Người ta thường nói “nhân vô thập toàn” con người không ai vẹn toàn, không có khuyết điểm, nên những lời xin lỗi luôn rất cần thiết trong cuộc sống của mỗi người. Ấy thế mà nhiều người lại cứ khăng khăng cho rằng dân xin lỗi thì dễ chứ chuyện "cán bộ" xin lỗi còn khó hơn lên trời.
Nói như vậy cũng có cái lý riêng, bởi người ta có thể dễ dàng thấy cảnh cán bộ, công chức quát tháo, cáu gắt, thậm chí là cả đánh đập dân chứ chẳng mấy khi thấy được những "công bộc của nhân dân" cúi đầu xin lỗi.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, những chuyện tưởng chừng như "hiếm có khó tìm" ấy lại thường xuyên diễn ra khiến dư luận không khỏi bất ngờ. Mới đây nhất là Công an phường xin lỗi dân vì chậm điều tra một vụ mất trộm.
Theo Dân Trí, chiều ngày 10/12, lợi dụng lúc ông Thu đi đón cháu, kẻ gian đã đột nhập vào nhà lấy số tài sản trị giá khoảng 100 triệu đồng. Ngay sau khi phát hiện, ông Thu đã gọi điện báo cho Công an phường nhưng mãi hơn 10 phút mới có người nghe máy và 30 phút sau đó, công an phường mới có mặt tại hiện trường nhưng không lập biên bản mà gọi ông lên trụ sở để làm tường trình.
Chiếc ti vi nhà ông Thu bị trộm bê giữa ban ngày (Ảnh Dân Trí) |
Điều làm ông Thu bức xúc là cơ quan công an đã thờ ơ trong việc tiếp nhận thông tin, điều tra vụ việc nên ông phải gửi đơn cầu cứu khắp nơi, từ Công an TP Cần Thơ, Công an quận Bình Thủy và cả báo chí.
Sau đó, ngày 18/12, lãnh đạo Công an phường Bùi Hữu Nghĩa đã xin lỗi gia đình ông Thu về những thiếu sót, chậm trễ trong việc xử lý, truy tìm tội phạm. Đồng thời sẽ tiến hành họp để kiểm điểm ca trực hôm xảy ra vụ việc.
Trước đó không lâu, một vụ việc cán bộ lên tiếng xin lỗi khác cũng đã diễn ra, liên quan đến vụ người bán hàng rong bị dân phòng, trật tự phường đánh nhập viện. Chiều ngày 18/12 anh Tình đã được UBND phường 25, quận Bình Thạnh mời đến làm việc. Không chỉ trao đổi thẳng thắn, lãnh đạo phường đã công khai xin lỗi anh Trịnh Xuân Tình (34 tuổi, quê Thanh Hóa, tạm trú tỉnh Bình Dương) và "hỗ trợ" mọi thiệt hại về vật chất trong suốt những ngày anh nghỉ số tiền lên đến ... 7,8 triệu đồng sau khi bị đổ cho "chống đối, không chấp hành và còn dùng chân đá vào 1 người trong tổ nên tổ công tác", "ngã lăn ra đường ăn vạ".
Nhiều người cho rằng, cán bộ tắc trách trong công việc phải lên tiếng xin lỗi dân là hoàn toàn bình thường chứ có gì mà lạ lùng. Khổ nỗi hành động tưởng chừng tất yếu ấy vẫn còn là “của hiếm” hiện nay.
Tình trạng cán bộ công chức xa dân, từ chỗ là công bộc của dân thì nơi này, nơi kia đã xuất hiện hiện tượng tha hóa, biến chất trở thành... “cha mẹ” nhân dân đã xuất hiện ngày càng nhiều. Chính vì vậy, những lời xin lỗi như của Công an phường Bùi Hữu Nghĩa dù nhỏ nhưng rất đáng ghi nhận và cần được nhân rộng.
Cũng có người lại gạt đi cho rằng chỉ 1 lời xin lỗi nhỏ nhoi sao có thể xóa hết được những bức xúc, thậm chí là cả thiệt hại của người dân. Như ông Thu, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm lại được tài sản, tội phạm vẫn chưa bị bắt. Hay như anh Tình - nạn nhân bị dân phòng đánh, sức khỏe vẫn chưa hoàn toàn bình phục, trước khi nhận được lời xin lỗi của lãnh đạo phường anh đã phải vào viện cấp cứu do khó thở, tức ngực...
Thế nhưng các cụ ngày xưa vẫn thường nói "méo mó có hơn không", giữa không có gì và được lời xin lỗi thì rõ ràng có vẫn hơn rồi. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp lời xin lỗi của cán bộ không đơn giản chỉ là lời nói, nó còn là để người dân biết quyền lợi của mình từ đó có thể lên tiếng khi quyền lợi bị vi phạm.
Và quan trọng nhất, lời xin lỗi là để cho dân thấy họ bỏ tiền ra để nuôi “công bộc” của mình làm việc vì nhân dân, phục vụ nhân dân chứ không phải để cho công chức cắp ô hay cửa quyền, hách dịch với dân.