Động cơ khiến lái xe cán 2 lần lên người nữ sinh?

18:45, Thứ ba 04/03/2014

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Vụ việc lái xe cán 2 lần lên người một nữ sinh Ngân hàng xảy ra trên đường Xã Đàn đang gây nhức nhối dư luận. Nhiều người đang đặt dấu hỏi về động cơ và lý do tại sao tài xế lại thực hiện hành vi dã man đến như vậy?

Tâm lý thà đâm chết còn hơn phải nuôi dưỡng?

Sự việc lái xe cán 2 lần lên người nữ sinh khiến dư luận thực sự sửng sốt. Không ít người đã liên tưởng đến câu chuyện của những tài xế xe tải từng gây xôn xao dư luận trước đây với “châm ngôn”: "Thà nó chết hẳn còn hơn bị thương. Mất mấy chục triệu một lúc còn hơn phải nuôi nó cả đời".

Chuyện lái xe nơm nớp lo sợ cảnh nuôi hết đời người bị nạn, sợ cái nỗi khổ khi “cán mà người ta không chết”, sợ bị ăn vạ đến sạt nghiệp đã khiến nhiều tài xế nhắm mắt làm liều, quyết bằng được phải cho nạn nhân chết.

Pháp luật đã quy định từ lâu về việc “ai sai người ấy chịu”. Vậy kẽ hở nào khiến cho lái xe nói rằng “người chết không mệt bằng bị thương"? Kẽ hở nào khiến cho người bị thương trở thành một gánh nặng sợ hãi của lái xe?

Chiếc xe chỉ dừng lại khi đâm vào dải phân cách trên đường Tôn Đức Thắng.

Vụ đâm xe 2 lần lên người nữ sinh Ngân hàng là một tai nạn rủi ro của việc lái xe cẩu thả hay là sự toan tính khi lái xe cho rằng quy định của pháp luật và trên thực tế, người lái xe gây tai nạn giao thông chết người sẽ đền bù ít hơn là chỉ gây thương tật cho nạn nhân và về thủ tục chỉ phải giải quyết gọn một lần?

Cố tình cán đi cán lại là cố ý giết người

Để làm rõ nhưng băn khoăn trên, Phunutoday.vn đã có cuộc trao đổi với luật sư Giang Văn Quyết, Đoàn luật sư TP Hà Nội. Luật sư Giang Văn Quyết chia sẻ: “Câu chuyện bồi thường cho người bị thương cao hơn người bị chết trong quy định pháp luật là có thật. Bởi lẽ theo hướng dẫn tại phần II nghị quyết 3/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì người gây ra thiệt hại về sức khỏe, tính mạng cho người khác có trách nhiệm bồi thường thiệt hại”.

“Cụ thể: Hướng dẫn của hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, khi nạn nhân bị thương tật, người gây ra thiệt hại cũng phải bồi thường các chi phí cứu chữa, thu nhập thực tế bị giảm sút của nạn nhân và người chăm sóc như khi nạn nhân chết... Tuy nhiên, thời gian mà nạn nhân được hưởng bồi thường kéo dài hơn rất nhiều, thậm chí suốt đời nếu như nạn nhân bị mất hoàn toàn khả năng lao động.

Trong khi đó trường hợp nạn nhân bị chết tuy phải bồi thường tiền mai táng, tiền cấp dưỡng và tiền bù đắp tổn thất tinh thần cho người thân của nạn nhân nhưng những khoản tiền đó vẫn thấp hơn rất nhiều so với tiền điều trị, thuốc men và thu nhập thực tế bị giảm sút của nạn nhân trong cả thời gian dài.

Do đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người gây ra tai nạn trong trường hợp nạn nhân bị thương tật là lớn hơn rất nhiều so với trường hợp nạn nhân chết”, luật sư Quyết phân tích.

Luật sư Giang Văn Quyết cũng nhấn mạnh: “Pháp luật quy định như vậy, nhưng không thể vì những điều đó mà lợi dụng để cố tình khiến người bị nạn phải chết. Bởi lẽ nếu là một vụ tai nạn thông thường thì người điều khiển ô tô sẽ bị quy trách nhiệm về lỗi vô ý gây tai nạn giao thông. Còn nếu là cố ý đâm xe vào nạn nhân, cán qua cán lại, hoặc lùi lại để cho nạn nhân chết hẳn thì lại cấu thành tội Giết người (Điều 93, Bộ luật hình sự).

Cần phải phân biệt rõ giữa tai nạn giao thông, việc gây cái chết hoặc thương tật cho nạn nhân nằm ngoài ý muốn chủ quan của tài xế với việc cố tình dùng phương tiện nguy hiểm để đẩy nạn nhân vào chỗ chết. Cố tình cán nạn nhân đến chết còn thể xem xét tình tiết tăng nặng xác định khung hình phạt về tội danh giết người với yếu tố là dã man”.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: