Đoán bệnh dựa vào màu sắc lưỡi, ai có dấu hiệu này đi khám ngay

( PHUNUTODAY ) - Ở người khỏe mạnh, thông thường lưỡi sẽ có màu hồng nhạt. Lưỡi có thể thay đổi màu trên lớp phủ. Độ dày của lớp phủ cho thấy mức độ vấn đề sức khỏe mà bạn đang gặp phải.

Lưỡi trắng

Nếu có một lớp phủ màu trắng dày hoặc nặng trên bề mặt lưỡi thì có thể liên quan đến bệnh tiểu đường hoặc hệ miễn dịch yếu. Tình trạng này khá phổ biến ở những người hút thuốc nhiều.

Lưỡi đỏ

Nếu lưỡi có màu đỏ tươi thì đây là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu sắt và một số vitamin, đặc biệt là B12. Người đang ăn chay lưỡi thường có màu đỏ.

Ngoài ra, đầu lưỡi đỏ còn biểu thị sự căng thẳng về tinh thần và cảm xúc. Khi bạn căng thẳng lưỡi có thể đỏ hơn. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ hết khi bạn ổn định được cảm xúc và trạng thái của mình.

Lưỡi đen

Nếu lưỡi có màu đen thì nguyên nhân chính là do sự tích tụ của vi khuẩn hoặc do hút thuốc thường xuyên. Trong trường hợp này bạn cần vệ sinh răng miệng tốt, đánh răng ba lần một ngày, dùng chỉ nha khoa và dừng hút thuốc.

Lưỡi vàng

Trên lưỡi có màu vàng cảnh báo vấn đề gan hoặc dạ dày. Lưỡi màu vàng có thể là khởi đầu của bệnh sau đó chuyển sang màu nâu hoặc đen.

Một nguyên nhân nữa khiến lưỡi vàng còn do vệ sinh răng miệng kém hoặc lạm dụng thuốc. Nếu bạn chăm sóc răng miệng không hiệu quả thì nên đến gặp bác sĩ để điều trị.

Lưỡi nâu

Thường thì nguyên nhân khiến lưỡi nâu là từ đồ ăn. Sự đổi màu của lưỡi có thể là do uống cà phê hoặc hút thuốc. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì có thể là phổi của bạn đang có vấn đề.

Lưỡi xanh hoặc tím

Lưỡi có màu xanh hoặc tím có thể là một dấu hiệu của bệnh tim. Nếu trái tim không được bơm máu đúng cách hoặc thiếu oxy trong máu thì lưỡi có thể chuyển sang màu tím xanh.

Lưỡi nhạt

Lưỡi nhạt màu chỉ ra cơ thể thiếu hụt vitamin A và B12.  Bạn nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin A như cà rốt, khoai lang, bí, dưa đỏ, rau bina và cải xoăn, thực phẩm giàu vitamin B12, như gan, cá, thịt bò và ngũ cốc.

Lưỡi bản đồ

Lưỡi bản đồ là một rối loạn lành tính, ít khi gây đau với các đốm trắng xám hình thành trên lưỡi. Các đường gờ trắng sau đó phát triển giữa các điểm này, tạo hình giống như bản đồ. Bệnh có thể tự khỏi sau 1 tuần hay 10 ngày.

Khi nào cần đi khám?

Một số thay đổi màu sắc tình cờ, ví dụ, ăn trầu hay uống 1 ly rượu vang đỏ có thể khiến lưỡi có màu rượu thì không cần lo lắng. Chỉ nên đi khám bác sĩ khi lưỡi có những thay đổi về màu sắc, hình dạng hoặc kích thước kéo dài hơn vài ngày mà không hết. Ngoài ra, khi trên lưỡi xuất hiện lớp phủ bất thường có thể chỉ ra tình trạng nhiễm trùng và cần phải điều trị.

Theo:  xevathethao.vn copy link