Đường rộng phơi lúa, vá đường bằng đất...niềm tự hào của ngành giao thông

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Khi ngân sách Nhà nước phải chi đến gần trăm tỷ cho những thử nghiệm mà hiệu quả chưa thấy đâu, thì những sáng tạo đã đi vào thực tế, được ghi nhận của ngành giao thông như làm đường rộng để phơi lúa hay vá đường bằng đất quả thực xứng đáng là niềm tự hào lớn lao của ngành giao thông Việt.

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển Kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014, Bộ trưởng Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã chỉ ra hiện tượng có nhiều địa phương đầu tư tràn lan, lãng phí. Bộ trưởng dẫn chứng, nhiều đường ven biển rộng thênh thang 6 làn nhưng không có ai đi.

“Nhiều địa phương kết hợp làm đường và sân phơi lúa luôn nên đường rộng lắm”, Bộ trưởng Thăng nói.

Tại nhiều địa phương đường xá xây dựng nhiều để... phơi lúa
Tại nhiều địa phương đường xá xây dựng nhiều để... phơi lúa

Trong con mắt của nhiều người việc kết hợp làm đường và sân phơi lúa là vô cũng lãng phí và thật khó chấp nhận. Quý vị thử nghĩ mà xem, trong khi cả nước đang phải chật vật với tình trạng kinh tế khó khăn, ngân sách hụt thu, lạm chi... việc chi cả đống tiền làm đường nhưng không có ai đi rõ ràng là đáng phê phán vô cùng.

Tuy nhiên, nếu tư duy thoáng hơn một chút mọi người sẽ thấy ngay rằng làm đường rộng để kết hợp phơi lúa là sáng tạo vô cùng độc đáo, hiệu quả cao và rất ý nghĩa.

Đầu tiên, việc làm đường rộng thể hiện khả năng nhìn xa trông rộng của ngành giao thông nước ta. Này nhé, đằng nào cũng làm thì tội gì phải làm đường nhỏ, cứ làm đường to cho hoành tráng. Đường bây giờ rộng không dùng hết thì để mai sau cho con cháu dùng, chẳng đi đâu mà thiệt. Với tốc độ phát triển dân số và lượng xe cá nhân tăng từng ngày như ở Việt Nam thì sẽ chẳng mấy mà đường có người đi đâu.

Trong khi đường nước ngoài có mỗi một tác dụng là phục vụ cho việc đi lại thì đường nước ta lại có thể vừa dùng để đi vừa dùng để phơi lúa. Nhất cử lưỡng tiện như vậy thực sự rất đáng quý.

Hơn nữa, việc làm đường tạo điều kiện cho nông dân phơi lúa cũng là một cách động viên người nông dân gắn bó với đồng ruộng.

Chẳng là thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đang hết sức đau đầu trước tình trạng người nông dân bỏ ruộng. Theo báo cáo tổng hợp về kết quả thực hiện nghị quyết trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn mới đây, ở miền Bắc có tới hơn 42.000 hộ bỏ ruộng, trả ruộng. Ngay cả ở An Giang, nơi nổi tiếng với đất đai trù phú cũng đã có hiện tượng người nông dân không chịu trồng lúa, bỏ ruộng hay cho thuê...

Vì vậy có thể xem làm đường rộng là biện pháp để nghành giao thông giúp người dân bớt đi nỗi lo tìm chỗ phơi lúa, phơi rơm rạ và mùa gặt.

Bên cạnh ý tưởng làm đường rộng để phơi lúa, ngành giao thông còn khẳng định được sức sáng tạo tuyệt vời với công nghệ vá đường bằng đất.

Công nhân lấy đất lấp ổ gà
Công nhân lấy đất lấp ổ gà

Là người Việt Nam, có lẽ không ai không biết đến chuyện vá đường bởi đường cũ, đường xấu, chưa có kinh phí làm lại thì tất nhiên phải vá. Người ta có thể sử dụng nhiều loại vật liệu như nhựa đường, đá, sỏi... để lấp kín các ổ gà, ổ voi, góp phần hạn chế tai nạn giao thông dễ xảy ra do đường xấu. Nhưng loại vật liệu độc đáo nhất để vá đường ở nước ta phải kể đến đó chính là ... đất.

Vật liệu này đã được sử dụng trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (QL14) - một trong những con đường huyết mạch của nước ta. Chẳng là trên đoạn qua phường Yên Thế (TP Pleiku) những ổ voi được chủ thi công cho thợ vá bằng đá và nhựa chằng chịt, nhưng chẳng hiểu sao những miếng “vá” mới hoàn thành chỉ vài ngày sau lại hư lại! Sau khi giải pháp vá bằng nhựa không thành công, để lấp những ổ gà này, một số thợ tham gia thi công đường đã đào đất ven đường để vá.

Có thể thấy, vá đường bằng đất là một giải pháp độc đáo và vô cùng sáng tạo ở Việt Nam bởi tính cơ động, hiệu quả và tiết kiệm. Không chỉ có thể lấp hết các ổ voi, ổ gà trên đường một cách nhanh chóng bởi sử dụng sẵn đất ven đường mà vật liệu này còn có giá thành rất rẻ, thậm chí là miễn phí vì vậy mà rất phù hợp với thực trạng thiếu vốn ở nước ta hiện nay.

Chỉ liệt kê một cách đơn thuần những sáng tạo của ngành giao thông có lẽ mọi người chưa thể thấy hết được ý nghĩa độc đáo của nó. Tuy nhiên chỉ cần đặt hai sự sáng tạo tuyệt vời ấy bên cạnh phí thử nghiệm cũng của ngành giao thông quý vị sẽ thấy ngay được giá trị rồi.

Theo đó, phát biểu trên báo Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường đã có tiết lộ khiến dư luận không khỏi bất ngờ: “Trong nghiên cứu khoa học bao giờ cũng có khoản tiền để đầu tư thử nghiệm, phải có thất bại mới thành công, khoa học là thế”.

“Khoản tiền” mà vị thứ trưởng ngành giao thông này nói tới là 91 tỷ đồng nhằm nâng cấp mặt cầu Thăng Long, nhưng chỉ khai thác vài tháng đã xảy ra hư hỏng.

Khi ngân sách Nhà nước phải chi đến gần trăm tỷ cho những thử nghiệm mà hiệu quả chưa thấy đâu thì những sáng tạo đã đi vào thực tế, được ghi nhận của ngành giao thông như làm đường rộng để phơi lúa hay vá đường bằng đất quả thực xứng đáng là niềm tự hào lớn lao của ngành giao thông Việt.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn