"Gã thợ cày" Lê Thọ Bình bàn về... nghề báo

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Bàn về nghề báo, về những người làm báo đi trước, cũng là cách tôn vinh nghề báo và tri ân những người làm báo. Cuộc trò chuyện với nhà báo Lê Thọ Bình nhân ngày 21/6 cũng với mục đích như vậy.

- Ông vào nghề báo như thế nào?

- Bắt đầu bằng việc đăng hai câu chuyện ngụ ngôn rất ngắn dịch từ tiếng nước ngoài: Một của Nga, chuyện kia là của Nhật Bản.

- Cụ thể hơn đi!

- Câu chuyện của người Nga nội dung thế này: “Có một người đi đổ thức ăn thừa. Đáng ra anh ta phải bỏ nó vào thúng rác, nhưng do lười nhác anh ta vứt nó xuống sân chung của khu tập thể. Những người ở khu tập thể này bảo anh ta là người rất xấu, vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm môi trường sống. Bầy chim ngói bay xuống mổ lia lịa, được bữa ăn no nê. Lũ chim khen người đàn ông này cực tốt. Vậy anh chàng lười này là người tốt hay người xấu? Câu chuyện này đăng trên Nhân dân cuối tuần. Tổng biên tập báo Nhân dân thời bấy giờ là ông Hữu Thọ tấm tắc: “Hay, hay!”.

nhà báo lê thọ bình

Nhà báo Lê Thọ Bình.

Còn câu chuyện của người Nhật đại loại thế này: Con gái của một dòng tộc danh gia, nề nếp không chồng mà chửa. Cả họ đấu tố, hỏi ai là cha đứa bé trong bụng cô ta. Sợ quá cô gái nói nhà sư nọ. Cả họ kéo nhau lên chùa mắng nhiếc nhà sư. Nhà sư nghe xong, nói: “Thế à?”. Khi cô gái sinh con, cả họ lại kéo nhau lên chùa mắng nhiếc nhà sư, vứt đứa bé cho nhà sư nuôi. Nhà sư bế đứa bé, nói: “Thế à?”. 10 năm sau cô gái chửa hoang nọ khai ra cha đứa bé là một người đánh dặm. Cả họ hối hận, lên chùa xin lỗi nhà sư và xin lại đứa bé. Nhà sư trao lại cậu bé và hỏi: “Thế à?”.

- Có phải qua câu chuyện này ông muốn ngầm khoe rằng ông thông thạo ngoại ngữ, ít nhất là hai thứ tiếng, và sâu xa hơn ông có năng khiếu văn chương?

- Tôi làm chuyện ngược đời thì có. Học Anh ngữ, nhưng do người Nga dạy. Về nước dạy tiếng Nga 6 năm thì chuyển về làm bình luận viên quốc tế Báo Quân đội nhân dân.

- Ông từng làm báo QĐND, sau đó là Tuổi trẻ TP.HCM, rồi báo Nông thông ngày nay, tiếp theo là VietNamNet, Pháp luật TP.HCM, VTC News. Có nghĩa là ông đã làm cả báo in, báo điện tử, cả báo phía Bắc lẫn phía Nam. Ông có thấy sự khác nhau giữ báo Bắc và báo Nam không?

- Tôi làm báo từ năm 1988. Thời ấy tôi thấy có sự khác biệt khá rõ nét. Đó là đa phần báo phía Bắc viết những cái gì mình muốn, còn báo phía Nam thì viết những cái gì người đọc cần. Kỹ thuật viết tin thì phóng viên phía Nam đưa theo hình tháp ngược, còn phía Bắc đưa theo hình tháp xuôi. Tuy nhiên theo thời gian thì sự khác biết đã được rút ngắn xuống và hiện nay chúng ta hầu như không thấy có sự khác biệt lớn nữa.

- Trong giới báo chí người ta đôi khi hay chia ra hai dòng báo: báo nghiêm túc, sang trọng và báo lá cải. Cá nhân ông thích loại báo nào hơn?

- Đúng là đôi khi chúng ta coi những tờ báo có khuynh hướng chính trị - xã hội là loại báo nghiêm túc, có vị thế xã hội; còn báo giải trí theo khuynh hướng giật gân thì được gọi là lá cải. Theo tôi thì ở đây loại báo nào cũng có chỗ đứng của nó. Người đọc là đa dạng, nhu cầu thưởng thức là khác nhau, tùy thuộc vào trình độ, sở thích và trong những hoàn cảnh cụ thể mà người ta thích cái này hay cái kia.

 Về bạn bè đồng nghiệp

- Trong số các nhà báo Viêt Nam thì ai là người để lại cho ông ấn tượng mạnh nhất?

- Nhà báo Thái Duy - Trần Đình Vân, nguyên phóng viên báo Đại đoàn kết.

- Vì sao lại là ông Thái Duy?

- Đó là nhà báo mà từ khi bắt đầu cầm bút, với loạt bài viết nổi tiếng về vụ án Trần Dụ Châu (vụ án tham nhũng cấp cao nhất thời bấy giờ) cho tới tận bây giờ, khi đã ngoài 80 tuổi rồi mà ông cũng chỉ viết một mảng đề tài: chống tham nhũng. Đó là một nhà báo cần mẫn, chuyên nghiệp nhất mà tôi từng biết.

- Vậy ông nghĩ thế nào về nhà báo Xuân Ba, người vẫn được coi là Vũ Trọng Phụng của thời hiện đại?

- Với tôi Xuân Ba là người anh đáng kính. Anh là người sống có tình nghĩa, thủy chung. Anh yêu và tôn thờ Vũ Trọng Phụng. Có thể vì thế mà cách viết của anh bị có hơi hướng của Vũ Trọng Phụng chăng.

- Một trong những nhà báo nổi tiếng nhất hiện nay cả về cách làm báo kiếm tiền, cả về tài năng đa dạng (văn –thơ- nhạc- họa) là nhà báo Hữu Ước. Ông nghĩ như thế nào về nhà báo đa tài Hữu Ước?

- Có lần nhà báo Huy Đức nhận xét: “Hữu Ước nhìn đâu cũng ra tiền”. Tôi khâm phục anh Hữu Ước về cách thức gây dựng và tổ chức một tờ báo để đem lại nhiều tiền. Đây là cái tài mà không phải ai cũng có được.

- Trong các bài ký sự nhân vật của ông mà tôi biết, ông ca ngợi nhà báo Hữu Thọ rất nhiều. Ông có chịu ảnh hưởng về phong cách viết của nhà báo Hữu Thọ không?

- Trong bài viết về nhà báo Hữu Thọ tôi đã kể một câu chuyện thế này: “Cách đây chừng chục năm, tôi mắc một sai lầm. Trong lúc tuyệt vọng, không hiểu sao tôi lại tìm đến ông. Ông đã kể cho tôi nghe một câu chuyện đại loại là: “Khi làm Vụ trưởng một Vụ tớ mới ngoài 30 tuổi. Một hôm cấp trên đưa về Vụ tớ một người và yêu cầu tớ tiếp nhận anh ta vào Vụ của mình. Hôm sau xem lý lịch của anh ta tớ mới lên báo cáo lại với thủ trưởng là dứt khoát không nhận về Vụ mình một người đã bị “phốt” như thế.

Ông thủ trưởng nhìn tớ và nói: “Cậu còn trẻ lắm, chưa hiểu đời đâu. Tớ nói thật với cậu thế này: “Nếu con người này không có cái “phốt” ấy trong lý lịch thì ngày nay chúng ta phải treo ảnh để thờ chứ không phải về đây làm nhân viên cho cậu”. Câu chuyện mà ông kể cho tôi nghe có thể là thật mà cũng có thể là do ông “bịa” ra, nhưng lúc ấy nó làm tôi cảm thấy được an ủi rất nhiều, mặc dù tôi được nghe nói lại rằng sau đó ông đã rỉ tai người phụ trách của tôi mà rằng: “Đó là một sai lầm nghiêm trọng”.

- Còn nhà báo Huy Đức thì sao?

- Anh Huy Đức là bạn của tôi. Chúng tôi từng nhiều năm làm việc cùng nhau. Huy Đức có một tính cách (chả biết là hay hay dở), đó là sẵn sàng bỏ tiền ra để lo cho bạn từ A đến Z, khi bạn gặp khó khăn, nhưng không bao giờ chia cho ai một cái đề tài hay mà anh phát hiện ra, thậm chí cả với một phụ nữ mà anh rất yêu và ngưỡng mộ.

- Thế còn về nghề?

- Huy Đức là người ý thức rất rõ với từng chữ mình viết ra. Tôi đã từng chứng kiến anh đứng lên ngồi xuống năm lần bảy lượt chỉ để trau chuốt một cái tin chừng 300 chữ về khai mạc một kỳ họp Quốc hội.

- Trong các Tổng biên tập của làng báo Việt Nam ông đánh giá cao ai nhất với vai trò là một nhà báo chuyên nghiệp?

Có rất nhiều Tổng biên tập, tuy nhiên không phải với ai tôi cũng có cơ hội được làm việc và quan hệ nghề nghiệp. Vì vậy trong tất cả những người tôi được làm việc tôi thực sự kính trọng ông Trần Công Mân, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân (những năm 90 của Thế kỷ 20). Đấy là một nhà báo uyên bác.

Đi công tác bên Mỹ

Tôi yêu quý chị Mai Nhung, nguyên Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay và kính trọng anh Nam Đồng, nguyên Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM. Đây là hai Tổng biên tập lớn, mặc dù họ chưa chắc đã có ảnh hưởng lớn tới cuộc đời làm báo chuyên nghiệp của tôi.

- Ông đã từng đào tạo ra nhiều “học trò” trong nghề báo. Vậy ai là “học trò” ông ưng ý nhất?

- Tôi chưa từng đào tạo ra ai và cũng sẽ không bao giờ dám làm điều đó. Tất cả các nhà báo, kể cả các nhà báo trẻ hay mới vào nghề tôi đều tôn trọng. Tôi học hỏi ở họ những điều hay lẽ phải và đôi khi cũng trao đổi, truyền đạt lại cho họ một vài kinh nghiệm tác nghiệp của bản thân.

- Nếu vẽ chân dung của ông một cách ngắn gọn thì ông vẽ thế nào?

- “Gã Thợ cày”. Vâng, tôi là một gã Thợ cày.

Về người từng viết

- Trong cuộc đời làm báo của mình ông viết về đủ người: từ nhà văn già Sơn Tùng, nữ sĩ Ngân Giang, cho đến các ông Bộ trưởng. Vậy trong những nhân vật đó, ông  ấn tượng nhất với ai?

- Những người tôi đã viết thì mỗi người một vẻ. Ai cũng thú vị cả. Tuy nhiên người để lại cho tôi ấn tượng mạnh nhất là Cựu Chánh án TANDTC Trịnh Hồng Dương. Mặc dù chân dung ông Dương tôi viết rất ngắn.  Đó là một con người vẻ ngoài thì rất khô khan, rất khó gần, nhưng bên trong là một người hài hước. Đặc biệt ông là người rất trung thực với chính mình, trung thực đến ngô nghê. Ông không biết diễn trò, không biết đánh bóng bản thân.

- Ông Trịnh Hồng Dương là người hài hước?

- Một lần tôi đến nhà riêng phỏng vấn ông Dương, trong bài có câu: “Nếu nhận xét về mình thì ông nói gì”, ông Dương kể: “Một hôm tớ vào Việt – Xô (Bệnh viện Hữu Nghị - NV) khám bệnh, cậu Bác sĩ là bạn thân từ nhỏ hỏi: “Cậu có rượu chè gì không?”. Đáp: “Không!”. Lại hỏi: “Thế có hút thuốc không?”. Tớ bảo: “Không!”. Hắn nhíu mày: “Vậy tôi hỏi thật nhá: ông có gái gú gì không?”. Tớ thật thà: “Cũng không!”. Hắn đùng đùng nổi giận, quát: “Thôi ông về đi, không khám khiếc gì hết. Sống như thế thì chết mẹ nó đi cho rồi!”.

- Trong cuộc đời làm báo của mình ông đã làm rất nhiều bài phỏng vấn. Nếu được chọn một câu hỏi trong hàng vô vàn câu hỏi ông từng đặt ra với các nhân vật thì ông sẽ chọn câu nào?

- Khó nhỉ! Nếu bắt buộc phải chọn thì có lẻ tôi sẽ trích một câu trong bài phỏng vấn Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà trước khi ông lên đường sang thăm Mỹ. Đây là lần đầu tiên một Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam thăm Mỹ. Câu hỏi đó là “Đây là lần đầu tiên ông thăm Mỹ. Vậy ông hình dung như thế nào về nước Mỹ?”.

- Nghĩ lại một chăng đường đã đi qua, gặp gỡ bao nhiêu nhiêu nhân vật. Có bao giờ anh ân hận là đã chưa phải với ai đó?

- Có chứ. Tôi "bỏ" chị Mai Nhung (báo Nông thôn ngày nay) ra đi khi đáng ra tôi phải ở lại. Tôi biết ơn anh Nam Đồng vì đã tạo lại cho tôi chỗ đứng trong lòng bạn đọc Thành phố.

- Có nhân vật nào viết xong mà ông hài lòng nhất không?

- Có chứ, ví dụ như bài viết về Triết gia khoán hộ. Ông cùng thời với ông Kim Ngọc, nguyên Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc, người được coi là có chút công trong phong trào “Khoán hộ”, hay còn gọi là “Khoán mười”. Đó là ông Lê Xuân Thiết. Thời ấy ông Thiết viết học thuyết về “Khoán hộ”. Cuộc đời ông là một bi kịch lớn. Ông khăng khăng bảo vệ cái học thuyết “Khoán hộ” và ông mất tất cả: nhà cửa, vợ con.

Cuối những năm 90 của Thế kỷ XX, trong một dịp đi tìm hiểu và viết về những bài học của thời “Khoán hộ” tôi có viết một bài dài về ông Thiết. Khi ấy ông đang làm nghề bán vé số ở Huế, không nhà cửa, không vợ con. Sau khi đọc bài viết vợ ông, con ông về lại với ông vì họ ngộ ra rằng chồng họ, bố họ không phải là kẻ bất tài, mà là một tài năng lớn, nhưng không gặp thời.

- Vậy có chuyện nào mà sau khi đã đưa lên mặt báo rồi ông cảm thấy đáng ra không nên đưa ra không?

- Cuối năm 1998 đầu năm 1999 tôi có đưa lên báo vụ việc Bộ trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà đã trả lại tiền hối lộ 10.000 USD của ông Long, một lãnh đạo cấp cao của Binh đoàn 11 và ông này bị xử lý kỷ luật. Sau này tôi được biết ông Long là người tử tế. Ở đời đôi khi những người tốt cũng có lúc “ma xui, quỷ ám” làm những việc xấu. Đáng ra việc ấy không nên đưa lên mặt báo.

- Có bao giờ sau khi phỏng vấn một nhân vật nào đó và báo ra rồi họ phản ứng lại ông không?

Đó là trường hợp ông Tạ Hữu Thanh. Khi ấy ông Thanh vừa thôi làm Tổng Thanh tra Nhà nước (sau này là Thanh tra Chính phủ) về làm Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương. Một trong những chủ đề được dư luận đặc biệt quan tâm thời bấy giờ là “Đảng viên có được làm kinh tế tư nhân không”. Sau Hội nghị Trung ương tôi và một đồng nghiệp đến nhà riêng của ông để phỏng vấn ông.

Ông trả lời. Báo đăng, đưa báo đến tặng ông, đọc xong ông khen hay. Mấy ngày sau ông làm văn bản gửi lãnh đạo tờ báo tôi đang làm việc và các cơ quan chức năng nói, ông chưa bao giờ trả lời phỏng vấn, đó là điều hoàn toàn bịa đặt. Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra. Gửi lại ông và các cơ quan chức năng mà ông gửi văn bản đến trình bày lại cụ thể sự việc và cuộn bằng ghi âm cuộc phỏng vấn ông dài gần hai tiếng đồng hồ. Mãi sau này tôi mới biết, sau bài phỏng vấn mà ông Thanh từng “khen là hay” ấy ông bị “cụ” Mười (cựu Tổng bí thư Đỗ Mười-NV) xạc cho một trận ra trò.

- Vậy có người nào mà ông từng “phang” họ trên mặt báo mà sau đó họ lại vui vẻ với ông chưa?

Ông Hoàng Văn Nghiên. Khi ấy ông Nghiên đang là Chủ tịch UBND TP. Hà Nội. Một hôm tôi vào nghe Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội ở Hội trường Ba Đình, “tóm” được câu ông Nguyễn Lân Dũng nói “bà con dân tộc bảo khi đi thăm bà con có lãnh đạo cưỡi con xe có giá tới cả ngàn con trâu”.

Nghe vậy tôi nhớ lại trước đó tôi nghe anh Kinh Quốc (khi ấy đang là Người phát ngôn của Thủ tướng Phan Văn Khải) bảo Hà Nội vừa phản ánh ông Nghiên đi con xe Lexus giá 3 tỷ, vượt quy đinh nhiều quá. Tôi ra bãi xe của các đại biểu Quốc hội tìm chiếc Lexus, nhưng không thấy, gọi về cơ quan bảo anh em sang Văn phòng UBND TP. Hà Nội chụp cái ảnh con Lexus. Ngày hôm sau báo đăng bài “Ông Hoàng Văn Nghiên cưỡi 3.000 con trâu”. Cả tuần sau đó báo chí “đánh” ông Nghiên tơi tả. Gặp lại tôi ông vẫn vui vẻ bắt tay, không thanh minh, không oán trách. Ông Nghiên thực sự là một chính khách.

- Nhân nói đến chuyện tham nhũng, hối lộ xin được  hỏi ông: trong 25 năm làm báo của mình ông phanh phui không ít vụ án tham nhũng, vậy có khi nào ông nhận hối lộ không?

- Tôi là một con người bình thường, cũng có không ít những khuyết tật, lỗi lầm, nhưng cả cuộc đời làm báo tôi chưa từng nhận tiền của ai để viết hoặc không viết bài.

- Nhưng chắc là cũng có người mang tiền đến hối lộ ông chứ, và nếu có thì ông từ chối họ thế nào?

- Tôi bảo: “Nếu ông đưa tiền thì tôi nhận nhưng tôi vẫn viết”. Ai dại gì lại đưa tiền cho người khác mà chả có lợi lộc gì cả.

- Xem ra ông hay chê bai người khác. Khi có người nào đó chê bai ông có giận không?

- Khi tôi đang là phóng viên báo Quân đội nhân dân; một sáng tôi tới Tòa soạn thì thấy anh Nguyễn Viết Sơn (khi ấy là phóng viên đặc biệt, Trợ lý Tổng biên tập) đang cầm cả tập báo Quân đội nhân dân trong tay, hỏi: “Chú đã đọc bài anh viết hôm nay chưa?”. Tôi ngạc nhiên: “Dạ chưa. Em bây giờ mới tới Tòa soạn”. Anh Sơn nhếch mép: “Chú mày phải đọc ngay chứ. Viết thế này mới là viết chứ viết báo kiểu hàng chợ như chú mày thì viết làm gì”.

- Thế ông Nguyễn Viết Sơn nói về ông có đúng không?

- Tôi nghĩ anh Sơn nói như anh ấy nghĩ...

Theo:  khoevadep.com.vn copy link