ông H. phải bỏ ra một khoản phí "trà nước" cho các lãnh đạo với số tiền khoảng 6 triệu đồng.

Dù khó khăn, lại tin tưởng kẻ lừa đảo, ông H. đã vay mượn và đưa cho bọn chúng số tiền nói trên. Khi nhận tiền đối tượng N. cho biết, khoảng một tuần sau thì ông H. sẽ nhận được tiền. Thế nhưng chờ cả tháng sau cũng không thấy. Gọi điện mấy lần đầu thì đối tượng N. cho biết là hãy chờ. Đến các lần sau thì đối tượng này tắt máy.

Cũng theo nguồn tin của chúng tôi thì mới đây, ông Hồ Tấn Tháo (ngụ tại huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cũng suýt bị lừa khi bị đối tượng V., tự xưng là cán bộ của Hội Chữ thập đỏ gọi điện cho ông thông báo sẽ hỗ trợ cho gia đình số tiền 85 triệu đồng. Để làm tin, đối tượng này đã nói vanh vách hoàn cảnh, bệnh tình của gia đình ông và cho biết tổ chức đã tìm hiểu rất kỹ và xét chọn hỗ trợ cho ông.

Bên cạnh đó, đối tượng này cũng kể tên nhiều cán bộ công tác trong Hội và một số cơ quan chức năng khiến ông Tháo rất tin tưởng. Sau khi lấy được lòng tin, đối tượng V. chỉ cách cho ông Tháo đến ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh Thăng Bình nộp số tiền 6,5 triệu đồng vào tài khoản của N. Vì phải chạy vạy khắp nơi mới mượn được số tiền trên, đồng thời sợ bị lừa đảo, nên ông Tháo đã đến Hội Chữ thập đỏ huyện Thăng Bình để hỏi lại và rất may là họ cho biết không có đơn vị nào hỗ trợ cho gia đình ông số tiền nói trên. 

Đến đại gia cũng... ảo

Dù bằng những chiêu thức lừa đảo không mới, thế nhưng nhiều người vì mất bình tĩnh, ham tiền lại gặp khó khăn nên rất dễ bị lừa. Ông Trần Trọng Vinh (đang làm việc cho một tổ chức phi Chính phủ tại TP.HCM) cho rằng, chúng đã đánh vào đúng tâm lý và nhu cầu của người bệnh đang rất cần số tiền đó.

Ai cũng suy nghĩ rằng, để bắt được con tôm thì phải thả con tép nên chấp nhận và tìm cách để đáp ứng yêu cầu của các đối tượng lừa đảo đưa ra. Hơn nữa, trong các trường hợp trên, theo tôi, các đối tượng lừa đảo đã tìm hiểu kỹ về hoàn cảnh của người bệnh để tăng tính thuyết phục, từ đó yên tâm giao tiền.

Đặc biệt, khi lừa đảo, các đối tượng này còn lấy danh nghĩa của các tổ chức từ thiện, Hội Chữ thập đỏ, hay các tổ chức phi Chính phủ... Do vậy, khi ai đó nhận được yêu cầu giúp đỡ, đặc biệt là liên quan tới tiền bạc thì phải hết sức cẩn trọng. Bởi, thông thường khi có sự giúp đỡ nào đó thì các tổ chức luôn thực hiện một cách công khai và thông qua chính quyền địa phương hoặc bệnh viện nơi bệnh nhân nằm điều trị để hỗ trợ cho người bệnh, chứ không ai làm lén lút.

Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM là nơi tập trung các đối tượng bệnh nhân hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn cũng là nơi thường được các đối tượng cò mồi, lừa đảo nhắm tới hoạt động.

TS-BS Phạm Xuân Dũng, Phó Giám đốc bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết, tại bệnh viện Ung Bướu, Ban Giám đốc bệnh viện luôn nhắc nhở thường xuyên cán bộ, công nhân viên không được thực hiện hành vi móc nối với các "cò" hay đối tượng lừa đảo để kiếm tiền. Trường hợp nào vi phạm thì đã được nhắc nhở, xử lý, dù vô tình hay cố ý.

Thông thường, các đối tượng này chặn người bệnh và người đi khám bệnh ở ngay cổng bệnh viện để chèo kéo, dụ dỗ. Còn vào trong khuôn viên nhiều bệnh viện đã có loa phóng thanh, có dán bảng, lực lượng bảo vệ bệnh viện... nên người bệnh sẽ biết và cảnh giác hơn.          

Theo ông Phạm Văn Trọng, nguyên Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Việt Nam khu vực phía Nam, thời gian qua có rất nhiều đối tượng lừa đảo, hứa hão. Bên cạnh những vụ việc lừa đảo người bệnh, người có hoàn cảnh khó khăn thì còn xuất hiện nhiều đại gia hứa tặng, hỗ trợ cho các chương trình nhân đạo với số tiền khủng, nhưng khi đến quyên góp thì chẳng thấy đâu. Đây là vấn đề khiến Hội chữ thập đỏ luôn đau đầu tìm cách xử lý và ứng phó.

Các chương trình của Hội đều công khai và chuyên nghiệp

Ông Lê Quang Ninh, Chủ tịch Hội chữ thập đỏ TP.HCM cho biết, tất cả các chương trình của Hội đề ra được thực hiện một cách công khai và có địa chỉ, cách thức làm việc chuyên nghiệp. Không có chuyện cán bộ yêu cầu người bệnh hay các đối tượng được hỗ trợ khác đi đóng bất cứ khoản phí nào. Nếu phát hiện trường hợp nào liên quan kiểu làm việc như trên thì người dân nên cảnh giác và báo cho chính quyền hoặc công an địa phương để xử lý.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link