Không phân biệt được thuốc u cơ và u thận?
Sự việc xảy ra đầu tháng 6 vừa qua, khi chị V. (mẹ cháu T. K. L.) tá hỏa khi thấy ống thuốc tiêm cho con gái mình ghi tên bé trai N. V. T. (3 tuổi) nằm cùng giường. Ngay sau đó, hai gia đình cuống cuồng hỏi nhân viên điều dưỡng tên Dung vừa tiêm xong cho con mình tại sao lại có sự nhầm lẫn như vậy. Thế nhưng, trái với mong đợi của gia đình, điều dưỡng này xua tay như chưa hề có chuyện gì xảy ra và tỉnh bơ nói rằng việc tiêm nhầm kháng sinh giữa bệnh nhi này và bệnh nhi khác không gây nguy hiểm.
Chị V. mẹ cháu gái T. K. L. bức xúc: “Một cháu nằm đầu giường, một cháu nằm cuối giường, lại một trai một gái, độ tuổi cũng cách xa nhau vậy mà cô ấy vẫn tiêm nhầm. Tôi đã phản ánh với cô ấy, nhưng cô ấy thản nhiên bảo không việc gì. Tôi cũng không nhớ chính xác tên thuốc đó là thuốc gì chỉ biết cô điều dưỡng bảo là thuốc kháng sinh. Tôi rất lo lắng, con bị tiêm nhầm thuốc ai mà không sợ, nhưng không dám hỏi nhiều, chi tiết loại thuốc đó là thuốc gì và ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của cháu”.
Giường bệnh cháu N. V. T và cháu T. K. L nằm chung. |
Được biết, hai cháu T. K. L. và Ng. V. T. đều mắc bệnh hiểm nghèo. Hai gia đình lại từ quê lên thành phố chữa bệnh. Vì vậy: "Chúng tôi rất sợ làm ầm lên thì con chúng tôi là người chịu thiệt thòi" - chị T.K.L tâm sự.
Thế nhưng, sự việc không dừng ở đó, một lần nữa, cháu T.K.L lại bị tiêm nhầm hóa chất với bệnh nhi N. ở phòng bên cạnh bị ung thư máu. Việc này chỉ phát hiện khi chị mẹ cháu N. chạy sang bảo với chị V. rằng cô điều dưỡng tiêm nhầm thuốc của hai cháu với nhau.
Cực chẳng đã, chị V. đã tìm đến điều dưỡng Dung để phản ánh: "Tôi định đi tìm cô Dung làm rùm beng lên để hỏi cho ra nhẽ, nhưng để giữ thể diện cho cô ấy, tôi hỏi nhỏ thì nhận được câu trả lời: “Nhà chị biết thuốc ấy không phải là thuốc tiêm cho con chị thì chị bảo tôi đừng tiêm nữa”(?!).
Coi thường tính mạng bệnh nhân?
Chị V cho biết, sau khi con bị tiêm nhầm thuốc có biểu hiện sốt cao liên miên từ chiều cho đến tối. Linh tính mách bảo chuyện chẳng lành, chị V. đã báo lên các bác sỹ về trường hợp con mình và được giải thích lượng thuốc bị tiêm nhầm mới chỉ có 1/10 xilanh (khoảng 30cc). Nhưng câu trả lời từ bác sỹ không làm chị V. thấy an lòng: “Khi tôi hỏi các bác sỹ liệu có phải do tiêm nhầm thuốc mà cháu bị sốt cao như vậy, một bác sỹ bảo cháu bị di căn. Nhưng có điều sao lúc chưa tiêm nhầm thuốc cháu không bị sốt cao như vậy mà lúc tiêm xong lại sốt” - chị V. bức xúc.
Chị H. (mẹ cháu N. bị tiêm nhầm thuốc) cũng bức xúc: “Từ hôm cháu bị tiêm nhầm thuốc không ăn uống gì, không biết có phải do cháu bị tiêm nhầm thuốc hay nguyên nhân nào khác dẫn đến như vậy? Cháu bị tiêm nhầm hết cả xilanh thuốc vào trong người, sau đó cháu sốt liên tục. Khó có thể do viêm nhiễm bởi vết mổ của cháu đã hơn một tháng và lành trở lại rồi.
Khi cháu bị tiêm nhầm hóa chất, tôi hỏi cô điều dưỡng tiêm cho cháu là có sao không thì bác sỹ bảo “cùng là ung thư thì hóa chất nào chả là điều trị được ung thư(?!)”. Còn khi tôi hỏi sao cháu ốm thế thì các bác sỹ bảo cháu bị di căn. Vì cháu bị tiêm nhầm vào người một lượng lớn nên các bác sỹ bảo cần phải theo dõi thêm. Cháu nhà tôi lên 3 tuổi, nhưng đi viện hơn một năm nay rồi, cứ đi rồi về, khi có triệu chứng sốt xuất huyết, hay triệu chứng thay đổi sẽ điều trị ở viện ít nhất cũng từ một- hai tuần. Không biết cháu có bị làm sao không, bây giờ gia đình chỉ biết trông chờ vào bác sỹ”.
Không dám tố vì sợ bị... "trù"
Không chỉ người nhà các bệnh nhân bị tiêm nhầm thuốc bức xúc mà nhiều gia đình có con em đang điều trị tại đây tỏ ra hết sức lo lắng trong quá trình điều trị của con em mình.
Nhiều người nhà bệnh nhân tại khoa Ung bướu (BV Nhi TƯ) rất lo lắng. |
Chứng kiến vụ việc tiêm nhầm thuốc, mẹ một bệnh nhi cùng phòng với cháu N. bị ung thư máu cho biết, khi có chuyện gì xảy ra ở đây mọi người không dám phản ánh, tố cáo vì các con thường bị bệnh nan y phải điều trị lâu dài, nếu làm to chuyện chỉ sợ các y bác sỹ không nhiệt tình với các con. Chị này nói: "Tôi cũng bức xúc và lo lắng lắm. Ai biết được những trường hợp bị nhầm lẫn tiếp theo không phải là con em chúng tôi? Điều đáng buồn, người tiêm nhầm cho các cháu là điều dưỡng Dung, cô này không phải là người ít kinh nghiệm bởi 4 năm trước tôi đưa con vào điều trị tại khoa này đã gặp điều dưỡng này rồi".
Một bà mẹ từ Nghệ An có con nhỏ đang điều trị cùng phòng với cháu T. K. L. cũng lo lắng: “Thấy các bác sỹ mổ nhầm, điều dưỡng tiêm nhầm thuốc, tôi thấy sợ và hoang mang lắm. Không phải nhầm vì các cháu trùng họ tên, mà họ tên khác nhau hoàn toàn, thậm chí có trường hợp còn khác phòng vẫn bị nhầm.
Để chắc chắn và an toàn, trước khi các cô điều dưỡng tiêm cho con tôi thuốc gì tôi phải kiểm tra xem có đúng loại thuốc và đúng tên con tôi hay không. Mỗi lần cháu chuẩn bị tiêm tôi hỏi tiêm thuốc gì và ghi lại tên loại thuốc đó, đến giờ tiêm phải kiểm tra thuốc trước khi đồng ý cho y tá, điều dưỡng tiêm. Hơn nữa, ghi lại để biết là con mình đã được tiêm bao nhiêu mũi trong ngày, nếu có thiếu hoặc thừa còn biết” – bà mẹ này nói.
Một bà mẹ ở Hà Nam cũng có con điều trị tại khoa này cho biết: “Con tôi khi đi xét nghiệm máu cũng bị nhầm tên, khi xét nghiệm xong có kết quả lại là tên người khác. Nhầm vì hai cháu cùng tên là Duy nhưng nhà tôi quê ở Hà Nam, còn cháu kia khác tỉnh. Nói ra sợ các cô ghét nên đành im lặng để con mình được chữa trị một cách tốt nhất”.
Trao đổi với phóng viên, TS Bùi Ngọc Lan (Trưởng khoa Ung bướu, BV Nhi Trung ương) cho biết: “Lượng thuốc hóa chất tiêm nhầm vào người cháu T. K. L. ít nên không đáng ngại, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Trường hợp, cháu N. bị tiêm toàn bộ lượng hóa chất của cháu T. K. L. mới đáng lo ngại, bởi toàn bộ lượng hóa chất đã tiêm vào người nên hiện giờ chúng tôi đang theo dõi, điều trị để giảm bớt những độc tính”. |