Ngày Gia đình Việt Nam: Đau lòng những bữa cơm... dã chiến

09:58, Thứ bảy 28/06/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Con cái chạy theo lịch học kín mít, bố mẹ mải lo công việc... Mạnh ai người nấy ăn đang khiến những bữa cơm sum họp bên gia đình ngày càng vắng bóng.

Những bữa cơm dã chiến trong thời bình

Giờ tan trường vừa điểm, Phạm Khánh Vy (Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã vội vã đi đeo chiếc cặp nặng trịch để đi về phía cổng trường. Anh xe ôm đã chờ sẵn ở đó, Vy chỉ việc leo lên xe. Bánh mỳ thủ sẵn trong cặp, cô bé vừa giở sách, vừa tranh thủ nạp năng lượng để có sức cho buổi học thêm ở khu đô thị Văn Quán (Hà Đông, Hà Nội) cách nhà 13 cây số. Tính ra mỗi tuần, cô bé này phải bở hơi tai để học thêm cho đủ 13 buổi với đủ các môn: Văn, toán, anh, chưa kể trước đó Vy đã phải cắt lịch học đàn, học hát.

bua-com-gia-dinh

Học sinh phải tranh thủ ăn mọi nơi, mọi lúc để kịp giờ học.

Với lịch học dày đặc như thế, Vy thường xuyên ăn những bữa cơm dã chiến tại trường. Trong cặp cô bé luôn có bánh, sữa để bất cứ lúc nào đói cũng có thể ăn. Chị Đinh Thị Quỳnh, mẹ bé Vy còn phải đưa tiền cho anh xe ôm đưa đón để nhờ anh mua bánh mì hoặc cho con ăn phở nếu em muốn. Vy toàn về nhà vào tầm 9 giờ tối. Khi đó, cô bé sẽ ăn cơm một mình với đĩa thức ăn được để phần sẵn.

“Con chỉ thấy buồn là mỗi khi gia đình họp mặt, tiệc tùng, du lịch con đều không được tham gia vì phải học thêm” – cô bé khẽ khàng tâm sự.

bua-an-voi-va

Càng ngày, trẻ em càng quen thuộc với những bữa ăn dã chiến như thế này.

Trong khi trẻ con xoay vần với lịch học hành thì người lớn cũng có bao nhiêu lý do để xao nhãng cơm nhà. Công việc thư ký cần có ngoại hình chuẩn nên cứ sau giờ làm việc, chị Đặng Thị Bích Thủy (Tây Hồ, Hà Nội) lại đến phòng tập thể dục. Thường chị về đến nhà đã là 8 giờ tối. Đi từ sáng đến tối mịt nên chị đã thuê hẳn người giúp việc để lo cơm nước cho con. Con ăn cơm trước để sang học nhóm với gia sư bên nhà bạn, còn bố mẹ ai về nhà lúc nào thì ăn lúc đó.

“Cũng có những lúc mình chủ động nấu cơm, nhưng được vài bữa lại chán vì chồng mỗi tuần 3 tối lại đi đánh tennis với bạn bè, còn lại là những chầu ký hợp đồng trên bàn nhậu. Con cái thì đi học thêm buổi tối. Một mình một bàn ăn cũng buồn, nên từ đó mình chả nấu nữa” – chị Thủy thở dài.

Hạnh phúc là tiền tài?

Gần đây, những dòng tâm sự của một bà mẹ có nickname Ngan Nguyen Tran trên trang mạng xã hội khiến cư dân mạng thảng thốt giật mình. Chị viết: “Chiều nay, con gái học lớp 5 kể: “Lớp con học về chủ đề hạnh phúc. Cô giáo hỏi bạn nào ăn cơm tối với gia đình có đầy đủ ba mẹ/ anh chị em? Chỉ có 3 bạn trong 38 bạn giơ tay. Rồi con kể tiếp, cô đưa ra bốn lựa chọn để học sinh xem điều gì là hạnh phúc? Gồm: a. Giàu có, b. Con cái học giỏi, c. Mọi người sống hòa thuận, d. Bố mẹ đều có chức vụ cao. Cả lớp con đều chọn a, b, d, rất ít bạn chọn c”.

Những thông tin này chỉ gói gọn trong một lớp học nhưng cũng khiến người lớn phải suy ngẫm. Đó là sự thay đổi về thang giá trị xã hội mà ngay cả trẻ em lớp 5 cũng bị ảnh hưởng.

bua-com-gia-dinh

Dòng chia sẻ khiến nhiều người phải suy ngẫm.

Theo Tiến sỹ Trịnh Hòa Bình (GĐ TT Điều tra dư luận xã hội, Viện Xã hội học), quan niệm xem nhẹ bữa cơm gia đình và coi trọng sự giàu có, tiền bạc… xuất phát từ sự thay đổi lối sống cũng như cách suy nghĩ trong gia đình thời hiện tại.

“Xã hội càng phát triển, thì gia đình không còn là một tổ chức bền vững mag tính khép kín nữa. Lại thêm đời sống khấm khá, ai cũng có phòng riêng, tần suất giao tiếp giữa các thành viên trong nhà cứ ít dần đi. Người nào cũng có một thế giới riêng. Thói quen chia sẻ giữa các thành viên bị bào mòn dần đến nỗi người ta cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình” – TS Trịnh Hòa Bình nhấn mạnh.

Cần bàn tay người phụ nữ để giữ bếp nhà ấm nóng

Bữa cơm gia đình không chỉ bổ sung chất dinh dưỡng cho các thành viên mà còn thể hiện sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ đến con cái. Trong bữa cơm, qua những câu chuyên, cha mẹ hiểu con mình hơn để rồi có những sự chia sẻ hay động viên con kịp thời.

bua com gia dinh

Mong lắm những bữa cơm gia đình ấm áp

TS Trịnh Hòa Bình gợi ý: “Bữa cơm là cầu nối giữa các thành viên trong gia đình. Để duy trì cầu nối này, rất cần có bàn tay của người phụ nữ. Nếu quá bận rộn thì cuối tuần, bạn hãy hỏi xem mọi người thích ăn món gì để chuẩn bị một cách đặc biệt. Người phụ nữ giữ vai trò chủ đạo trong việc cung cấp các dịch vụ chính trong gia đình: Chăm sóc các thành viên, đối ngoại trong phạm vi hàng xóm láng giềng, gia đình nội, ngoại… Nói một cách hình ảnh, họ là người giữ lửa, để không khí gia đình luôn ấm nóng, cho dù xã hội có phát triển đến đâu”.

 

chia sẻ bài viết
Theo:  khoevadep.com.vn copy link
Tác giả: trang.nt