UBND TP Hà Nội mới có tờ trình HĐND TP Hà Nội đề nghị điều chỉnh tăng phí 1.300 dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập. Theo đó, mức giá dịch vụ y tế được đề xuất tăng thêm 20% ở tất cả các hạng bệnh viện.
Các bệnh viện công lập của Hà Nội sẽ tăng giá viện phí 20%? |
Theo đó, bệnh viện hạng I được đề xuất tăng từ mức 80% hiện nay lên 100% mức giá trần; hạng II từ 75% lên 95% và hạng III là các phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh từ 70% lên 90%; tương tự trạm y tế được tăng lên mức 85% giá trần.
Cụ thể, giá một ngày giường bệnh đối với điều trị hồi sức tích cực là 300.000 đồng/ngày; giá một ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu là 113.000 đồng (bệnh viện hạng I) và 75.000 đồng (bệnh viện hạng II).
Giá giường bệnh nội khoa, ngoại khoa cũng tăng mạnh lên mức cao nhất là 108.000 đồng/ngày. Với trường hợp nằm ghép 2 người/giường thu tối đa 50%, nằm ghép 3 người/giường trở lên thì thu tối đa 30%/người.
Thông tin này ngay lập tức nhận được sự phản đối của hầu hết dư luận, đặc biệt là người nhà bệnh nhân.
Bán nhà... để chữa bệnh cho con
Cháu Trần Bá Tài (13 tuổi, ở Bạch Đằng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) điều trị bạch cầu cấp đã 3 năm nay. Chi phí mỗi tháng điều trị lên tới gần 30 triệu. Anh Trần Bá Thành (bố cháu Tài) cho biết, thu nhập chính của gia đình chỉ dựa vào quán cơm bụi. Tiền kiếm được cũng không dám chi tiêu gì mà “trói gọn” vào đó, để dành đi chữa bệnh cho con. Thông tin giá viện phí tăng, khiến gia đình anh không khỏi sửng sốt.
“Tôi nghĩ viện phí nên giảm chứ không nên tăng. Chúng tôi đi điều trị, nhiều khi 5 cháu nằm một giường mà vẫn phải đóng đầy đủ tiền như nằm mỗi người một giường, chứ có trừ đi được đồng tiền nào đâu? Những bệnh lặt vặt, ốm sốt thì không nói làm gì. Những những bệnh hiểm nghèo quanh năm phải điều trị trong bệnh viện, tiền kiếm được ngày càng khó khăn, giá thuốc tăng, giá dịch vụ tăng, giá viện phí tăng… chắc chúng tôi phải bán nhà đi để chữa bệnh cho con mất” – anh Thành bức xúc.
Chi phí điều trị cho con anh Thành mỗi tháng lên tới gần 30 triệu. |
Đồng cảnh ngộ với gia đình anh Thành là gia đình anh Lương Xuân Điệp (Tây Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội). Anh Điệp cho biết, hai vợ chồng anh đều làm công nhân, tổng thu nhập mỗi tháng chưa tới 10 triệu đồng/ tháng. Nhưng mỗi tuần, anh chị đều phải đưa con đi chạy thận nhân tạo 2 lần.
“Nếu có tăng giá viện phí thì tăng đối với các bệnh thông thường khác, chứ đừng tăng với những bệnh phải trường kỳ điều trị ở bệnh viện như chúng tôi. Như con nhà tôi bị suy thận, thuốc thì đắt, có loại còn lên tới vài triệu. Lo thuốc thang, ăn ở đã mệt mỏi lắm rồi. Giờ tăng viện phí nữa có khi chúng tôi phải cho con về nhà, khỏi chữa bệnh nữa, được ngày nào hay ngày đó mất thôi” – anh Điệp than thở.
4-5 bệnh nhân một giường là chuyện bình thường ở nhiều bệnh viện. |
Trên thực tế, giá viện phí tăng 20% thì những người đầu tiên bị ảnh hưởng không phải ai khác chính là những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo như: ung thư, suy thận, bạch cầu cấp... Bởi đây là những bệnh mà khi mắc phải, người bệnh không những phải gắn bó "trường kỳ" với giường bệnh, mà còn phải "cắn răng" chịu tốn kém vì chi phí điều trị cao hơn rất nhiều so với các loại bệnh thông thường khác.
Bệnh nhân thậm chí còn phải... trải chiếu nằm ngoài hành lang |
Tuy nhiên, không ít người tỏ ra bình thản trước thông tin này. Bà Lê Thị Hoa (Hoàng Mai, Hà Nội) nói: “Xăng tăng, điện tăng… thì viện phí cũng phải tăng theo thôi. Tăng thì tăng, nhưng chất lượng dịch vụ phải tốt thì mới được. Chứ đi khám bệnh phải đợi nửa ngày, bác sỹ thì cáu gắt… thì chỉ khổ dân thôi”.
Nhiều người tỏ ra lo ngại, tăng viện phí có đồng nghĩa với chất lượng dịch vụ tăng? |
Trước thông tin này, Đại diện UBND TP.Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao y đức, đầu tư cơ sở vật chất cho y tế... trên địa bàn. Theo thống kê hiện nay, do có hệ thống bệnh viện Trung ương khá dày trên địa bàn, nên Hà Nội đầu tư rất hạn chế cho hệ thống y tế, bình quân chỉ đạt 14 giường/vạn dân, trong khi toàn quốc đã đạt 25 giường/vạn dân.