Cách phân biệt tỏi Việt Nam và tỏi Trung Quốc
Tỏi là thứ gia vị phổ biến được dùng nhiều trong các món ăn. Tỏi ta thường có kích thước nhỏ, không đồng đều. Các tép tỏi nhỏ và chụm lại, khó bóc vỏ, có mùi thơm đặc trưng, ít cay nồng. Giống tỏi Lý Sơn củ nhỏ, vỏ màu trắng. Tỏi Đà Lạt có vỏ ngoài màu tím nâu,…
Còn tỏi Trung Quốc thường to tròn, kích thước củ khá đồng đều, vỏ ngoài màu trắng hơi ngả vàng, láng bóng. Các tép tỏi to, trắng bóng và xòe ra, vỏ mỏng, rất dễ bóc, có vị hăng, the chứ không thơm.
Hành tây
Củ hành tây Trung Quốc thường có vẻ ngoài màu xanh. Sau khi cắt ra bạn dễ dàng nhận thấy cấu trúc lớp hành không rõ rệt.
Củ hanh tây trong nước đa số có nguồn gốc từ Hà Lạt, Vỏ ngoài thường có màu vàng, tím hoặc trắng, hình tròn đều và căng bóng.
Hành khô
Củ hành khô Việt Nam thường có 2-3 nhánh nhỏ vừa còn hành khô Trung Quốc chỉ có 1 củ duy nhất, tròn và to.
Gừng
Gừng Trung Quốc thường có vỏ trơn bóng, trông mọng nước và có màu hơi vàng, khi cắt theo thớ ngang sẽ thật dễ dàng vì ít xơ. Một đặc điểm nữa là gừng Trung Quốc thường rất to.
Gừng ta thường có màu hơi sẫm, củ nhỏ và trông xấu xí chứ không đẹp mã như gừng Trung Quốc. Tuy nhiên gừng rất thơm, không cần phải cắt cũng có thể ngửi thấy mùi.
Súp lơ xanh
Súp lơ xanh Việt Nam và Trung Quốc có nhiều đặc điểm khác nhau. Chỉ cần quan sát kỹ một chút là có thể phân biệt được.
Súp lơ xanh Trung Quốc có màu xanh thẫm, nhỏ hơn so với súp lơ xanh Việt Nam và thường mỗi cây chỉ có một bông.
Súp lơ xanh Việt Nam thường dài cây và to. Mỗi cây chia thành nhiều bông nhỏ và có màu xanh lơ.
Bắp cải
Bắp cải Trung Quốc thường được bảo quản trong túi lưới, hình dạng tròn đều và nhỏ khoảng bằng hai nắm tay. Phần lá xoăn nhiều và màu xanh đậm hơn so với bắp cải thông thường.
Bắp cải Việt Nam to và có màu trắng. Các lá bắp cải xếp lớp khít vào nhau tạo thành khối lớn.
Cải chíp
Cải chíp Việt Nam cây nhỏ, có thể bó thành mớ, lâu hỏng.
Cải chíp Trung Quốc cây to (thường có trọng lượng gấp đôi cải chíp trong nước), không thể bó thành mớ và nhanh hỏng.
Cà rốt
Thường thì cà rốt Trung Quốc không có phần cuống do bảo quản đông lạnh dài ngày, cuống đã bị thối phải cắt bỏ. Nhìn bề ngoài, cà rốt Trung Quốc bóng loáng, không hằn vân, củ nào cũng to đều như nhau. Chúng thường không có cuống hoặc đầu bị thâm đen.
Cà rốt ta củ nhỏ, màu cam đậm và hằn vân rõ ràng. Phần cuống còn xanh và nguyên.
Cà chua
Cà chua Trung Quốc ít khi có cuống. Mặc dù khá khó phân biệt nhưng cà chua Trung Quốc thường to hơn hẳn, không có cuống và bóng đều, dù màu có đỏ đậm nhưng sờ vào vẫn thấy cứng.
Cà chua Việt Nam thì có nhiều hình dáng khác nhau, quả to, nhỏ không đều. Quả cà chua ta thường đỏ, hơi mềm và bao giờ cũng có cuống.