Người Việt sĩ diện dùng smartphone có thấy xấu hổ với nông dân?

12:00, Thứ tư 25/12/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trên các trang mạng xã hội người ta share cho nhau một thống kê về mục đích người Việt xài smartphone rằng 10% xài vì công việc, 35% xài vì công nghệ, còn lại 55% xài vì sĩ diện.

Mới đây, một công ty nghiên cứu thị trường đã đưa ra công bố đáng "giật mình" cho thấy người Việt chi 1 tỷ USD/năm để mua điện thoại, số lượng điện thoại bán ra giảm nhưng giá trị mỗi máy tăng lên.

Người Việt sĩ diện nên bỏ 1 tỷ USD để mua smartphone
Người Việt sĩ diện nên bỏ 1 tỷ USD để mua smartphone

Nhiều người cho rằng với một nước có dân số lên đến 90 triệu người, việc chi 1 tỷ USD (tương đương với hơn 20.000 tỷ đồng) cũng là chuyện bình thường. Thậm chí, người ta có thể lấy đó làm điều đáng tự hào vì đấy là minh chứng cho thấy người Việt rất biết hưởng thụ.

Này nhé, thay vì chi tiền một cách vô tội vạ, hay ném tiền qua cửa sổ, người ta đã biết thế nào là thời thượng, là công nghệ và đẳng cấp để đầu tư. Như vậy cũng đáng tự hào lắm chứ.

Thế nhưng nếu đặt số tiền chi cho smartphone ấy bên cạnh GDP năm 2013 của Việt Nam thì vấn đề bỗng trở nên phức tạp hơn hẳn. 

Chẳng là nhìn lại GDP của năm 2013, cả nước đã cùng việc vất vả mới thu về được 173 tỷ USD, thế mà riêng việc dùng điện thoại đã mất 1 tỷ. Biết nói sao nhỉ? Quả là mức chi đáng nể của một dân tộc nghèo.

Một chiếc iPhone 5s, giá trung bình trên thị trường hiện nay khoảng 700 USD. Trong khi thu nhập bình quân của người Việt chưa tới 2.000 USD. Điều đó đồng nghĩa với người Việt chi 30% thu nhập cho một chiếc điện thoại. 

Trong khi đó, người nước ngoài như Singapore chỉ phải bỏ ra 1,3% thu nhập, láng giềng của Việt Nam là Trung Quốc cũng chỉ phải chi gần 10% thu nhập cả năm để mua iPhone 5s. Thế mới thấy người Việt quả là chịu chơi, chịu chi.

Có người nước ngoài đã từng bảo với tôi rằng, người Việt chuộng iPhone lắm, thậm chí là chuộng hơn cả Anh, Pháp, Nhật hay thậm chí cả Hoa Kỳ. Bởi vì cậu ta đi đâu cũng thấy iPhone. 

iPhone trong tay các e gái mắt xanh mắt đỏ đang chụp ảnh tự sướng bên bờ hồ Hoàn Kiếm. iPhone trong tay các bà các mẹ đang tay bế tay bồng, rồi còn cả trong tay một bà chủ cửa hàng đang ngồi quạt chả. Nói tóm lại là đi đâu cũng thấy iPhone, thậm chí có thể nói rằng nhà nhà dùng iPhone, người người dùng iPhone.

Thế nhưng, mặc cho thiên hạ nói ngả nói nghiêng, những người dùng smartphone chỉ cưới khẩy cho rằng, tôi có tiền, tôi thích mua gì thì mua. 

Có điều khi họ sẵn sàng chi 30% thu nhập bình quân cho 1 chiếc iPhone 5s thì người nông dân Việt Nam đang phải vật lộn với cuộc sống khó khăn khi lãi một sào lúa chỉ mua được ... 2 bát phở.

Nhiều nông dân ở phía Bắc tính toán, làm một sào lúa sau khi trừ hết chi phí mỗi tháng họ nhận được khoản lợi nhuận từ 50.000-80.000 đồng, tương đương với hai bát phở ở thành phố. Trong khi đó, 3kg lúa thu mua tại ĐBSCL chưa bằng giá 1kg ốc bươu vàng bán cho Trung Quốc, nông dân tại các vựa lúa ĐBSCL phải ôm nợ hàng trăm tỷ vì lúa gạo.

Nhiều nông dân ở phía Bắc tính toán lãi một sào lúa mua được 2 bát phở
Nhiều nông dân ở phía Bắc tính toán lãi một sào lúa mua được 2 bát phở

Người ta có thể không ngừng kêu ca vì tăng 600 đồng/ lít xăng, than thở liên tục vì tăng 20.000/tháng tiền cước 3G, nhưng lại sẵn sàng rút ví mấy chục triệu vì một thiết bị mà có thể chẳng bao giờ dùng hết tính năng của nó.

Trên các trang mạng xã hội người ta share cho nhau một thống kê về mục đích người Việt xài smartphone rằng 10% xài vì công việc, 35% xài vì công nghệ, còn lại 55% xài vì sĩ diện. Chẳng biết nó có đúng hay không nhưng người viết vẫn cứ nêu ra đây để độc giả tham khảo và soi chiếu xung quanh mình.

Về cái việc chi cả tỷ đô cho smartphone, người yêu nước thì than thở cho rằng còn biết bao nhiêu khoản chi cần dùng cho y tế, giáo dục, an sinh xã hội... thế mà người Việt nghèo lại chơi trội, bỏ tiền ra để mua những chiếc điện thoại xa xỉ chẳng mấy ích lợi.

Còn cá nhân tôi chả nghĩ được gì to tát, chỉ cứ luẩn quẩn với thắc mắc nho nhỏ, không biết những người Việt sĩ diện dùng smartphone có thấy xấu hổ với nông dân?

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả: Phạm Đông