F0 đã khỏi bệnh và tiêm 3 mũi vắc xin, khi tái nhiễm sẽ bị nặng hay nhẹ hơn: Chuyên gia trả lời

13:28, Thứ năm 10/03/2022

( PHUNUTODAY ) - Theo các chuyên gia, việc F0 tái nhiễm bị nặng hay nhẹ hơn so với lần nhiễm bệnh đầu tiên phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Hiện nay, nhiều người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 và khỏi bệnh. Khi mắc bệnh, có người không có triệu chứng, có người cảm thấy giống như cảm cúm, cảm lạnh thoáng qua, có người thì triệu chứng nặng, thậm chí phải nhập viện.

Một số người có tâm lý chủ quan khi tiêm 3 mũi vắc xin và đã mắc Covid-19 nên nếu có tái nhiễm cũng không đáng lo.

Chia sẻ trên VOV, anh L.T.T, 31 tuổi (ở Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết trướ khi trở thành F0, bản thân anh cũng giữ gìn rất cẩn thận, luôn thực hiện 5K. Khi đó, anh lo ở nhà còn mẹ già và con nhỏ. Tuy nhiên, thời điểm trước Tết, anh và rất nhiều đồng nghiệp trong cơ quan đã mắc Covid-19.

Khi mắc bệnh, anh T. bị sốt cao, đau đầu nặng, đau nhức toàn thân. Sau khi khỏi bệnh, anh vẫn thực hiện 5K để bảo vệ bàn thân và mọi người xung quanh.

Tuy nhiên, sau Tết, con gái anh đi học và mắc Covid-19. Sau đó, anh T. cũng tái mắc. Triệu chứng của anh lần này nhẹ hơn, sau 3-5 ngày test lại đã âm tính.

Do đó, anh T. tự tin cho rằng lần mắc 2 sẽ nhẹ hơn vì đã có kháng thể từ mũi vắc xin thứ 3 và một lần mắc bệnh trước đó.

Không chỉ riêng anh T., rất nhiều người khác cũng đang có tâm lý như vậy.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chia sẻ về vấn đề này trên VOV, Tiến sĩ Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học - Viện Kỹ thuật Công nghệ cao NTT (ĐH Nguyễn Tất Thành), cho biết nhận định tái nhiễm Covid-19 sẽ bị nhẹ hơn lần mắc đầu tiên có cơ sở nhưng không phải là yếu tố đảm bảo để người bị tái nhiễm sẽ có biểu hiện nhẹ.

Không thể khẳng định chính xác một người đang mang biến thể nào nếu không có các xét nghiệm phù hợp. Tuy nhiên, gần đây có nhiều người trong chuỗi lây nhiễm có biểu gần với cảm lạnh thông thường, rất hiếm khi bị mất khứu giác. Ngoài ra, cùng với việc kết quả đọc trình tự mẫu ngẫu nhiên do Hà Nội và TP. HCM tiến hành cho thấy Omicron đang là biến thể chiếm ưu thế, chúng ta có thể đưa ra suy đoán các trường hợp tái nhiễm phần lớn là do Omicron.

Tiến sĩ Minh phân tích: "Đây cũng là giả thuyết phù hợp với báo cáo ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy Omicron có khả năng gây tái nhiễm cao hơn đáng kể với người đã khỏi bệnh sau khi mắc các biến thể trước đó. Khả năng này so với việc tái nhiễm biến thể Delta là cao hơn 3-15 lần (theo các nghiên cứu khác nhau) và thậm chí được ghi nhận với những người mới khỏi bệnh 1- 2 tháng".

Vị chuyên gia này cho rằng, chúng ta có thể đánh giá xu hướng về mức độ nặng của triệu chứng dựa theo việc tái nhiễm Omicron. Biến thể này có thể lây lan nhanh và "trốn" kháng thể sinh ra do miễn dịch tự nhiên kháng lại các biển thế trước đó hoặc do tiêm vắc xin nhưng lại gây ra các triệu chứng nhẹ hơn và khả năng gây tổn thương đường hô hấp dưới không nguy hiểm bằng các biến thể trước đó.

Ngoài ra, việc cơ thể đã có cơ chế bảo vệ nhất định của hệ miễn dịch ở lần đầu tiếp xúc với virus và tác dụng văc xin nên ở lần tái nhiễm, cơ thể có thể chống lại nguy cơ mắc bệnh nặng tốt hơn.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo báo CAND, bác sĩ BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh, cho biết, thế giới đều công nhận chủng Omicron gây bệnh nhẹ hơn so với biến chủng Delta, khả năng gây bệnh nặng và khiến người bệnh không qua khỏi thấp hơn. Trẻ nhỏ nhiễm Omicron cũng nhẹ, thường chỉ có biểu hiện đau họng thoáng qua, có trẻ sốt cao nhưng sau 24 -36 giờ là hết. Với biến thể Omicron, có 2 triệu chứng rõ ràng là mệt mỏi rất kỳ lạ nhưng không liên quan đến hô hấp, kéo dài 2-3 ngày và đổ mồ hôi nhiều. Theo bác sĩ Khanh, hai triệu chứng này không đáng lo ngại. Người bệnh chỉ cần nghỉ ngơi, uống nước ấm để giảm tình trạng đổ mồ hôi. Còn lại các triệu chứng khác chỉ thoáng qua. 

Theo chia sẻ của TS. Minh, vẫn có những trường hợp tái nhiễm biểu hiện năng hơn so với lần nhiễm trước đó. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ thể chưa hoàn toàn hồi phục sau lần nhiễm bệnh đầu tiên. Ngay cả khi không còn phát hiện virus thông qua các xét nghiệm như test nhanh, PCR thì nó vẫn có thể để lại những hệ quả kéo dài và cần thời gian để hồi phục.

Những bệnh nhân gặp phải các tổn thương nặng không thể hồi phục hoàn toàn thì việc tái nhiễm trong giai đoạn phục hồi có thể dẫn đến việc xuất hiện các triệu chứng bệnh nặng, nguy hiểm.

Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa thể hiểu rõ một số cơ chế có thể góp phần dẫn tới biểu hiện bệnh nặng trong lần tái nhiễm.

Vì vậy, mọi người không nên chủ quan. Việc tìm hiểu xem mình nhiễm biến thể nào cũng là không cần thiết. Bất kể bạn nhiễm biến thể nào thì quy trình theo dõi và chăm sóc sức khỏe của người bệnh được thực hiện đúng thì sẽ không có trường hợp đáng tiếc xảy ra vì lý do người bệnh chủ quan.

chia sẻ bài viết
Theo:  saigonthethao.thethaovanhoa.vn copy link
Tác giả: Thanh Huyền